Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 7/1 nói rằng tỷ phú Elon Musk đang “ném lựu đạn” vào nền chính trị chính thống của châu Âu về hàng loạt vấn đề, từ nhập cư đến tự do ngôn luận, tạo ra tình thế khó xử cho các chính phủ khi họ cố gắng ứng phó với tỷ phú công nghệ và cố vấn chủ chốt của chính quyền Trump sắp tới.
Trong những ngày và tuần gần đây, Musk đã can thiệp vào chính trị châu Âu bằng một loạt bài đăng mang tính kích động trên mạng xã hội, bao gồm cả việc ủng hộ một đảng cực hữu trước cuộc bầu cử ở Đức, cáo buộc Thủ tướng Anh đồng lõa trong vụ án băng đảng hiếp dâm, tố cáo các thẩm phán ở Italy và chỉ trích Ủy ban Châu Âu.
Dòng bài đăng của người giàu nhất thế giới đã trở thành một vấn đề ngoại giao nhức nhối và khiến một số đảng chính trị chính thống ở châu Âu phải thụt lùi. Chỉ vài tuần trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu rất cảnh giác với việc công khai chỉ trích Musk bởi lo ngại điều đó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với ông Trump, và khiến Musk tiếp tục công kích.
Nhưng những bài đăng lặp đi lặp lại cho 211 triệu người theo dõi của Musk trên X, nền tảng truyền thông xã hội mà ông sở hữu, hiện đang trở thành chương trình tin tức ở một số quốc gia đó, khiến giới lãnh đạo không thể bỏ qua. Các nhà lãnh đạo không được lòng dân ở châu Âu lo lắng rằng Musk có thể sử dụng X để huy động những cử tri bất mãn, trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế yếu kém đã làm xói mòn niềm tin vào nền chính trị chính thống và gây ra bất ổn chính trị.
“Mười năm trước nếu ai đó nói với chúng tôi rằng chủ sở hữu của một trong những công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới sẽ ủng hộ một phong trào phản động quốc tế mới và can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, kể cả ở Đức, ai có thể tưởng tượng được điều đó?”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các đại sứ hôm đầu tuần này.
Cách tiếp cận trực tiếp của Musk đối với các vấn đề đối ngoại nêu bật thách thức mà các đồng minh của Mỹ phải đối mặt trong việc ứng phó với nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo của ông Trump. Lần gần đây nhất ông Trump ở Nhà Trắng, các chính phủ nước ngoài đã phải đối mặt với những phát ngôn khó lường trên mạng xã hội vào đêm khuya của ông. Bây giờ họ lại phải đối phó thêm với Elon Musk.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã dành phần lớn cuộc họp báo hôm 6/1, vốn được cho là tập trung vào hệ thống y tế quá tải của nước này, để bác bỏ các bài đăng của Musk về hồ sơ của ông lúc còn là công tố viên trưởng của Vương quốc Anh một thập kỷ trước. Ông Starmer nói “sẽ không cá nhân hóa vụ việc đối với Elon Musk hay bất kỳ ai khác” nhưng cũng dành vài phút để bảo vệ thành tích của mình và tố cáo những người “đang truyền bá những lời dối trá và thông tin sai lệch càng xa càng tốt”.
Trước cuộc họp báo của ông Starmer, Musk đã ghim một thông điệp lên đầu tài khoản X của mình: “Mỹ nên giải phóng người dân Anh khỏi chính phủ chuyên chế của họ”. Ông Starmer từ chối bình luận về điều này.
Các chính trị gia và doanh nhân châu Âu cũng luôn bày tỏ quan điểm về chính trị Mỹ - thường là chỉ trích ông Trump - nhưng rất ít người gây tác động tới cử tri Mỹ. Tuy nhiên, các chiến lược gia chính trị lo ngại Musk có thể làm sân chơi này bất cân bằng, bằng cách sử dụng nền tảng X của mình như một công cụ mạnh mẽ để vận động cho các đảng mà ông ủng hộ.
Tác động đến bầu cử ở Đức
Ở Đức, một số chiến lược gia và chính trị gia lo ngại quan điểm cá nhân của Musk có thể ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2 này.
Năm ngoái, Musk đã gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz là “ngốc nghếch” và trong những tuần gần đây ông đã ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức. Musk sẽ tổ chức một cuộc trò chuyện trực tiếp trên X vào tuần này với đồng chủ tịch AfD Alice Weidel và đã viết một bài bình luận trên một tờ báo nổi tiếng của Đức trong đó ca ngợi đảng của bà là “tia hy vọng cuối cùng cho đất nước này”.
AfD thiên về cánh hữu hơn hầu hết các đảng chống chính quyền, chống nhập cư tương đương khác ở châu Âu. Cơ quan tình báo nội địa của Đức đã phân loại một số chi nhánh khu vực của AfD là các tổ chức cực đoan. Dự thảo cương lĩnh bầu cử của đảng này nói rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nên được dỡ bỏ, chính sách đối ngoại và năng lượng của Đức phải thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ và Đức nên rời khỏi EU.
Leif-Erik Holm, một nhà lập pháp cấp cao của AfD cho biết, sự chứng thực của Musk đối với đảng này “là sự phản biện đáng hoan nghênh đối với chiến dịch tiêu cực chống lại chúng tôi đang diễn ra hàng ngày ở Đức” và có thể là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.
Friedrich Merz – chủ tịch đảng CDU trung hữu và theo các cuộc thăm dò, là người có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng 2 – nói với truyền thông Đức rằng sự can thiệp của Musk là “xâm phạm và tự phụ”, đồng thời nói thêm rằng “Tôi nhớ là chưa từng có một trường hợp can thiệp tương tự nào vào chiến dịch bầu cử của một quốc gia thân thiện trong lịch sử các nền dân chủ phương Tây”.
Tập hợp các đảng cánh hữu
Cựu chiến lược gia của ông Trump, Steve Bannon, từng cố gắng xây dựng một mạng lưới các đảng cánh hữu trước cuộc bầu cử quốc hội EU vào năm 2019, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
José Ignacio Torreblanca, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, một tổ chức tư vấn, cho biết, bằng cách tập trung vào các cuộc bầu cử trong nước ở châu Âu và sở hữu một công ty truyền thông xã hội, Musk có thể thành công hơn so với Bannon.
“Ông ta tự coi mình là vị cứu tinh cho nền dân chủ Mỹ khỏi những người cấp tiến”, Torreblanca nói. “Ông ta cho rằng điều này không nên bó hẹp ở Mỹ mà nên tiếp tục ở châu Âu”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trở ngại. Chẳng hạn, ở Anh, chỉ có 26% người dân có cái nhìn tích cực về Musk, ngang bằng với ông Starmer, theo hãng thăm dò YouGov. Thêm nữa, số người dùng X trung bình đã giảm từ 10,3 triệu mỗi ngày vào tháng 5/2022 xuống còn 8,6 triệu vào tháng 5/2024, theo cơ quan quản lý Ofcom. Số liệu của X cho thấy số lượng người dùng hoạt động trung bình trên toàn EU giảm khoảng 5 triệu trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến mùa Hè năm 2024.
Ủy ban EU, cơ quan điều hành của khối, hôm đầu tuần nói rằng họ đang xem xét mở rộng cuộc điều tra hiện có về X để bao trùm cả buổi phát trực tiếp mà Musk muốn tổ chức với đảng AfD của Đức.
“Các bạn được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng có những giới hạn nhất định”, người phát ngôn của ủy ban Thomas Regnier nói với các phóng viên hôm đầu tuần.
Musk trước đây cho biết ông sẽ phản đối mọi bằng chứng của EU chống lại X trước tòa. Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU cho phép ủy ban đưa ra mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu.
Với việc Musk điều hành khoảng 6 công ty, bao gồm SpaceX và Tesla, đồng thời là đồng chủ tịch của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới của Mỹ, một số quan chức châu Âu ngạc nhiên khi Musk vẫn có đủ khả năng và thời gian để quan tâm tới các vấn đề nội bộ của đất nước họ.
Tại Đức, Daniel Tapp, người phát ngôn của bà Weidel, cho biết đảng AfD đã liên hệ với nhân viên của Musk từ trước cuộc bầu cử châu Âu vào mùa Hè năm ngoái, sau khi họ yêu cầu tài liệu về nền tảng của AfD. Tuy nhiên, sự chứng thực của Musk đối với đảng này là một điều bất ngờ, ông nói.
Mục tiêu đặc biệt của Musk
Nước Anh là mục tiêu đặc biệt của Musk. Tài khoản X của ông cuối tuần qua tràn ngập các bài đăng chỉ trích Thủ tướng Starmer vì đã không nỗ lực hơn để truy tố các băng đảng gồm hầu hết là đàn ông Hồi giáo gốc Pakistan, những kẻ đã cưỡng hiếp hơn 1.000 cô gái trẻ ở các thị trấn trên khắp nước Anh trong một vụ bê bối kéo dài hơn một thập kỷ.
Ông chỉ trích cảnh sát Anh đã nhắm mắt làm ngơ trước các băng đảng, một phần vì họ không tin các nạn nhân và một phần vì cảnh sát lo ngại họ sẽ bị buộc tội phân biệt chủng tộc nếu hành động chống lại những người đàn ông thuộc nhóm thiểu số.
Thủ tướng Starmer cho biết ông đã lật lại một số vụ án khép kín liên quan đến đường dây tội phạm cưỡng hiếp và xem xét lại cách truy tố những tội ác như vậy.
Musk cũng nhiều lần kêu gọi trả tự do cho Tommy Robinson, một nhà hoạt động cực hữu hiện đang ngồi tù ở Anh vì tội khinh thường tòa án. Musk cũng bất hòa với Nigel Farage, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cải cách cánh hữu, vào cuối tuần qua sau khi ông Farage nói rằng ông sẽ không ủng hộ Robinson tham gia đảng Cải cách.
Ngược lại, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là một trong số ít nhà lãnh đạo Tây Âu được Musk ngưỡng mộ. Hai người đã gặp nhau vài lần kể từ khi bà Meloni lên nắm quyền vào cuối năm 2022. Nhà lãnh đạo cánh hữu người Italy hòa hợp hơn hầu hết các đồng nghiệp châu Âu của bà với quan điểm của Musk về vấn đề nhập cư, tỷ lệ sinh giảm và “chủ nghĩa thức tỉnh”.
Bà Meloni, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera xuất bản hôm thứ Sáu tuần trước, nói rằng mặc dù đôi khi bà không đồng tình với Musk, nhưng nói “có những người cho đến ngày hôm qua vẫn ca ngợi Musk là thiên tài giờ lại miêu tả ông như một con quái vật, chỉ vì ông ấy lựa chọn “sai” phe, điều này khiến tôi buồn cười”.