Hai sự cố cách nhau 37 năm
Vào ngày 3/7/1988, chuyến bay Iran Air 655 khởi hành từ sân bay Bandar Abbas, Iran, trên hành trình thường lệ đến Dubai. Đó là chuyến bay kéo dài chỉ 30 phút qua Vịnh Ba Tư, một hành trình tưởng như bình thường nhưng chỉ trong ít phút, toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A300 đều thiệt mạng.
Nguyên nhân là do 2 tên lửa đất đối không được tàu tuần dương USS Vincennes của Hải quân Mỹ phóng đi, sau khi con tàu nhầm lẫn máy bay dân dụng này với một chiếc tiêm kích F-14 của không quân Iran.
Mới đây, vụ việc một chiếc F/A-18 Super Hornet bị chính tên lửa của Hải quân Mỹ bắn hạ trên Biển Đỏ tiếp tục làm dấy lên nhiều câu hỏi. Cả hai sự kiện, cách nhau 37 năm, đều xảy ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Những điểm tương đồng giữa hai sự cố đã gióng lên hồi chuông báo động về độ chính xác của hệ thống phòng không đắt đỏ và tiên tiến mà Hải quân Mỹ đang sở hữu.
Trung Đông, khu vực nổi tiếng với các cuộc xung đột triền miên, lại trở thành tâm điểm của sự cố này. Ngày 22/12/2024, chiếc F/A-18 bị bắn hạ khi các tàu chiến Mỹ đang bảo vệ các tàu thương mại trước làn sóng tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen.
Lực lượng Houthi kiểm soát eo biển Bab el-Mandeb, một nút giao chiến lược nối Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các tàu thương mại và cả tàu chiến Mỹ. Hậu quả là nhiều tàu thương mại đã bị phá hủy. Các sĩ quan Hải quân nhận định đây là cuộc đối đầu khốc liệt nhất trên biển mà lực lượng này phải đối mặt kể từ Thế chiến II.
Chiếc F/A-18, vừa cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman, đã trúng tên lửa phóng từ tàu tuần dương USS Gettysburg. Theo một số nguồn tin, tên lửa này thậm chí suýt bắn nhầm thêm một máy bay khác. Rất may, cả hai phi công trên chiếc F/A-18 đều được cứu sống và không bị thương nghiêm trọng.
Chiến tranh tàu chở dầu
Trở lại năm 1988, một cuộc chiến khác diễn ra gần đó, tại Vịnh Ba Tư. Iran và Iraq bị kéo sâu vào một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài từ năm 1980. Cuộc chiến đã biến khu vực này thành vùng chiến sự nguy hiểm, nổi bật với hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu, khiến nó được mệnh danh là "Chiến tranh tàu chở dầu".
Trước tình hình lúc bấy giờ, vào năm 1987, Hải quân Mỹ triển khai Chiến dịch Earnest Will, hộ tống các tàu thương mại đi qua vùng chiến sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng: tháng 5/1987, tàu hộ vệ USS Stark trúng 2 tên lửa chống hạm Exocet từ một máy bay Iraq, khiến 37 thủy thủ thiệt mạng và làm con tàu suýt chìm.
Điều đáng nói là vào thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Reagan vừa cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Iraq để đối phó với Iran, vừa dính líu đến vụ bê bối Iran-Contra, trong đó Mỹ bí mật bán vũ khí cho chính Iran. Đến năm 1988, Mỹ và Iran đã lâm vào một cuộc chiến tranh không tuyên bố.
Vào sáng ngày định mệnh tháng 7 đó, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm. Các tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu Vincennes, đã được cảnh báo về nguy cơ bị tấn công từ phía Iran.
"Trước khi xảy ra vụ bắn hạ chiếc Airbus, Mỹ đã nhận được nhiều thông tin về những nỗ lực của Iran nhằm nâng cao khả năng tấn công các tàu chiến Mỹ", theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Những nỗ lực này bao gồm việc trang bị tên lửa không đối đất cho các máy bay F-14 của Iran.
Điều này đáng lẽ không phải là vấn đề đối với tàu Vincennes, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga nặng 10.000 tấn, được trang bị hệ thống phòng không Aegis, một tổ hợp radar và tên lửa đất đối không, giúp tàu trở thành một trong những chiến hạm phòng không hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm đó.
Thế nhưng, tàu Vincennes đã nhầm một máy bay chiến đấu đang ở trên mặt đất với một máy bay dân dụng đang bay.
"Mặc dù chuyến bay 655 đã được radar của tàu Vincennes phát hiện ngay sau khi cất cánh, nhưng tàu này cũng nhận được tín hiệu Mode II (quân sự) từ hệ thống nhận dạng bạn-thù (IFF), có thể là tín hiệu của một chiếc F-14 đang đậu tại Bandar Abbas", theo ghi nhận của Hải quân Mỹ. "Nhân viên điều khiển đã nhầm tín hiệu Mode II của máy bay trên mặt đất với máy bay vừa cất cánh".
Nói cách khác, thủy thủ đoàn tàu Vincennes đã nhầm lẫn một máy bay dân dụng với tín hiệu của một máy bay quân sự gần đó.
Trong khi đó, tàu Vincennes – lúc này đang ở trong vùng lãnh hải Iran – đang đối phó với một mối đe dọa khác: một nhóm tàu tuần tra Iran đe dọa một tàu chở dầu Pakistan và tấn công một trực thăng của Hải quân Mỹ. Khi chiếc máy bay bị nhầm lẫn tiến gần đến tàu mà không phản hồi các cuộc gọi radio, tàu Vincennes lo sợ đó là một chiếc F-14 đang chuẩn bị phóng tên lửa Maverick. Hệ quả là con tàu này đã bắn 2 tên lửa SM-2MR.
Chiếc máy bay dân dụng bị phá hủy hoàn toàn, không có ai sống sót. Chính phủ Mỹ sau đó đã phải chi trả 61 triệu USD bồi thường.
Bài học từ lỗi lầm nghiêm trọng
Cuộc điều tra của Hải quân Mỹ cho rằng thảm kịch này là hệ quả của một loạt yếu tố, bao gồm tàu Vincennes đang tham gia trận chiến với các tàu chiến Iran, chiếc máy bay dân sự không phản hồi các yêu cầu, và thời gian cực kỳ ngắn mà Đại tá William Rogers, chỉ huy tàu Vincennes, phải đưa ra quyết định để đảm bảo sự an toàn của tàu.
Ngày nay, mặc dù cuộc điều tra về vụ bắn hạ F/A-18 vẫn đang được tiến hành, nhưng những điểm tương đồng với vụ Iran Air 655 là điều đáng lo ngại.
Giống như tàu Vincennes, tàu Gettysburg cũng là tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống Aegis. Trong suốt các năm qua, đã có nhiều vụ bắn nhầm máy bay dân dụng, trong đó có vụ bắn hạ chuyến bay Malaysia Airlines MH17 vào năm 2014 và chuyến bay của Azerbaijan Airlines J2-8243 vào tháng trước.
Tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới. Hơn nữa, các tàu Vincennes và Gettysburg không thể tự động phóng tên lửa nếu thiếu sự can thiệp của các sĩ quan và thủy thủ đoàn.
Dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, yếu tố sai sót của con người vẫn luôn tồn tại và không thể tránh khỏi.