Gần như mỗi ngày trong tuần qua, ông Kim Kwon-seop, 72 tuổi, đã cùng hàng nghìn người khác tụ tập gần dinh thự của Tổng thống bị luận tội Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol. Họ quyết tâm bảo vệ ông Yoon khỏi các công tố viên muốn giam giữ ông với tội danh nổi dậy xuất phát từ việc ông tuyên bố thiết quân luật vào tháng trước.
Đối với họ, chính phe đối lập đã nổi dậy, lợi dụng thế đa số tại Quốc hội để liên tục ngăn cản các sáng kiến chính trị của ông Yoon. Đối với họ, thế đa số trong Quốc hội của phe đối lập là không hợp lệ vì cuộc bầu cử vào tháng 4 năm ngoái đã bị gian lận. Và đối với họ, bảo vệ ông Yoon đồng nghĩa với việc bảo vệ đất nước khỏi “những kẻ thân Triều Tiên”, những kẻ đã bám rễ vào mọi ngóc ngách trong xã hội của họ, từ cơ quan tư pháp, trường học cho đến các phương tiện truyền thông.
Người Hàn Quốc thường bác bỏ những thuyết âm mưu như vậy, cho rằng chúng chẳng khác gì sự mị dân trực tuyến được lan truyền bởi các YouTuber cánh hữu với sự trợ giúp của các thuật toán truyền thông xã hội. Nhưng trong bối cảnh đất nước đang bị phân cực chính trị sâu sắc, những thuyết âm mưu như vậy lại gây ra tình trạng hỗn loạn về tình hình của ông Yoon, khiến những tín đồ nhiệt thành như ông Kim xuống đường với số lượng lớn, kêu gọi Tổng thống trở lại nhiệm sở.
“Khi tôi rời nhà để tham dự cuộc biểu tình mỗi ngày, tôi nói với vợ rằng đây có thể là lần cuối cùng bà ấy nhìn thấy tôi còn sống, bởi vì tôi sẵn sàng chết vì chính nghĩa của mình”, ông Kim nói. “Đây không chỉ là để bảo vệ Tổng thống Yoon. Đó là việc cứu đất nước của tôi, vì con cháu tôi”.
MAGA phiên bản Hàn Quốc
Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) thì ông Yoon có “taegeukgi budae” (nghĩa đen là “lữ đoàn quốc kỳ”). Nhóm này bao gồm hầu hết những người lớn tuổi, đi nhà thờ, họ khuấy động các cuộc biểu tình của họ bằng những bài hát yêu nước, vẫy cờ Hàn Quốc và Mỹ để ủng hộ liên minh, và công kích kịch liệt các chính trị gia cánh tả của nước này, những người mà họ lo sợ sẽ trao đất nước vào tay Triều Tiên.
“Chúng ta đã thắng!”, những người ủng hộ ông Yoon vẫy cờ đã hét lên trong hôm 3/1 khi các nhà điều tra rút lui khỏi dinh Tổng thống, thất bại trong việc bắt giữ ông Yoon.
“Ông Yoon Suk Yeol đang phụ thuộc vào phiên bản MAGA của Hàn Quốc để duy trì quyền lực”, Ahn Byong-jin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kyung Hee ở Seoul, cho biết.
Ông Yoon đã khơi dậy nỗi sợ hãi và phẫn nộ của phe cánh hữu khi tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12 nhằm “loại bỏ các lực lượng ủng hộ Triều Tiên và chống nhà nước hèn hạ chỉ trong một đòn”. Nhưng nỗ lực của ông chỉ kéo dài vài giờ. Quốc hội do phe đối lập chiếm ưu thế đã bỏ phiếu hủy bỏ nó và sau đó luận tội ông.
Bị đình chỉ chức vụ, ông Yoon hiện phải đối mặt với một phiên tòa xét xử tại Tòa án Hiến pháp, nơi sẽ quyết định xem có chính thức cách chức ông hay không. Ông cũng phải chịu sự điều tra riêng biệt của các công tố viên, những người đã cáo buộc ông phạm tội nổi dậy khi ra lệnh cho quân đội chiếm Quốc hội và giam giữ đối thủ chính trị của trong thời gian thiết quân luật.
Trong khi các cuộc khảo sát công khai cho thấy phần lớn người dân Hàn Quốc muốn ông bị lật đổ, những người bảo vệ trung thành nhất của ông Yoon là nhóm “lữ đoàn quốc kỳ” của ông và các YouTuber cánh hữu, những người tôn vinh ông như một nhà vô địch trong việc thúc đẩy liên minh với Mỹ.
Những YouTuber này, một số có khoảng 1 triệu người đăng ký theo dõi, yêu cầu phục hồi chức vụ cho ông Yoon và phát trực tiếp các cuộc tuần hành ủng hộ ông. Họ gọi nỗ lực loại bỏ ông là một “cuộc đảo chính” theo lệnh của Triều Tiên. Họ cũng làm tăng sự phân cực chính trị bằng cách truyền tải các thuyết âm mưu chống lại các đối thủ của ông Yoon.
Các YouTuber cánh hữu từ lâu đã khoe khoang về tình bạn của họ với ông Yoon, sau khi hàng chục người trong số họ được mời đến dự lễ nhậm chức của ông vào năm 2022. Sau khi thiết quân luật bị thất bại, ông Yoon cũng thẳng thắn nói rằng bản thân ông cũng là người hâm mộ các kênh YouTube này.
“Tôi đang theo dõi cuộc đấu tranh của các bạn theo thời gian thực thông qua tính năng phát trực tiếp trên YouTube”, ông Yoon nói trong thông điệp gửi tới những người ủng hộ tập trung bên ngoài nhà ông vào ngày đầu năm mới. “Đất nước chúng ta đang gặp nguy hiểm vì các thế lực chống nhà nước đang hoành hành, cũng như các thế lực trong và ngoài xâm phạm chủ quyền của chúng ta”.
Trong một cuộc biểu tình hôm thứ Tư tuần trước, Seok Dong-hyeon, vị luật sư đóng vai trò là người phát ngôn của ông Yoon, đã cảm ơn các YouTuber cánh hữu ở đó và gọi các nhà điều tra đang cố gắng giam giữ ông Yoon là “bình phong” cho phe đối lập.
“Đây là chiến tranh”, ông nói. “Và các bạn là những chiến binh”.
Tin vào YouTube hơn kênh chính thống
Giống như các nền dân chủ khác, Hàn Quốc đã phải đối phó với tầm ảnh hưởng của truyền thông xã hội trong việc định hình chính trị. Theo báo cáo năm 2023 của Korea Press Foundation, khoảng 53% người Hàn Quốc cho biết họ xem tin tức trên YouTube, cao hơn mức trung bình 30% ghi nhận ở 46 quốc gia được khảo sát.
Các nhà phân tích lo lắng rằng bong bóng thông tin được thúc đẩy bởi thuật toán, với việc mọi người liên tục thúc đẩy những loại nội dung mà họ bày tỏ sự quan tâm khi xem, đang góp phần chia rẽ đất nước.
Hong Sung-guk, một cựu nhà lập pháp và nhà báo, cho biết các thuyết âm mưu và ngôn ngữ mà ông Yoon và những người ủng hộ ông đã tuyên truyền phản ánh lại những thuyết được các YouTuber cánh hữu đưa ra.
“Trường hợp của ông Yoon có thể là cuộc nổi dậy đầu tiên trên thế giới gây ra do chứng nghiện thuật toán”, ông Hong nói.
Hàng chục người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ ông Yoon được phỏng vấn gần đây đều là những người tin tưởng chắc chắn vào các thuyết âm mưu, họ nói rằng các YouTuber cánh hữu là nguồn tin tức chính hoặc duy nhất của họ.
“Họ nói sự thật. Tôi không còn đọc báo hay bật TV nữa vì chúng đầy thành kiến”, ông Kim Jae-seung, 72 tuổi, nói.
Ông Kim Yong-son, 70 tuổi, rút chiếc điện thoại thông minh cũ nát của mình ra để chiếu một đoạn video mô tả các nhà lãnh đạo đối lập quyết tâm phá hoại liên minh của Hàn Quốc với Mỹ và thông đồng với Triều Tiên – nội dung lan truyền do một vị mục sư nổi tiếng thuộc phe cánh hữu Jun Kwang-hoon đăng tải.
Năm 1980, ông Chun Doo-hwan, lãnh đạo chính quyền quân sự cai trị Hàn Quốc vào thời điểm đó, biện minh cho việc áp đặt thiết quân luật bằng cách viện dẫn các mối đe dọa từ “những con bù nhìn của Triều Tiên” và “các phần tử nguy hiểm” trong nước.
Khi những rắc rối chính trị của ông ngày càng sâu sắc sau hàng loạt vụ bê bối, ông Yoon đã liên kết bản thân đầy cởi mở với phe cánh hữu chính trị cực đoan. Ông cáo buộc các nhà báo không thân thiện đã truyền bá “tin giả” và chỉ trích kịch liệt các đối thủ chính trị của ông. Ông thậm chí còn bổ nhiệm một YouTuber cánh hữu làm người đứng đầu trung tâm đào tạo quan chức chính phủ.
Rất lâu trước khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, một số YouTuber cánh hữu đã thúc giục ông thực hiện hành động như vậy để đối phó với đối thủ của ông ở trong nước. Họ cũng truyền bá tâm lý bài Trung, ám chỉ rằng Trung Quốc là kẻ bí mật thao túng chính trị nội bộ ở Hàn Quốc, bao gồm cả các cuộc bầu cử ở nước này. Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông thường vang lên lời kêu gọi “trục xuất người Trung Quốc”. Ông Yoon cũng gieo rắc nỗi sợ về gián điệp Trung Quốc khi bảo vệ thiết quân luật của mình.
Gieo rắc nỗi sợ hãi và thông tin giả
Ông Yoon và các YouTuber cánh hữu cũng cho rằng kết quả bầu cử ở Hàn Quốc không còn đáng tin cậy. Những người ủng hộ ông Yoon thường mang theo những tấm biển có nội dung “Ngăn chặn hành vi trộm cắp” (Stop The Steal), mượn lại một thuật ngữ phổ biến của những người Mỹ tuyên bố sai rằng việc kiểm phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã bị thao túng để chống lại ông Trump.
Một trong số họ, Shin Eun-ju, 52 tuổi, cho biết bà tin vào giả thuyết gian lận phiếu bầu và trích dẫn “YouTube” là nguồn đáng tin cậy của mình.
Cảnh sát và các công tố viên cũng như cơ quan bầu cử từ lâu đã bác bỏ cáo buộc này là vô căn cứ. Nhưng khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, ông cũng cử quân tới Ủy ban bầu cử quốc gia để điều tra cáo buộc gian lận phiếu bầu.
Các công tố viên cho biết, các sĩ quan quân đội liên quan đến sắc lệnh thiết quân luật của ông đã nhận lệnh tịch thu máy chủ của ủy ban và giam giữ những người giám sát bầu cử cấp cao, trói, bịt mắt và đưa họ đến hầm quân sự dưới lòng đất để thẩm vấn về gian lận bầu cử (Thiết quân luật kết thúc trước khi máy tính bị tịch thu hoặc người bị bắt đi).
Ông Yoon và các luật sư của ông phủ nhận các cáo buộc về cuộc nổi dậy, gọi hành động của ông là việc thực thi quyền lực của Tổng thống một cách hợp pháp.
“Rõ ràng là Tổng thống đã mất trí trước những thuyết âm mưu gian lận phiếu bầu kỳ quặc khi xem các kênh YouTube chất lượng thấp”, Cho Gab-je, một nhà báo bảo thủ nổi tiếng, cho biết.
Luật sư của ông Yoon, Yoon Kab-keun, cho biết các cáo buộc về gian lận bầu cử đủ mạnh và gây chia rẽ để cần phải điều tra.
Google Korea cho biết họ quản lý nội dung YouTube theo nguyên tắc cộng đồng của mình.
Trớ trêu thay, cũng chính YouTube đã giúp tin tức về việc ông Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật được lan truyền vào đêm 3/12/2024, khiến người dân đổ xô đến Quốc hội để trì hoãn việc tiến quân và câu giờ cho các nhà lập pháp đối lập bỏ phiếu phản đối thiết quân luật.
“Đó là sự xung đột giữa các vai trò khác nhau của thuật toán. “Thuật toán giúp thông tin được lan truyền rộng rãi nhưng cũng khiến bạn trở thành nô lệ của thông tin đó”, ông Hong nói.