Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) hôm nay (20/8) đăng bài viết về tình hình Afghanistan hiện nay dưới đầu đề “Làn sóng chống Taliban ở Afghanistan, EU lo ngại Trung Quốc và Nga kiểm soát tình hình”. Bài báo viết: Hôm 19/8 đã xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối việc Taliban tiếp quản Afghanistan; các cuộc biểu tình đã lan ra nhiều thành phố, bao gồm cả thủ đô Kabul. Taliban kêu gọi các Akhund, tức thủ lĩnh các địa điểm Hồi giáo hãy nhắc nhở người dân đoàn kết trong các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu.
Hoạt động chống Taliban đang lan rộng
19/8 là Ngày Độc lập của Afghanistan. Các video trên mạng xã hội cho thấy một nhóm hàng trăm người ở Kabul vẫy cờ màu đen, đỏ và xanh lá cây để kỷ niệm ngày độc lập khỏi sự kiểm soát của Anh vào năm 1919. Họ hô vang: "Quốc kỳ của chúng ta, niềm tự hào của chúng ta". Trong một số cuộc biểu tình ở nơi khác, có tin trên truyền thông mọi người đã xé lá cờ màu trắng của Taliban với Shahada (Lời thề Hồi giáo). Có nhân chứng kể súng đã nổ gần cuộc biểu tình, có vẻ như Taliban nổ súng để cảnh cáo.
Những người biểu tình vẫy cờ của chính phủ Afghanistan bị lật đổ tại Quảng trường Pashtostan ở Kabul hôm 19/8 (Ảnh: The New York Times). |
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, ở Kabul đã xảy ra nhiều vụ trộm xe hơi. Các nhân chứng hôm 19/8 nói với Hãng thông tấn Đức DPA, những người tự xưng là thành viên của Taliban đã xông vào nhà họ và cướp đi ô tô, xe máy. Taliban thì nhấn mạnh không có chiến binh Taliban nào xông vào nhà riêng và trưng dụng phương tiện, đồng thời họ cũng đã công bố số điện thoại để công chúng gọi trong trường hợp có sự cố an ninh.
Ngày 19/8, tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra xung quanh sân bay Kabul. Các nước đều nỗ lực sơ tán công dân và nhân viên người địa phương. Hai người dân địa phương làm việc cho các tổ chức quốc tế nói với DPA rằng đường đến sân bay đã bị ách tắc, một số đoạn đường không thể đi qua và quân đội Mỹ đã ngăn họ vào tòa nhà sân bay.
Phóng viên CNN Clarissa Ward, một trong số ít các nhà báo nước ngoài vẫn ở lại Kabul, gọi tình hình là "hoàn toàn hỗn loạn". Theo bà, những người dân đã ném con qua hàng rào sân bay và nhờ các binh lính bên trong chúng đến nơi an toàn. Bà cũng nói rằng Taliban đã sử dụng roi và súng đạn để chặn mọi người vào sân bay.
Hình ảnh các bà mẹ Afghanistan ném con qua hàng rào gây rúng động dư luận quốc tế (Ảnh: Đông Phương). |
Ngoài ra còn có tin về các hoạt động chống đối Taliban tại các thành phố khác của Afghanistan. Theo các video đăng tải trên mạng xã hội, một số cuộc biểu tình đã kết thúc bằng tiếng súng của Taliban Theo các phóng viên địa phương, thành phố Khost đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Reuters đưa tin, một nhân chứng cho biết, các tay súng Taliban đã nổ súng vào đám đông ở phía đông thành phố Asadabad, khiến một số người thiệt mạng. Hiện vẫn chưa rõ thương vong ở Asadabad là do Taliban bắn hay người biểu tình giẫm đạp nhau.
Reuters dẫn lời nhân chứng Mohammed Salim cho biết: “Hàng trăm người tràn ra đường phố. Lúc đầu, tôi sợ hãi và không muốn đi, nhưng khi thấy một người hàng xóm tham gia, tôi đã mang lá cờ ra khỏi nhà. Một số người đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc giẫm đạp và Taliban bắn giết".
Biểu tình cũng nổ ra ở thành phố Jalalabad và tỉnh Paktia ở miền đông. Mặc dù một số cuộc biểu tình chống lại Taliban có quy mô không lớn lắm, nhưng kết hợp với những hành động tuyệt vọng của hàng nghìn người đang tìm cách chạy trốn khỏi đất nước, cho thấy những thách thức mà Taliban phải đối mặt khi điều hành đất nước.
Các quan chức NATO và Taliban cho biết Kabul phần lớn là yên bình, nhưng 12 người đã thiệt mạng bên trong và xung quanh sân bay. Quân đội Mỹ cho biết hiện có hơn 5.200 lính Mỹ canh gác sân bay Kabul và nhiều cổng vào hiện đã được mở. Đồng thời các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng bay lượn trên bầu trời Kabul để bảo đảm an toàn cho hoạt động sơ tán.
Biểu tình chống Taliban đã lan ra nhiều nơi ở Afghanistan (Ảnh: 163.com). |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, hiện có 6.000 người đã "thông qua các thủ tục kiểm tra" tại sân bay Kabul và sẽ sớm lên máy bay. Một nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức Nhà Trắng cho biết tại một cuộc họp giao ban của Quốc hội rằng Mỹ đã sơ tán 6.741 người, bao gồm 1.792 công dân Mỹ và những người có quyền cư trú hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói Mỹ đang "tập trung chú ý" đến các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra của các tổ chức như "Nhà nước Hồi giáo" trong quá trình sơ tán
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi các sự kiện ở Afghanistan với tâm trạng bị sốc. Chính phủ Italy, hiện là chủ tịch của G20, đã đề xuất triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới để thảo luận về tình hình ở Afghanistan.
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng sự lãnh đạo của Taliban ở Afghanistan sẽ ôn hòa hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã đề cập đến tuyên bố gần đây của tổ chức Hồi giáo cực đoan này nói họ có ý định thành lập một chính phủ cởi mở và bao dung, tôn trọng quyền làm việc và tự do ngôn luận của phụ nữ.
Bà Hoa Xuân Oánh bày tỏ Trung Quốc tin tưởng vào sự thay đổi của Taliban (Ảnh: THX). |
Bà nói: "Chúng tôi khuyến khích và hy vọng Taliban sẽ đưa tuyên bố tích cực của họ vào thực tế, đoàn kết với tất cả các đảng phái và các nhóm sắc tộc ở Afghanistan; nhanh chóng thông qua đối thoại và tham vấn, thiết lập một cấu trúc chính trị rộng rãi và bao dung, phù hợp với điều kiện quốc gia của Afghanistan và được người dân ủng hộ, xây dựng một nền hòa bình lâu dài".
Đối mặt với khả năng Trung Quốc và Nga sẽ công nhận Taliban, do đó thay đổi cán cân quyền lực địa chính trị ở Afghanistan, ông Jossep Borrell, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu, ngày 19/8 nói rằng “không được để Trung Quốc và Nga kiểm soát tình hình”. Ông nhấn mạnh “Phương Tây sau khi rút quân buộc phải tăng cường các nỗ lực ngoại giao".
Các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm 7 nước đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện một phản ứng nhất trí để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, Một số nước trong đó có Nga bày tỏ tán thành.
Trung Quốc thì nói rằng thế giới nên ủng hộ Afghanistan chứ không phải gây áp lực với họ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với phía Anh qua điện thoại rằng thế giới nên hướng dẫn và hỗ trợ Afghanistan thay vì gây thêm áp lực khi Afghanistan đang trong quá trình tiến tới một chính phủ mới.
Vương quốc Anh hiện đang là lãnh đạo luân phiên của Nhóm G7, bao gồm Mỹ, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản và Canada.
Hôm 18/8, đại diện Taliban đã gặp gỡ cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (Ảnh: Deutsche Welle). |
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong một tuyên bố, ngày 19/8, các ngoại trưởng của Nhóm G7 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để ứng phó với cuộc khủng hoảng Afghanistan và ngăn chặn khủng hoảng leo thang. Tuyên bố có đoạn: "Các bộ trưởng G7 nước kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay thực hiện sứ mệnh chung để ngăn chặn sự leo thang của cuộc khủng hoảng ở Afghanistan".
Ngoài ra, ngày 18/8 Anh tuyên bố sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ nhân đạo và phát triển cho Afghanistan trong năm nay lên 286 triệu bảng Anh (390 triệu USD).
Đại sứ Anh tại Mỹ, Karen Pierce, nói Anh hy vọng sẽ lợi dụng cuộc họp các nhà lãnh đạo G7 tuần tới để đề ra các quy định liên quan và thảo luận về “cách duy trì những thành quả mà chúng ta đã đạt được và cách ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi sinh ra các hoạt động khủng bố”.
Bà Pierce nói rằng Anh hy vọng sẽ phối hợp với các đối tác và đồng minh trong việc chấp nhận chính phủ Afghanistan mới, "để tất cả chúng ta làm việc trên cơ sở giống nhau, để tất cả chúng ta hiểu rằng cần ưu tiên chống khủng bố, nhân quyền, ổn định khu vực và vấn đề nhân đạo”.
Danh sách đen của Taliban?
Reuters đưa tin, báo cáo của một tổ chức tình báo Na Uy nói Taliban đã bắt đầu vây bắt những người Afghanistan có liên hệ với chính phủ Afghanistan trước đây hoặc các lực lượng do Mỹ đứng đầu. Những lời tố cáo của một số nhà báo Afghanistan đã khiến người dân địa phương nghi ngờ về việc Taliban đảm bảo cho phép các phương tiện truyền thông độc lập hoạt động.
Ngày 6/8/2021, tại Kabul, một nhà báo đang chụp ảnh chiếc xe sau khi Menapar, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông của Chính phủ Afghanistan, bị Taliban bắn chết (Ảnh: Deutsche Welle). |
Hạ nghị sỹ Mỹ Jason Crow tại Quốc hội thúc giục đẩy nhanh việc sơ tán những người Afghanistan có liên hệ với Mỹ. Ông nói rằng Taliban đang sử dụng các hồ sơ của Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan để xác định những người Afghanistan đã làm việc cho Mỹ. Ông nói: "Họ đang đẩy mạnh nỗ lực để vây bắt những người này một cách có trật tự ... Có người đã gửi cho tôi hình ảnh Taliban đang tìm kiếm họ bên ngoài tòa nhà chung cư nơi họ sống".
Crow lo ngại sau khi chính phủ Mỹ kết thúc cuộc sơ tán vào ngày 31/8 sẽ khiến hơn 100.000 người Afghanistan và gia đình của họ gặp nguy hiểm trước nguy cơ bị Taliban trả thù.
Các mạng xã hội Facebook, Twitter và LinkedIn tuyên bố rằng họ đã hành động để bảo hộ tài khoản của công dân Afghanistan nhằm bảo vệ họ khỏi trở thành mục tiêu trong thời gian Taliban tiếp quản.
Với sự rút lui của quân đội Mỹ và các nước khác, Taliban nhanh chóng chinh phục Afghanistan, và khoảng trống quyền lực đã xuất hiện ở nhiều nơi. Phó Tổng thống thứ nhất Amrullah Saleh hôm 17/8 cho biết ông là "Tổng thống tạm quyền hợp pháp" sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn.
Ahmad Massoud, con trai của Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh du kích bị các chiến binh al-Qaeda giết hại vào năm 2001, đã viết trong một bài đăng trên tờ Washington Post: "Hãy chuẩn bị theo bước chân của cha tôi, cùng với các chiến binh thánh chiến thách thức Taliban một lần nữa".
Afghanistan, đất nước hỗn loạn về chính trị, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 19/8 cho biết cần ít nhất 700 triệu euro (818 triệu USD) để triển khai công việc trong thời gian còn lại của năm nay. Liên Hợp Quốc cũng ước tính rằng khoảng 3,5 triệu người Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có 550.000 người chỉ tính riêng từ đầu năm nay; đồng thời cảnh báo hạn hán và mất mùa lúa mạch sẽ dẫn đến việc Afghanistan bị thiếu lương thực nghiêm trọng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu