Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam (ảnh CTV) |
Tiềm năng phong phú và quý giá
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về công tác quản lý và phát triển dược liệu, Việt Nam sở hữu hơn 5.000 loài cây thuốc, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc với gần 1.300 bài thuốc dân gian chữa bệnh.... Những bài thuốc này đã phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống bệnh tật rất hiệu quả.
Đây thực sự là tiềm năng quan trọng, nếu biết khai thác sẽ có khả năng thay thế nguồn dược liệu nhập khẩu, thuốc nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đổi mới cơ cấu nông nghiệp.
"Đặc biệt, cần phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử, để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu, tăng tính cạnh tranh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế ” – Bộ Y tế nhận định.
Trong thời gian qua, ngành dược liệu Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, đóng góp nhất định vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý về dược liệu, Bộ Y tế đã tham mưu Chính Phủ về phát triển dược liệu và triển khai xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động trong công tác quản lý dược liệu.
Đến nay, ngành dược liệu đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 13 vùng cây thuốc trên cả nước gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên); vùng Đông Nam Bộ (TP HCM) và 100% nguồn gen cây thuốc được đánh giá có giá trị.
Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 70 loài/nhóm loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác, với trữ lượng ước tính trên 20.000 tấn/năm. Trong đó, 45/70 loài/nhóm loài có tiềm năng khai thác lớn với trữ lượng hàng vạn tấn/năm cũng đang được quy hoạch, khai thác
Để khai thác tiềm năng dược liệu, công tác nuôi trồng phát triển dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng theo hướng dẫn Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu (GACP-WHO) đã được các doanh nghiệp, địa phương quan tâm. Bộ Y tế đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận dược liệu được sản xuất theo nguyên tắc GACP-WHO cho 17 doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng 33 dược liệu với diện tích 1705 ha, sản lượng 5.720 tấn/năm, doanh thu ước tính trên 350 tỉ/năm.
Tuy nhiên, việc trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP mới chỉ đạt 55% mục tiêu đề ra của Chính phủ về số lượng loài cây dược liệu; sản lượng mới đáp ứng được 6% nhu cầu sử dụng trong nước. Và chưa khai thác hết tiềm năng của ngành dược liệu cho chăm sóc sức khoẻ người dân và cho phát triển kinh tế.
Khai thác chưa xứng với tiềm năng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhu cầu về dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu ngày càng gia tăng. Nhiều nước đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, tính đến nay, Việt Nam chỉ mới có khoảng 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, gần 100 cơ sở sản xuất thuốc loại hình hộ kinh doanh cá thể, 131 cơ sở sản xuất thuốc loại hình công ty, trong đó có 52 cơ sở sản xuất đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), chiếm 23% trên tổng số cơ sở sản xuất; trong đó, có 12 cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất chế biến dược liệu. Số lượng các cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đạt GMP tăng dần theo các năm.
Tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 215 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 60 dây chuyền sản xuất viên, cốm, bột dược liệu, 30 dây chuyền sản xuất cao dược liệu, 25 dây chuyền dược liệu đã chế biến, 10 dây chuyền chế biến vị thuốc cổ truyền.
Mặc dù dược liệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu, thực phẩm, trong đó phần lớn dược liệu được sử dụng trong dược phẩm, thực phẩm chức năng và xuất khẩu… nhưng con số giá trị kinh tế vẫn còn khiêm tốn.
Theo Bộ Y tế, chi phí chi trả cho việc sử dụng thuốc tại Việt Nam năm 2018 là 5,14 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị chế phẩm từ dược liệu (vị thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) chỉ ước tính khoảng 440 triệu USD (chiếm 8,4 % tổng giá trị điều trị bệnh) bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền với tổng ước tính 330 triệu USD và vị thuốc với ước tính khoảng 110 triệu USD.
Thuốc cổ truyền sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đã được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, chi phí phân bổ cho thuốc cổ truyền trong thanh toán BHYT còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Đối với thị trường thực phẩm chức năng, mặc dù đang phát triển khá sôi động nhưng đa phần là nhập khẩu nguyên liệu, kể cả nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đã tinh chế, cho thấy nguồn nguyên liệu trong nước chưa được khai thác đúng mức.
Tại các địa phương đã có các cơ chế đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu trong nước thông qua các dự án phát triển nông thôn, miền núi và chương trình OCOP… Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, nuôi trồng, phát triển dược liệu chưa được quan tâm; đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phát triển dược liệu rất hạn chế, và rất manh mún. Hệ thống sản xuất, cung ứng dược liệu ở nhiều doanh nghiệp, địa phương vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo đủ số lượng cho sản xuất công nghiệp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất quy mô công nghiệp.
“Do đó sản lượng và chất lượng dược liệu không ổn định, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, chất lượng sản phẩm cũng không ổn định, chưa có vùng sản xuất cây thuốc chuyên canh đáp ứng yêu cầu của xã hội”- Bộ Y tế đánh giá.
Hướng đi cho ngành dược liệu
Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền ngày càng cao, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đang dần mở rộng, trong đó, có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập và nhiều cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền thông qua hình thức đấu thầu theo quy định.
Thống kê hàng năm, dược liệu được sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cả về chủng loại và số lượng các mặt hàng (tăng khoảng 10%/năm) với tổng khối lượng ước tính 3.000 tấn/năm với khoảng 300 loại dược liệu. Ngoài ra, còn lượng lớn các dược liệu sử dụng trong hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân và người dân tự mua về sử dụng.
Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm chức năng đang phát triển khá sôi động. Năm 2015, cả nước có hơn 3.000 cơ sở. Đến tháng 10/2016 có tổng số 5.698 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng; trong đó có 1.440 cơ sở sản xuất trong nước, 4.258 cơ sở kinh doanh.
Đã có 4.855 gần 6.000 sản phẩm sản xuất trong nước được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60,6%) tổng sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành (nhập khẩu 39,4%).
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam là rất lớn, một năm khoảng 20.000 tấn. Tuy nhiên, hiện tại đa phần là nhập khẩu nguyên liệu, kể cả nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đã tinh chế (cao lỏng, cao đặc).
Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng dược liệu, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình như: Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước hàng năm…
Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương phát triển công nghiệp dược và dược liệu trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; tổ chức Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của Y, Dược cổ truyền toàn quốc; phối hợp với Bộ KH&CN và các đơn vị địa phương triển khai hàng loạt các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi cho xây dựng mô hình phát triển dược liệu ở 24 tỉnh TP trên cả nước.
Đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án riêng phát triển tổng thể dược liệu trong nước nói chung và vùng dược liệu địa phương nói riêng đối với một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế cao như: Quế ở Yên Bái; sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) ở Quảng Nam, Kon Tum; sâm Lai Châu ở các tỉnh miền núi phía Bắc;…
Để đảm bảo giá trị và phát triển của dược liệu trong nước, Bộ Y tế tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền…
Song song với đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn; định hướng phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu thành một ngành kinh tế đóng góp phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc mới từ dược liệu trong nước theo hướng dẫn quốc tế; xây dựng chuỗi liên kết trong khai thác bền vững, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, phân phối dược liệu…
Để nâng cao sức cạnh tranh, tạo cơ hội xuất khẩu nguồn dược liệu phong phú và quý giá, trong báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về công tác quản lý và phát triển dược liệu, một trong các giải pháp được Bộ Y tế đề xuất là: Số hóa cơ sở dữ liệu nguồn tài nguyên dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác quản lý và kết nối thị trường.
Đặc biệt là cần xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu: từ đánh giá trữ lượng, qui trình khai thác bền vững, cấp giấy phép khai thác, nuôi trồng, chế biến, lưu thông phân phối và xuất nhập khẩu.