Xét về cơ cấu nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính-ngân hàng. Nhóm công nghệ - viễn thông có 3 đại diện. So với năm ngoái, danh sách năm nay có thêm các gương mặt mới như Đường Quảng Ngãi, Petrolimex, Saigon Tourist, Lộc Trời.
Cũng theo danh sách này, VNG lần thứ 2 liên tiếp (năm 2016 và 2017) có mặt trong danh sách này, là 1 trong 3 thương hiệu thuộc nhóm ngành Công nghệ - Viễn thông có giá trị nhất Việt Nam. Trước đó, vào năm 2014, VNG được Công ty nghiên cứu thị trường World Startup Report định giá 1 tỉ đô la Mỹ, lọt vào "CLB" công ty Internet tỷ đô của thế giới.
Được biết, Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành.
Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.
Bà Nguyễn Lan Anh, đại diện Forbes Việt Nam cho biết: “Do phương pháp này đòi hỏi phải có các số liệu tài chính minh bạch, nên chúng tôi không có đủ cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước”.