Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung thực hiện các giải pháp về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù còn nhiều thách thức, mục tiêu tăng trưởng năm nay khó có thể đạt được, nhưng cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong phiên làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra hôm nay (23/10) tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất. Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ, trong nước, công tác điều hành chịu áp lực lớn khi vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra; GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản Chính phủ đề ra từ đầu năm (6,3%).

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ, trong 9 tháng qua và ước cả năm nay, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

“Tuy nhiên, còn 5/15 chỉ tiêu KTXH năm 2023 ước không đạt kế hoạch” – Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội.

202310231234008374_z4808716277474_86825ba1c03059eeb326d11062f06f9e.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên khai mạc Kỳ họp.

Ngoài các diễn biến khách quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan của khó khăn hiện nay là do công tác dự báo tình hình còn chưa sát.

Cùng với đó, “có lúc, có nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại khó; thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới; trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong một số trường hợp chưa được phát huy đầy đủ; một bộ phận cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền” - người đứng đầu Chính phủ nêu.

Thúc đẩy tăng trưởng phải là nhiệm vụ ưu tiên

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Những tháng cuối năm nay dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, mục tiêu tăng trưởng năm nay khó có thể đạt được. Tuy nhiên Chính phủ vẫn quyết tâm, cố gắng phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm nay.

Do vậy, theo Thủ tướng, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với Chính phủ là cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh việc thúc đẩy tăng trưởng phải là nhiệm vụ ưu tiên trong những tháng cuối năm nay và năm tới.

202310231234007905_CQH_1366.jpg

Ông Vũ Hồng Thanh minh chứng: Nếu như năm 2022 chỉ có 2/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt mục tiêu đề ra, thì đến năm nay, ước có đến 5/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt. Những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều suy giảm.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, giảm dần qua các quý, đến quý III chỉ tăng 7,3%. Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh, 9 tháng tăng thấp 3,5%.

“Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài” - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu rõ trong báo cáo về thực tế các biến động tiêu cực từ bên ngoài khiến cho những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, thị trường tài chính tiền tệ bộc lộ rõ hơn. Có thực trạng này là do công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; hiệu quả chính sách có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.

Về giải pháp trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tập trung thúc đẩy 3 động lực bao gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Đồng thời bước sang 2024, phải tập trung tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế./.