Thứ trưởng Phan Tâm: Thời điểm đã “chín” để tận hưởng 4G

VietTimes -- "Hiện nay, không chỉ nhà nước mà các chuyên gia trong và ngoài nước đều rất đồng thuận cho rằng đây là thời điểm "chín" để Việt Nam triển khai và tận hưởng ngay lợi ích tốt nhất mà công nghệ 4G mang lại", ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
"Trong tháng 9 và tháng 10 này Bộ TT&TT sẽ cấp phép để chi tiết hóa cung cấp dịnh vụ viễn thông 4G ra thị trường"- Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
"Trong tháng 9 và tháng 10 này Bộ TT&TT sẽ cấp phép để chi tiết hóa cung cấp dịnh vụ viễn thông 4G ra thị trường"- Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.

- Thưa Thứ trưởng, hiện tại Việt Nam đã có lộ trình và kế hoạch như thế nào cho việc triển khai và phát triển mạng 4G?

Trước hết, cần nói đến chiến lược phát triển băng rộng, vì công nghệ 4G nằm trong chiến lược triển khai phát triển băng rộng của Việt Nam. Theo đó, Chương trình phát triển băng rộng viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2016. Chiến lược này hướng tới xây dựng một hạ tầng băng rộng nói chung, trong đó, di động là một trong những giải pháp chủ yếu.

Đây sẽ là hạ tầng băng rộng hiện đại có dung lượng lớn, tốc độ cao, rất an toàn và có vùng phủ sóng rộng. Đặc biệt, có đủ khả năng cung cấp đa dịch vụ băng rộng cho người sử dụng trên khắp mọi miền tổ quốc.

Vì vậy, để phát triển chương trình băng rộng quốc gia sẽ có rất nhiều giải pháp: Có thể kể đến như thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển băng rộng. Điều này cũng rất phù hợp với chiến lược, định hướng chung của Chính phủ. Sắp tới đây, Bộ TT&TT sẽ rà soát lại các điều kiện cấp phép theo hướng giảm rào cản tiếp cận thị trường, để thêm các doanh nghiệp có thể tham gia thị trường băng rộng như hiện nay. 

Ngoài ra, để việc cạnh tranh được lành mạnh, thị trường phát triển bền vững, tới đây Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp kinh tế thị trường để quản lý cạnh tranh và đặc biệt theo sự chỉ đạo của Chính phủ là đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Mạng 4G sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho người sử dụng- (Ảnh minh họa).
Mạng 4G sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho người sử dụng- (Ảnh minh họa).

Về lộ trình triển khai 4G, Bộ TT&TT cũng có tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó, trong năm 2015 đã tiến hành đánh giá "độ chín" của việc triển khai 4G, đến 2016 xem xét và chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp thương mại hóa dịch vụ này. Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đã có báo cáo để Bộ TT&TT xem xét và kết luận, trong tháng 9 và tháng 10 này Bộ sẽ cấp phép để chi tiết hóa cung cấp dịch vụ viễn thông 4G ra thị trường.

Thưa ông, hiện có rất nhiều quan điểm cho rằng việc cấp phép triển khai 4G không nên quá nhiều đơn vị, vậy Bộ TT&TT có giới hạn số đơn vị được cung cấp dịch vụ 4G không?

- Trong cung cấp dịch vụ thông tin vô tuyến thì số lượng nhà khai thác phụ thuộc vào băng tần số, băng tần tài nguyên hiện có. Vì vậy, số lượng đơn vị khai thác sẽ cân đối giữa yếu tố kỹ thuật và yếu tố cạnh tranh. 

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của quy hoạch là sự hài hòa, nếu nhiều nhà khai thác thì sẽ có sự cạnh tranh tốt nhưng việc sử dụng hiệu quả tần số sẽ hạn chế. Vì vậy Bộ TT&TT sẽ tính toán rất cẩn thận để đưa ra bài toán tối ưu hóa số lượng đơn vị khai thác với nguồn tài nguyên để cung cấp dịch vụ.

Theo ông trong lộ trình phát triển băng rộng và đặc biệt là mạng 4G thì chúng ta gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào?

- Khó khăn và thách thức là rất nhiều, nhưng theo tôi có ba thách thức lớn: Đầu tiên là vấn đề hiệu quả. Hiện tại, các doanh nghiệp tham gia xây dựng băng rộng vẫn là doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên vấn đề hiệu quả rất được quan tâm. Vì vậy, cần xây dựng hệ sinh thái bền vững cho phát triển băng rộng di động sử dụng công nghệ 4G và sau sẽ là 5G. Do đó làm sao thiết lập được sự liên kết và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các thành phần khác nhau tham gia vào phát triển và khai thác hạ tầng băng rộng di động 4G. 

Bên cạnh đó phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên hạ tầng băng rộng, Việt Nam sẽ triển khai Chính phủ điện tử, giao thông thông minh, y tế, ngân hàng điện tử... Nếu chúng ta không đảm bảo được môi trường mạng thực sự an toàn, tin cậy cho người sử dụng thì khó lòng khai thác. Đây là thách thức rất lớn.

Ngoài ra vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông thụ động chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng là thách thức. Đầu tư phát triển mạng di động sẽ liên quan đến việc phát triển các cột ăng ten, các trạm thu phát sóng BTS. Nếu không được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân thì các doanh nghiệp sẽ rất khó trong việc phát triển mạng lưới để đáp ứng yêu cầu của chính bản thân người dân.

Vì vậy, Bộ TT&TT có định hướng là chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng để vừa đảm bảo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp nhưng đồng thời đảm bảo yêu cầu mỹ quan đô thị. 

Trên thế giới việc triển khai và phát triển mạng 4G đã rất phổ biến, theo Thứ trưởng đây có phải là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai dịch vụ này? Khi triển khai thì giá cước 4G có khác với 3G hay không?

- Hiện nay, không chỉ Nhà nước mà các chuyên gia trong và ngoài nước đều rất đồng thuận cho rằng đây là thời điểm "chín" để Việt Nam triển khai và tận hưởng ngay lợi ích tốt nhất mà công nghệ 4G mang lại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, hiện nay không còn khó khăn gì về thiết bị đầu cuối như smartphone, máy tính bảng đã rất phổ biến cùng giá cả hợp lý.

Tới thời điểm hiện tại, các nhà mạng chưa đưa ra các phương án giá cước dịch vụ mạng 4G. Theo các quy định thì các nhà mạng được chủ động trong chuyện quyết định giá cước, Nhà nước chỉ quản lý khi có sự biến động bất thường, như hiện tượng bán phá giá.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!