Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/11 đăng bài xã luận bàn về cách ứng phó của Trung Quốc đối với khả năng Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD).
Bài viết dẫn báo chí Nhật Bản cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ thành lập một ủy ban do Thứ trưởng Quốc phòng đứng đầu trong thời gian tới để thảo luận nhập khẩu hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ.
Báo Nhật cho biết xét tới việc Triều Tiên nhiều lần bắn tên lửa đạn đạo, Nhật Bản sẽ đưa ra kế hoạch phòng thủ tên lửa trước mùa hè năm 2017.
Quy hoạch được phía Nhật Bản tiết lộ là hiện nay Nhật Bản đã có mạng lưới phòng thủ gồm tàu Aegis bắn tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 và tên lửa đánh chặn tầm thấp Patriot-3.
THAAD là hệ thống đánh chặn tầm cao đoạn cuối, sẽ bổ sung cho khoảng trống giữa SM-3 và Patriot-3, do đó hệ thống phòng thủ tên lửa 2 đoạn (2 tầng) hiện có sẽ được nâng cấp thành mạng lưới đánh chặn 3 đoạn (3 tầng).
Một khi Nhật Bản triển khai THAAD, ngoài phòng thủ tên lửa của Triều Tiên, sẽ tăng khả năng răn đe chiến lược đối với Trung Quốc. Hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sẽ giám sát được toàn bộ hoạt động của tên lửa Trung Quốc tại khu vực đông bắc, còn THAAD ở Nhật Bản có thể do thám duyên hải đông nam Trung Quốc.
Tuần trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự, sau khi hai nước xây dựng thành công THAAD, sẽ có thể liên kết với nhau để hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa Đông Á hoàn chỉnh, kết quả này sẽ làm suy yếu khả năng răn đe của tên lửa Trung Quốc, tăng thêm quân bài cho Mỹ "chơi bài" với Trung Quốc.
Trung Quốc ngăn cản Hàn Quốc triển khai THAAD không có hiệu quả, muốn làm cho Nhật Bản từ bỏ kế hoạch THAAD càng khó khăn hơn. Đồng minh Nhật - Mỹ chặt chẽ hơn đồng minh Hàn - Mỹ. Nhật Bản có thái độ cứng rắn hơn nhiều đối với Trung Quốc. Một khi Nhật Bản hạ quyết tâm triển khai THAAD thì ý kiến của Trung Quốc rất khó phát huy tác dụng.
Nhật Bản hiện nay tiếp tục đề cập đến triển khai THAAD, có ý đồ chủ động đưa ra vấn đề, gây ảnh hưởng đến phương hướng chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Trong tình hình này, những điều mà Trung Quốc có thể làm để thay đổi thái độ của Tokyo càng có hạn.
Mỹ từng bước tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở Tây Thái Bình Dương xem là là xu thế lớn, Trung Quốc không thể trông chờ ông Donald Trump rút lui trong việc thúc đẩy chiến lược này. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc ứng phó với cục diện này, chắc chắc phải xuất phát từ họ có thể làm gì, chứ không tể dựa trên khuyên can đối phương không được làm gì.
Vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa là đánh chặn, cuối cùng đem khả năng bảo đảm tiêu diệt nhau biến thành một bên có thể tiêu diệt một bên khác, trong khi đó một bên mất đi khả năng tiêu diệt đối phương.
Theo bài báo, Trung Quốc cần nỗ lực trên hai phương diện: Một là tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, khả năng công nghệ của Trung Quốc trên phương diện này không kém nhiều so với Mỹ và Nhật Bản.
Hai là tăng mạnh khả năng đột phá phòng không của tên lửa Trung Quốc, làm cho việc tăng khả năng này chiến thắng việc xây dựng THAAD. So với xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, việc tăng cường khả năng đột phá phòng không là đặc biệt quan trọng.
Kế hoạch triển khai THAAD của Hàn Quốc và Nhật Bản đã cung cấp lý do mới để Trung Quốc nâng cấp công nghệ đột phá phòng không của tên lửa chiến lược và mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn "quá ít", có khoảng cách với Mỹ và Nga. Nếu Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân với quy mô tương đối lớn, thì hiện nay có cơ hội để xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đã bị Mỹ coi là đối thủ chiến lược tiềm tàng số một, thúc đẩy đưa Trung Quốc vào tuyến đầu của đối đầu nước lớn.
Trong tình hình này, Trung Quốc là "nước hạt nhân hạng hai" đã trở nên lỗi thời. Điều này sẽ khuyến khích lực lượng cấp tiến Mỹ áp dụng thái độ cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí có hành động mạo hiểm. Ưu thế hạt nhân mang tính áp đảo của Mỹ đối với Trung Quốc không có lợi cho sự ổn định lâu dài của quan hệ hai nước.
Công nghệ phòng thủ tên lửa vĩnh viễn khó đạt chính xác, tin cậy hơn so với công nghệ đột phá phòng không của tên lửa. Báo Hoàn Cầu nhấn mạnh "chỉ cần Trung Quốc hạ quyết tâm thì không khó lấy đầu tư ít hơn để phát triển công nghệ đột phá phòng không của tên lửa nhằm phá hủy THAAD".
Trung Quốc cần làm sao để cho THAAD vừa xây dựng vừa lỗi thời, thậm chí không có hiệu quả gì. Trung Quốc cần đẩy nhanh hạ thủy nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược hơn, “đi vòng phía sau” hệ thống phòng thủ THAAD, công nghệ của tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tên lửa chiến lược bắn từ tàu ngầm của Trung Quốc đều đã tương đối “hoàn thiện”.
Theo bài báo, để có hòa bình thì phải có khả năng "bảo vệ" hòa bình. Mỹ - Nhật - Hàn cố tình triển khai các hành động đe dọa an ninh chiến lược của Trung Quốc, họ hầu như không vui mừng đối với sự cân bằng chiến lược, lại quá "tham lam" đối với an ninh và ưu thế đơn phương.
Trang báo này khuyến nghị Trung Quốc "cần linh hoạt về ngoại giao, đồng thời kiên trì "đạo lý cứng" đó là lực lượng quân sự phải đảm bảo đáng tin cậy.
Khi Trung Quốc khó có thể ngăn chặn đối phương triển khai THAAD thì phải nỗ lực để làm cho THAAD không có tác dụng, tức là làm cho Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ ăn "quả đắng" trong xây dựng THAAD, từ đó buộc các nước này phải quan tâm "lắng nghe ý kiến của Trung Quốc" trong tương lai".