Thanh Hóa: "Tứ Sơn" tản mạn chuyện Bài 4: Nghi Sơn - cá lẹp khi mô mới giàu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vùng đất phía Nam Thanh Hóa với "đặc sản" gió Lào, cát trắng một thời được liệt vào nơi nghèo nhất nhì xứ Thanh, giờ đang từng ngày "thay da đổi thịt". Và, câu hỏi "khi mô mới giàu" đã đã có lời giải...  
 Nhà máy xi măng Nghi Sơn công trình đầu tiên được xây dựng tại vùng cát trắng, gió lào Tĩnh Gia (1997)
Nhà máy xi măng Nghi Sơn công trình đầu tiên được xây dựng tại vùng cát trắng, gió lào Tĩnh Gia (1997)

Nhớ lại 40 năm trước, một trong những chuyến công tác đầu tiên ở quê Thanh, tôi đi về vùng đất này - huyện Tĩnh Gia. Bởi 2 lý do. Một là thời kỳ chiến đấu tại Tây Nguyên đơn vị tôi có anh Nguyễn Văn Thọ quê ở thôn Liên Đình, xã Hải Bình, nơi người dân sống bằng nghề vươn khơi bám biển. Hai là đi về nơi nghèo khó đến độ thành câu ca truyền khẩu từ đời này qua đời khác, để một lần cảm nhận được vùng đất Tĩnh Gia nghèo khó, gian truân đến độ nào?

Câu ca rằng: Nhất Xương (huyện Quảng Xương) nhì Gia (huyện Tĩnh Gia) thứ ba Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc). Và, cũng rất lạ, 3 huyện nghèo khó nhất trong 23 huyện thị, thành (nay là 27 huyện, thị, thành) của tỉnh Thanh Hóa nói trên đều có biển. Riêng huyện Tĩnh Gia bờ biển dài hơn 40 km/102 km bờ biển của Thanh Hóa. Trong tôi luôn thường trực câu hỏi sao người dân vùng biển nghèo khó hơn dân vùng đồng bằng, trung du...?

Một góc xã đảo Nghi Sơn, Tĩnh Gia

Một góc xã đảo Nghi Sơn, Tĩnh Gia

Đi về các xã vùng biển Tĩnh Gia làm việc mới nhận ra rằng, một vùng cát trắng biển xanh rất đẹp. Nhưng phong cảnh nên thơ, yên bình cũng chỉ tồn tại những làng chài, những cánh đồng sản xuất muối và trồng lúa nước trong đất pha cát.

Cái nghèo khó như mặc định ở vùng đất này trước sự cam chịu của con người. Họ chỉ biết ra khơi, vào lộng mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Về với vùng biển mới cảm nhận hết được vị mặn chát của đời người, bán mặt cho biển, bán lưng cho trời, cần cù, chịu thương chịu khó chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, để vươn lên...

Nhân chuyến công tác năm xưa ấy mà tôi gặp được anh Nguyễn Văn Thọ, ở thôn Liên Đình, xã Hải Bình (nay là phường Hải Bình) đồng đội cùng đơn vị chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và cũng từ ngày đó tôi mới biết con cá lẹp khi anh Thọ dẫn đi xem.

Quả thật, cá lẹp bé như ngón tay, mình mỏng, anh Thọ bảo cá lẹp mang nấu lên lấy nước chấm với rau sống ăn với cơm, ngon vô cùng! Còn đem ra phơi thì chỉ còn "xương xương toàn xương". Chú mi (chú mày) chưa nghe nói 2 loại sản vật "quí" của Tĩnh Gia à? Dân quê anh và cả huyện Tĩnh Gia này đều khoái câu ca biển khơi cá lẹp, trên bờ khoai lang...! Cá lẹp và khoai lang gắn với dân vùng này nhất là "tháng ba ngày tám" . Còn giàu lên thì có mà đến đời "mục thất". (Ý giàu lên thì còn lâu lắm chưa biết đến khi nào...)

Hải sản phơi khô ở bán đảo Nghi Sơn

Hải sản phơi khô ở bán đảo Nghi Sơn

Câu chuyện cá lẹp, khoai lang càng ngày càng sôi nổi đến độ "luyên thuyên" từ nghèo khó sang chuyện sinh con đẻ cái. Đã nghèo càng nghèo thêm vì tệ sinh con quá nhiều.

Từ câu chuyện của người đồng đội, nên có một lần đến làm việc tại huyện Tĩnh Gia, tôi tìm đến thôn Đồng Lách, xã Tân Trường. Nhớ đến chuyện cái vòng luẩn quẩn "nghèo đói lại sinh con, đẻ cái nhiều thì càng đói nghèo" một lần tìm hiểu xem sao? Gặp chị Lương Thị Nhân, mới 42 tuổi mà đẻ đến 8 đứa con. Con đầu của chị lấy vợ sinh được 3 cháu. Và, điều đáng nói là con thứ 3 của người con trai sinh ra cũng đúng dịp chị Nhân hạ sinh đứa thứ 8. Thế là con đẻ, mẹ cũng sinh...!

Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã hòa lưới điện quốc gia

Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã hòa lưới điện quốc gia

Khắc họa đôi nét về vùng "gió Lào cát trắng" ở huyện Tĩnh Gia để thấy nếu không tìm cho mình "lối thoát", thì khi nào mới ăn no chứ chưa nói đến làm giàu. Vì thế, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lớp trước và kế tiếp hôm nay phải tìm cho ra lời giải.

Lời giải cho bài toán đói no, giàu nghèo được bắt đầu bằng việc qui hoạch một khu công nghiệp, tiền thân của Khu kinh tế Nghi Sơn hôm nay. Dự án đầu tiên xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm công nghệ Nhật Bản được khởi công. Đây là nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đặt chân đến vùng cát trắng nóng bỏng và gió Lào khô rát.

Cảng nước sâu Nghi Sơn

Cảng nước sâu Nghi Sơn

Từ dự án đầu tiên Nhà máy xi măng Nghi Sơn (1997) được xây dựng tại khu công nghiệp Nghi Sơn nhỏ bé, đến nay sau 25 năm, Nghi Sơn đã trở thành Khu kinh tế trọng điểm quốc gia với diện tích 106.000 ha.

Từ một dự án đầu tư vào Nghi Sơn bây giờ khu kinh tế này đã thu hút 300 dự án đầu tư (gần 13 tỉ USD) trong đó có dự án "khổng lồ" Lọc hóa dầu Nghi Sơn (trên 9 tỉ USD) và nhiều dự án tầm cỡ khác như Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, Cảng tổng hợp Nghi Sơn, Tổng kho xăng dầu Anh Phát, Nhà máy xi măng Đại Dương 2...

Chính có nhiều dự án đầu tư vào khu kinh tế đã thúc đẩy nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đánh bắt hải sản làm muối, trồng lúa truyền thống, có thêm nhiều dịch vụ góp phần cải thiện đời sống của người dân...

Một xã có tên Nghi Sơn của huyện Tĩnh Gia sau 25 năm, bằng sức lao động cần cù, sáng tạo và sự đồng thuận của người dân, để có Khu kinh tế trọng điểm của quốc gia mang tên Nghi Sơn. Từ Khu kinh tế Nghi Sơn lại có thêm thị xã Nghi Sơn (năm 2020)...

Từ một huyện nghèo thứ 2 của Thanh Hóa trở thành thị xã mang tên Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia đã làm trọn sứ mệnh của mình của một thời gian khó, để rồi đặt nền móng cho một thị xã công nghiệp non trẻ với diện mạo mới, khát vọng cháy bỏng vì dân, lo cho dân ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Bài cuối: "Tứ Sơn" - 4 Trung tâm động lực phát triển kinh tế ở Thanh Hóa