Thực ra, địa danh Bỉm Sơn (Thanh Hóa) được biết đến nhiều bắt đầu từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước. Ngược dòng lịch sử vùng đất này có tên "Tống Sơn" trùng điệp núi non, đèo dốc, trong đó có đèo "Ba Dội" nổi tiếng mà bà "chúa thơ nôm" - Hồ Xuân Hương một lần "lặn lội" qua đây đã "thốt lên":
"Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt léo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo"
Vùng đất này chủ yếu đồi, núi, đèo dốc trùng điệp. Đẹp đấy, nhưng cheo leo hiểm trở, phần lớn là núi đá vôi nối tiếp nhau chạy từ Tây sang Đông ra tận biển cả. Chính "đặc sản" núi đá vôi mà Bỉm Sơn được chọn để "dựng" một nhà máy vào loại lớn nhất nước vào thời bấy giờ để làm ra xi măng phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước sau chiến tranh.
Ngay từ những năm còn chiến tranh, vào năm 1968, Đoàn địa chất 306 nhận nhiệm vụ đến vùng đá vôi Bỉm Sơn "ăn dầm, nằm dề" nghiên cứu, khảo sát địa chất phục vụ cho nhiệm vụ thiết kế nhà máy.
Chính từ tầm nhìn của Đảng và Nhà nước cùng với sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô, căn cứ trên "đống tài liệu" rất khoa học mà các kỹ sư, công nhân địa chất dày công xác lập, nghiên cứu mà ngày 3.2.1976, đúng dịp kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Đảng, công trình xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn chính thức được khởi công.
Nhà máy xi măng Bỉm Sơn |
Nhà máy xi măng Bỉm Sơn với thiết bị và công nghệ của Liên Xô, công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm với 2 dây chuyền, mỗi dây chuyền công suất 600.000 tấn/năm, sản xuất theo phương pháp ướt. Nếu như bây giờ không có "google" hỗ trợ, rất nhiều người khó hình dung ra phương pháp ướt là gì!
Sau chiến tranh, đất nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi bề, tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, chỉ có đá vôi, đất sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, hàng chục nghìn lao động của Công ty xây dựng số 5 (Bộ Xây dựng), Công ty lắp máy 45 (Tổng công ty lắp máy Việt Nam nay là LILAMA), Công ty cơ giới 15 và các địa phương trong cả nước cùng với hơn 300 chuyên gia Liên Xô ngày đêm lao động quên mình trên công trường.
Một khối lượng công việc khổng lồ với hơn nửa triệu m3 đất, đá được đào đắp, gần 350.000 m3 bê tông đổ vào các hạng mục công trình, 200.000 tấn thiết bị, kết cấu kim loại được vận chuyển an toàn, lắp đặt. Với khối lượng công việc như vậy nếu bây giờ sẽ không là gì. Nhưng, cách đây gần nửa thế kỷ quả là hết sức phi thường.
Sau 5 năm lao động khẩn trương thi công, ngày 22.12.1981, dây chuyền lò nung số 1 đi vào hoạt động, cho ra mẻ clanh-ke đầu tiên. Và, sau đó đúng 1 tuần (ngày 28.12.1981) những bao xi măng PC400 mang nhãn hiệu "con voi" được xuất xưởng trong niềm vui vỡ òa của hàng vạn người lao động trên công trường và nhân dân địa phương.
Rồi sau đó, ngày 6.1.1983 dây chuyền số 2 được hoàn thành. Xi măng nhãn hiệu "con voi" tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, Nhiệt điện Phả Lại, Cung văn hóa hữu nghị Việt- Xô, Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Tổ hợp khu công nghiệp xi măng Long Sơn |
Quá trình xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, bên cạnh hàng vạn lao động Việt Nam là 300 chuyên gia Liên Xô sát cánh bên nhau suốt thời gian hơn 5 năm làm việc. Các bạn Liên Xô đã trở thành những "công dân Thanh Hóa", đã hòa nhập, và có được một phần "vốn" về cách ăn, ở, làm việc, buôn bán, sinh hoạt của người dân bản địa. Và câu chuyện về "bàn là Liên Xô" ra đời.
Số là, những năm 80 thế kỷ 20, những người đi xuất khẩu lao động bắt đầu "đánh hàng" từ các nước XHCN Đông Âu, nhất là hàng Liên Xô, về bán. Những câu chuyện "cười ra nước mắt" được lan truyền.
Tỉ như lao động Việt Nam sang Liên Xô, ngôn ngữ bất đồng, nên vào cửa hàng của bạn mua bàn là phải dùng động tác đưa 2 ngón tay của bàn tay trái cắm vào 2 lỗ mũi (ra hiệu như cái phích cắm điện), dùng bàn tay phải là đi là lại trước mặt, ngay lập tức người bán hàng biết ngay chàng trai "tóc đen" muốn mua bàn là (bàn ủi). Muốn mua con "lật đật" người mua hàng ra hiệu, co người, nhăn mặt, lắc 2 vai...
Đồ dùng của Liên Xô ngày ấy về Việt Nam bán đắt hơn vàng! Có thể thống kê một số loại bán chạy nhất : Nồi áp suất, quạt tai voi, bàn là jauza thường gọi "bàn là hoa dâu", phích đá TMT, chậu nhôm, ấm Samovar, váy cô dâu Madein CCCP, Tủ lạnh Saratov...Đến độ gia đình có con được sang Liên Xô học, bố ở nhà thấy đồ Liên Xô kiếm được tiền bèn làm thơ "mua hàng" gửi cho con:
...Con về qua Mát - Cơ - Va
"Tai voi" con nhớ táng 3 cái vào
Cái phần mẹ, cái phần tao
Cái để ai vào quạt chơi
Bài thơ dài chủ yếu dặn con mua đồ, đến nỗi cuối bài thơ mới nhớ hỏi con:
...À quên tao hỏi chuyện này.
Học năm thứ mấy trường nào?
Biên thư tao biết, ai vào tao khoe!
Khi sang Việt Nam và về Bỉm Sơn làm việc, hơn 300 gia đình chuyên gia Liên Xô được bố trí riêng ở "làng chuyên gia" gần khu nhà 7 tầng (khu nhà 7 tầng đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa) tọa lạc tại xã Hà Lan, huyện Hà Trung, cách nơi xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn chừng 2 km.
Có lẽ, làm việc một thời gian khá dài tại Bỉm Sơn, các gia đình chuyên gia Liên Xô mỗi khi về nghỉ phép rồi quay lại cũng đem theo các thứ vật dụng mà người Việt Nam ưa dùng nhất là bàn là để làm quà hoặc bán lấy tiền tăng thu nhập. Vì thế ở Bỉm Sơn ngày đó đi đâu, chuyện hàng Liên Xô nhất là bàn là cũng râm ran, bàn tán. Những gia đình ở thị xã Thanh Hóa hoặc các huyện, thị trong tỉnh và một số tỉnh, thành phía Bắc, muốn mua bàn là Liên Xô thì đến Bỉm Sơn.
Từ câu chuyện rất thật trong cuộc sống dần dần "chuyển thể" tiếu lâm. Cứ thấy các bạn Liên Xô nhất là phụ nữ, cánh công nhân xi măng và dân bản địa chào hỏi, bắt tay thân ái rồi hỏi mua bàn là...! Và rồi, đi cùng năm tháng cứ nói đến Bỉm Sơn, y như rằng mọi người đọc ngay câu ca "Bỉm Sơn như cái bàn là Liên Xô" .
Mà thật! nếu không có công trường xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn do Liên Xô giúp, thì Bỉm Sơn nhỏ bé đến khi nào mới trở thành thị xã. Và, nếu không có công trình ấy, không có hàng tiêu dùng nhất là bàn là của Liên Xô, thì làm sao địa danh Bỉm Sơn được gắn cho thứ hàng công nghiệp rất đỗi thân thương, tiện ích, bền đẹp gắn với đời sống trong từng gia đình!
Bàn là Jauza Liên Xô, thường gọi bàn là hoa dâu |
Có thể nói, những năm tháng ấy ở Bỉm Sơn cực kỳ sôi động, xe tải xếp hàng dài không chỉ ở Bỉm Sơn mà còn "tá túc" ở thị xã Thanh Hóa, Tam Điệp (Ninh Bình) "rồng rắn" vào Nhà máy lấy xi măng, không khác gì vừa rồi hàng ngàn xe hàng nông sản ùn ứ trên biên giới phía Bắc.
Xi măng Bỉm Sơn phải bán theo "lệnh", ai có được giấy của giám đốc nhà máy bán cho vài tạ xi măng chỉ cần "sang tay" lập tức có tiền xài xả láng. Bỉm Sơn trở thành nơi buôn bán xi măng, trao đổi, mua bán hàng hóa vào loại nhộn nhịp nhất cả nước...
Phối cảnh Tổ hợp nghiên cứu - chế tạo phục vụ ngành sản xuất ô tô và điện tử tại Bỉm Sơn giai đoạn 2021- 2025 |
Cũng giống như "bánh đa"- Sầm Sơn, khu vực Bỉm Sơn lúc đầu cũng chỉ là xóm làng nhỏ bé, nghèo nàn có thể gọi "khỉ ho cò gáy"! Nhưng, từ khi mảnh đất này có Nhà máy xi măng Bỉm Sơn - bông hoa của tình hữu nghị Việt - Xô, thì diện mạo Bỉm Sơn ngày càng thay đổi.
Từ địa danh ít người biết tới trở thành thị trấn, rồi thị xã công nghiệp. Từ một Nhà máy sản xuất xi măng đến nay thị xã Bỉm Sơn có 2 nhà máy xi măng là Bỉm Sơn và Long Sơn với tổng công suất khoảng 17 triệu tấn/năm chiếm khoảng trên dưới 90% lượng sản xuất xi măng của Thanh Hóa và chiếm gần 1/6 của cả nước. Đồng thời nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp ô tô và các ngành nghề khác đã "an cư lạc nghiệp" tại nơi này...
Và, Bỉm Sơn cùng với huyện Thạch Thành được xác định là Trung tâm động lực phát triển kinh tế phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Trong một tương lai gần thị xã Bỉm Sơn chắc chắn sẽ trở thành thành phố công nghiệp.
Bài 3: Lam Sơn như cây củi khô!