10 năm sau khi đặt chân đến Ba Lan, Huawei đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm viễn thông hàng đầu ở quốc gia Đông Âu này. Công ty Trung Quốc cũng đang là một trong những tập đoàn nước ngoài lớn nhất Ba Lan.
Nhưng những tháng gần đây, nhà chức trách Ba Lan dần quan ngại về sự phụ thuộc quá lớn của quốc gia này vào sản phẩm của Huawei, điều mà họ cho là có thể được Bắc Kinh khai thác phục vụ mục đích gián điệp.
Lo ngại do là thành viên NATO
Quan ngại đó được thể hiện sau vụ bắt giữ một công dân Trung Quốc là giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan vào cuối tuần trước. Bên cạnh đó một cựu nhân viên an ninh Ba Lan đang làm việc cho hãng viễn thông Orange cũng bị bắt.
Sau vụ bắt giữ gây chấn động, quan chức an ninh Ba Lan đang tìm cách để cân bằng giữa việc đối phó mối đe dọa an ninh đến từ Huawei mà vẫn đảm bảo cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này. Vụ việc cũng khiến Huawei phải đối mặt với áp lực quốc tế gia tăng, vì lo ngại tập đoàn có thể bị Bắc Kinh sử dụng để do thám ở hàng chục quốc gia họ đang hoạt động.
Quan chức Ba Lan cho biết họ đã bắt đầu kiểm tra các vấn đề an ninh liên quan đến sản phẩm Huawei từ lâu, và đang cân nhắc hạn chế sử dụng sản phẩm của tập đoàn này.
Mỹ thì từ lâu đã gây sức ép với các nước đồng minh để việc loại bỏ Huawei khỏi danh sách nhà cung cấp hạ tầng cho thế hệ mạng di động 5G. Lý do Washington đưa ra là tập đoàn này có thể được Bắc Kinh sử dụng làm công cụ do thám, hoặc đơn giản hơn là làm tê liệt mạng viễn thông nước ngoài.
Huawei bác bỏ tất cả các cáo buộc này, nhà sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi mới đây cũng lần đầu lên tiếng sau 3 năm và khẳng định Huawei không đem lại những rủi ro an ninh cho khách hàng.
Ba Lan gia nhập NATO từ năm 1999 và điều này bắt buộc quốc gia Đông Âu phải chú ý trước những cảnh báo của Mỹ về Huawei. Karol Okonski, quan chức hàng đầu của chính phủ Ba Lan về an ninh mạng, cho biết: "Thông tin và tín hiệu được từ NATO khiến chúng tôi muốn đưa ra một khuyến cáo (về vấn đề này) trong tương lai gần".
Việc Ba Lan hạn chế sự xuất hiện những sản phẩm từ Huawei sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên. Tập đoàn Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong thị trường thiết bị viễn thông nước này, với các sản phẩm đa dạng từ cục phát wifi, tháp phát sóng cho điện thoại di động, đến dịch vụ bảo mật cho 4 nhà mạng lớn nhất.
Ông Okonski cho biết nhà chức trách đang thống kê tình trạng sử dụng thiết bị Huawei trong các cơ quan nhà nước. "Chúng tôi kiểm tra quy mô sử dụng các sản phẩm Huawei trong khu vực hành chính công và đặc biệt là những thiết bị dùng trong cơ sở hạ tầng quan trọng", thứ trưởng phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của Ba Lan chia sẻ.
Ngon, rẻ, nhưng có bổ?
Đối với Huawei, Ba Lan là một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn này. Đây cũng là đầu mối cho các hoạt động kinh doanh của công ty ở khu vực Trung - Đông Âu.
Hơn nữa, chính phủ Ba Lan đang trong quá trình triển khai một số dự án viễn thông lớn, hứa hẹn thị phần béo bở cho Huawei. Hai nhà mạng di động lớn nhất nước này là Orange và T-Mobile đã chọn Huawei làm nhà cung cấp linh kiện cho hạ tầng 5G của họ.
Điện thoại di động Huawei cũng đang chiếm thị phần lớn ở quốc gia Đông Âu. Ngôi sao bóng đá số 1 của Ba Lan, Robert Lewandowski chính là đại sứ thương hiệu cho điện thoại Huawei. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC, điện thoại Huawei đứng thứ 2 về độ phổ biến ở Ba Lan, chỉ sau Samsung.
Đối với rất nhiều nhà mạng trên thế giới, việc loại bỏ sản phẩm Huawei khỏi kế hoạch kinh doanh là bài toán khó với họ. Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến đang dẫn đầu ngành sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu, với thị phần lên tới 28%, cao hơn rất nhiều so với người đứng thứ 2 là Nokia (17%) và 13,4% của Ericsson, theo thống kê của hãng nghiên cứu Dell'Oro Group.
Nhiều nhà mạng nhận định xét về mặt hiệu quả chi phí, sản phẩm của Huawei là số 1 thị trường.
Vụ bắt giữ chắc chắn sẽ khuếch đại những nghi ngờ trước đây của một số quan chức Ba Lan về Huawei, trong thời điểm mà tập đoàn này cần giành lấy các hợp đồng viễn thông.
"Sẽ có thêm rất nhiều những dấu hỏi", ông Krzysztof Szubert, cựu quan chức Bộ Kỹ thuật số Ba Lan, nhận định.
Công dân Trung Quốc bị bắt giữ được xác định là Vương Vệ Tinh, người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh của Huawei tại Ba Lan. Người này là giám đốc quan hệ công chúng của tập đoàn trong 5 năm, thường xuyên góp mặt tại các hội thảo và sự kiện ở quốc gia đông Âu. Nhiệm vụ của ông Vương là bán sản phẩm Huawei cho các tổ chức chính phủ.
"Họ đã dành nhiều thời gian xây dựng danh tiếng tại đây", ông Szubert nhận xét.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu