Tay súng bị tình nghi ám sát ông Trump nói sẵn sàng chiến đấu và chết ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ryan Wesley Routh, nghi phạm 58 tuổi bị bắt hôm 15/9 vì liên quan đến vụ việc mà FBI mô tả là âm mưu ám sát ông Trump, đã bày tỏ mong muốn được chiến đấu và chết ở Ukraine.

Ryan Wesley Routh đã bị bắt vào ngày 15/9 vì liên quan đến vụ việc mà FBI mô tả là vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: NYTimes)
Ryan Wesley Routh đã bị bắt vào ngày 15/9 vì liên quan đến vụ việc mà FBI mô tả là vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: NYTimes)

Các bài đăng của Ryan Wesley Routh trên trang mạng xã hội X đã bộc lộ giọng điệu kích động bạo lực trong những tuần sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022. “Tôi sẵn sàng bay đến Krakow và đến biên giới Ukraine để tình nguyện, chiến đấu và chết”, Routh viết.

Trên ứng dụng nhắn tin Signal, Routh viết rằng “Người dân phải thay đổi cuộc chiến này và ngăn chặn các cuộc chiến trong tương lai” như một phần tiểu sử của ông. Trên WhatsApp, tiểu sử của nghi phạm có đoạn: “Mỗi người trong chúng ta phải thực hiện phần việc của mình hàng ngày bằng những hành động nhỏ nhất để hỗ trợ nhân quyền, tự do và dân chủ”.

Routh, một cựu nhà thầu đến từ Greensboro, North California, đã được tờ The New York Times phỏng vấn vào năm 2023 cho một bài báo về việc người Mỹ tình nguyện hỗ trợ nỗ lực chiến tranh ở Ukraine. Routh, người không có kinh nghiệm quân sự, cho biết ông đã tới Ukraine sau khi xung đột bùng phát và muốn tuyển mộ binh sĩ Afghanistan để chiến đấu ở đó.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The New York Times vào năm 2023, thời điểm Routh đang ở Washington, ông nói với vẻ tự tin không khác gì một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, cho rằng kế hoạch hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine chắc chắn sẽ thành công.

Tuy nhiên, Routh dường như không kiên nhẫn với bất cứ ai dám cản đường mình. Khi một chiến binh nước ngoài người Mỹ tỏ ý coi thường ông trong một tin nhắn trên Facebook – điều mà ông chia sẻ với The New York Times – Routh nói, “anh ta cần phải bị bắn”.

Trong cuộc phỏng vấn, Routh cho biết ông đã đến Washington để gặp Ủy ban An ninh và Hợp tác Hoa Kỳ ở Châu Âu, được gọi là Ủy ban Helsinki “trong hai giờ đồng hồ” để giúp thúc đẩy việc hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine. Được biết, ủy ban này có ảnh hưởng đến các vấn đề dân chủ và an ninh của Mỹ, và từng lên tiếng ủng hộ Ukraine.

Routh cũng cho biết ông đang tìm kiếm tân binh cho Ukraine trong số những người lính Afghanistan đã chạy trốn khỏi Taliban. Ông cho biết ông có kế hoạch vận chuyển chiến binh từ Pakistan và Iran tới Ukraine, trong nhiều trường hợp là trái pháp luật. Ông cho biết hàng chục chiến binh đã bày tỏ sự quan tâm.

“Chúng tôi có thể mua một số hộ chiếu thông qua Pakistan vì đây là một quốc gia tham nhũng”, Routh nói.

Hiện chưa rõ liệu Routh có thực hiện kế hoạch này hay không, nhưng một cựu quân nhân Afghanistan cho biết ông đã được liên hệ và mong muốn chiến đấu nếu được rời khỏi Iran, nơi ông đang sống bất hợp pháp.

Theo tờ Greensboro News & Record, một người đàn ông có cùng tên và tuổi với Routh đã bị bắt vào năm 2002 tại Greensboro, sau khi tự nhốt mình bên trong một tòa nhà cùng với vũ khí hoàn toàn tự động. Tờ báo cho biết người đàn ông này bị buộc tội mang theo vũ khí giấu kín và sở hữu một khẩu súng máy hoàn toàn tự động. Hiện chưa rõ các cáo buộc được giải quyết như thế nào.

Theo Sở Mật vụ Mỹ, hiện vẫn chưa rõ liệu Routh – một người đàn ông gầy gò với mái tóc màu nâu đỏ, mặc trang phục hình quốc kỳ Mỹ trong một trong những bức ảnh đại diện của mình – có bắn bất kỳ phát súng nào trước khi rời hiện trường trong hôm 15/9 hay không.

Trong một loạt bài đăng trên X vào năm 2020, Routh bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cựu Dân biểu Tulsi Gabbard, khi đó là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, cho biết “bà ấy sẽ đàm phán không mệt mỏi các thỏa thuận hòa bình ở Syria, Afghanistan và tất cả các khu vực bất ổn”.

Có thời điểm, Routh chuyển đến Hawaii và dường như đã mở một doanh nghiệp nhỏ. Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 5/2020, ông đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Hawaii nghỉ mát và đề nghị làm “đại sứ và liên lạc viên” để giải quyết tranh chấp giữa hai nước.

Khi bị các đặc vụ bắt giữ sau vụ việc được cho là ám sát ông Donald Trump, Routh tỏ ra bình tĩnh, không hỏi tại sao bản thân bị giam giữ và “không có vũ khí khi chúng tôi đưa anh ta ra khỏi xe”, Cảnh sát trưởng William D. Snyder của Hạt Martin nói với đài địa phương WPTV.

Theo New York Times