Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – cơ quan quản lý giám sát, đã thúc đẩy cải cách tại Ant Group và đã kết nối không chính thức với Ant trong vài tháng qua về chuyện phạt tiền. Một nguồn tin cho biết, chính phủ có kế hoạch tổ chức thêm các cuộc thảo luận với các cơ quan quản lý khác về việc cải cách của Ant Group vào cuối năm nay và công bố các khoản phạt sớm nhất là vào quý 2 năm sau.
Các nguồn tin cũng cho biết các khoản tiền phạt đối với Ant có thể tập trung vào việc “vi phạm quy định mở rộng huy động vốn gây rối loạn" và hoạt động kinh doanh tự do gây ra rủi ro tài chính. Khoản tiền phạt có thể vượt quá 1 tỉ USD. Đây sẽ là khoản tiền phạt lớn nhất của Trung Quốc đối với một công ty internet sau khi công ty dịch vụ gọi xe Didi Chuxing bị phạt 1,2 tỉ USD vào tháng 7 năm nay.
Vào tháng 4 năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group, một công ty liên kết với Ant Group, cũng đã bị phạt mức kỷ lục 18,228 tỉ Nhân dân tệ (tức 2,78 tỉ USD) vì bị cáo buộc vi phạm Luật chống độc quyền.
Sau khi Ant Group bị phạt, công ty dự kiến sẽ có được giấy phép công ty tài chính được chờ đợi từ lâu, qua đó một lần nữa tìm kiếm sự tăng trưởng và cuối cùng có thể tiếp tục kế hoạch niêm yết cổ phiếu.
Hãng taxi công nghệ Didi Chuxing cũng đã bị phạt 1,2 tỉ USD (Ảnh: FT). |
Các nguồn tin cho biết, chi nhánh Ngân hàng Trung ương ở Hàng Châu, nơi Ant Group đặt trụ sở, đã nhận được đơn đề nghị thành lập công ty tài chính của Ant Group vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, 4 nguồn tin cho biết khó có khả năng hình phạt đối với Ant sẽ được hoàn tất cho đến khi Trung Quốc bổ nhiệm lại các quan chức chính phủ cấp cao như Thủ tướng vào tháng 3 năm tới. Ông Dịch Cương, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, có thể chính thức nghỉ hưu khi tròn 65 tuổi vào năm tới. Ant Group, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Vào tháng 11/2020, ngay sau khi tỉ phú Jack Ma (Mã Vân) người sáng lập Ant Group công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc đã kìm hãm sự đổi mới, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thanh trừng "Đế chế Jack Ma" bao gồm tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba và bất ngờ buộc dừng kế hoạch niêm yết kép trị giá 37 tỉ USD tại Trung Quốc và Hồng Kông vào cùng tháng của Ant Group, công ty vốn sẽ trở thành IPO lớn nhất thế giới, đồng thời thúc giục chỉnh đốn cải tổ tập đoàn.
Theo kế hoạch của chính phủ, việc “đại tu” Ant Group bao gồm việc hợp nhất hai mảng kinh doanh cho vay vi mô sinh lợi của tập đoàn Ant Group được cải tạo chuyển đổi thành một công ty cổ phần tài chính, chấp nhận các quy định và yêu cầu về vốn tương tự như ngân hàng, đồng thời chia sẻ cơ sở dữ liệu của hơn 1 tỉ khách hàng với các doanh nghiệp nhà nước.
Các hình phạt dành cho các công ty công nghệ như Alibaba và Didi Chuxing là một phần trong chiến dịch truy quét sâu rộng của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty công nghệ khổng lồ của nước này, dẫn đến việc cắt giảm hàng trăm tỉ USD giá trị, giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận của chúng. Nhưng trong mấy tháng gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã giảm nhẹ mức độ tấn công đối với lĩnh vực công nghệ trong nỗ lực củng cố lại nền kinh tế đang bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19 và chính sách Zero Covid. Jack Ma, một trong những doanh nhân thành công và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc, đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong nhiều tháng và xuất hiện trở lại ở Tây Ban Nha, Hà Lan vào mùa hè vừa qua.
Tỉ phú Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập Ant Group (Ảnh: FT). |
Sau khi thông tin về Ant Group có thể bị phạt lan truyền, giá cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ đã lập tức giảm 1,2% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Ba (22/11).
Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố có quyền kiểm soát lớn hơn đối với việc quản lý các doanh nghiệp tư nhân, và bản thân ông Tập Cận Bình cũng đã đề cập đến “sự cần thiết phải ngăn chặn sự mở rộng vô trật tự và sự tăng trưởng không kiểm soát của tư bản”. Ông Tập cũng muốn phân phối lại của cải xã hội theo mục tiêu "cùng giàu có". Kết quả là các công ty như Alibaba, Tencent và Didi đã liên tục bị thanh tra và phạt tiền, khiến giá cổ phiếu của họ giảm mạnh. Chiến dịch tấn công cũng đã mở rộng sang các ngành như game, giải trí và giáo dục.
Trong hai năm qua, giá trị thị trường của các Công ty Alibaba và Tencent đã mất đứt hơn 1 nghìn tỉ USD. Sau tình hình ảm đạm của thu nhập hàng quý, những gã khổng lồ công nghệ bị vùi dập này cho biết họ sẽ chấp nhận một tình hình bình thường mới là tăng trưởng chậm hơn và tìm cách giảm chi phí hoạt động, bắt đầu việc sa thải nhân viên hàng loạt.