TS Nguyễn Khắc Thái
TS Nguyễn Khắc Thái

Nguyên giảng viên Đại học Huế

Suy nghĩ về môn Sử ở bậc phổ thông: quyền lựa chọn hay bắt buộc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
“Sử là môn bắt buộc trong giai đoạn THPT” với điều kiện giảm tải tối đa để không ảnh hưởng sức tiếp thu và thời lượng tiếp thu các môn bắt buộc và tự chọn khác.

LTS: Tiếp tục chuyên đề dạy và học môn Sử ở cấp THPT, VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên Đại học Huế về tầm quan trọng của môn Sử, về những kiến thức sử học cần trang bị cho học sinh phổ thông, và việc phân kỳ dạy và học môn này ở các cấp học. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Từ góc nhìn của một người trong giới sử học, có nhiều năm giảng dạy lịch sử ở các trường đại học, tôi có một số suy nghĩ sau đây:

1. Cần một sự nhất quán trong cách hiểu khái niệm “kiến thức phổ thông” cho môn Lịch sử

Tôi cho rằng giáo dục phổ thông hướng tới 2 mục đích, là trang bị kiến thức văn hóa cơ bản và hoàn thiện nhận thức - nhân cách trước tuổi công dân. Nhiệm vụ đó trước đây được kết thúc ở lớp 12/12.

Bộ GD&ĐT đã có những nỗ lực nhất định trên tinh thần tôn trọng tất cả các môn học, nhưng cân nhắc mức độ cần thiết để xây dựng hệ thống chương trình mới nhằm đảm bảo cho tất cả các môn học ở giai đoạn THPT đáp ứng 2 mục đích và cũng là 2 yêu cầu nói trên.

Tuy nhiên, do xu hướng đào tạo hướng nghiệp mở đầu từ Trung học phổ thông nên đã có ý kiến chính thức từ Hội đồng biên soạn sách giáo khoa cũng như cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT cho rằng, riêng với môn lịch sử (và một số môn được phép “tự chọn” trong giai đoạn PTTH), đã hoàn thành việc giáo dục kiến thức cơ bản, đạt chuẩn phổ thông ngay ở chương trình phổ thông cơ sở (9/12) mà không cần bắt buộc cho đối tượng là học sinh THPT phải học tiếp những môn này nữa nếu học sinh không muốn. Như vậy có thể khẳng định, với Chương trình 2018, một số môn học quy định cho giáo dục phổ thông hệ 12 năm đã được Bộ GD&ĐT cho kết thúc ở THCS.

Điều đó chưa thật hợp lý với tính đặc thù của môn Lịch sử, một môn học vừa chứa đựng kiến thức đa ngành, liên ngành, vừa chứa đựng ý thức hệ. Những biến cố và xung đột lịch sử, tính chất và thuộc tính của các hình thái kinh tế - xã hội, sự hình thành, phát triển của các nền văn minh, nguyên nhân và những bài học rút ra từ lịch sử là những vấn đề rất khó tiếp nhận ở lứa tuổi học sinh cấp THCS vì độ tuổi của học sinh cấp này chưa phát triển đầy đủ các tố chất để đủ khả năng tiếp thu những vấn đề có nội hàm khoa học sâu và rộng, liên quan đến cả chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… không chỉ của Việt Nam mà trên bình diện thế giới.

Như vậy, Hội đồng tư vấn đã cố gắng phân đoạn đào tạo về lý thuyết chứ chưa căn cứ vào khả năng tiếp thu theo lứa tuổi học đường đối với môn sử. Nếu đưa một lượng kiến thức vừa đủ cho lứa tuổi THCS để có thể tiếp thu được thì kiến thức đó lại chưa thể đạt chuẩn phổ thông. Nếu gia tăng lượng kiến thức môn lịch sử đủ chuẩn phổ thông để dạy cho THCS (tức là đưa lượng kiến thức lẽ ra phải dạy ở lứa tuổi THPT đem dạy cho THCS) thì học sinh THCS không đủ khả năng tiếp thu. Khi không tiếp thu được thì kiến thức không ở lại trong đầu học sinh, nhiệm vụ trang bị kiến thức cơ bản về lịch sử cũng không hoàn thành.

Một số chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sử học lại cho rằng có đến 38% học sinh THCS không học tiếp THPT, đồng nghĩa với việc số đối tượng này sau khi kết thúc môn học lịch sử ở cấp THCS sẽ không học tiếp lịch sử nữa mà mang vốn kiến thức lịch sử đã kết thúc ở THCS tham gia vào các giai đoạn đào tạo nghề… thì tại sao lại bắt buộc 62% học sinh còn lại học lên THCS phải học tiếp môn lịch sử?

Tôi cho rằng đây là cách nhìn phiến diện bởi bộ phận học sinh đã phân luồng, không tiếp tục theo học THPT chính quy nữa, họ vẫn được tiếp tục đào tạo ở một kênh giáo dục đào tạo khác, nội dung đào tạo của các kênh này lệ thuộc vào những mục đích khác nhau và sẽ có những chương trình riêng, không loại trừ những chương trình đó vẫn có môn lịch sử. Tuy nhiên, đối tượng mà công luận đang cần làm rõ là môn sử ở THPT, tuy số học sinh ở hệ này chỉ còn lại 62% so với số lượng học sinh THCS. Tôi cho rằng bất luận số lượng học sinh THPT nhiều hay ít, nhưng đã là đào tạo phổ thông thì nội dung đào tạo phải đạt chuẩn phổ thông. Mà, đối với môn lịch sử, chuẩn phổ thông không thể kết thúc ở THCS do lứa tuổi đó không đủ khả năng tiếp thu nội dung môn này như đã nói ở trên.

Lý do thứ ba khiến tôi muốn môn lịch sử phải theo học sinh phổ thông cho đến cuối THPT (12/12) là bởi khi học sinh tốt nghiệp cấp này họ đã được xếp vào bậc thang thứ 5 trong khung kiến thức quốc gia 8 bậc theo Quyết định 1982/ QĐ-TTg. Bậc này kết thúc giai đoạn kiến thức phổ thông, đòi hỏi đối tượng phải hoàn thiện cả hai yếu tố kiến thức văn hóa cơ bản và nhận thức xã hội để bước vào bậc 6 (cử nhân - kỹ sư) vốn là bậc có vai trò khá cao không chỉ trong chuyên môn mà cả trong nhận thức xã hội. Sử học cung cấp các kiến thức để giúp đối tượng tốt nghiệp THPT đáp ứng các yêu cầu này nên đối tượng này phải học sử học để đảm bảo tính cơ bản và đạt trình độ nhận thức xã hội để bước vào bậc 6 khung trí tuệ quốc gia.

2. Chưa nhất quán nhận thức “Học sử để làm gì?”

Rất tiếc là nhận thức “học sử để làm gì?” đang có sự phân tán ngay cả trong tầng lớp làm công tác quản lý và những chuyên gia sử học, những người tham gia biên soạn chương trình.

Ở góc nhìn chuyên môn, nhiều chuyên gia trong và ngoài lĩnh vực sử học, trong đó có cả người tham gia biên soạn sách giáo khoa lịch sử đều coi “dạy/học sử để giáo dục lòng yêu nước” làm mục tiêu chính cho giáo dục lịch sử ở cấp phổ thông. Chính điều này làm sai lệch nhận thức về môn học lịch sử là môn học vốn để trang bị cho học sinh những kiến thức về loài người trên rất nhiều phương diện.

Nếu khoa học tự nhiên trang bị nhận thức về sự vật và các hiện tượng tự nhiên thì sử học trang bị nhận thức về sự vật và hiện tượng xã hội, sự vận động của các hiện tượng đó qua các thời kỳ lịch sử. Kiến thức sử học góp phần cùng các khoa học khác hoàn thiện con người cả trên phương diện kiến thức và nhận thức. Lòng yêu nước là một trong rất nhiều hệ quả mang lại qua sử học từ nhiều giá trị khác nhau chứ không phải “học sử mới yêu nước”, “học sử để yêu nước” như một số chuyên gia đầu ngành sử học nhấn mạnh như một mục đích duy nhất của dạy sử và học sử. Yêu nước là một phẩm chất nằm lòng rồi, học sử hay không học sử vẫn cứ là yêu nước. Nhưng quan trọng là ở chỗ yêu nước mà hiểu biết lịch sử (đọc, nghe và học) thì tránh được tình yêu mù quáng và có thêm năng lượng tinh thần để thể hiện lòng yêu nước trong đời sống. Tuy nhiên, yêu nước chỉ là một trong số rất nhiều hệ quả mang lại từ sử học, mà lớn nhất vẫn là nhận biết thế giới chung quanh ta đang vận động như thế nào.

Chính sự máy móc, coi môn lịch sử chỉ một mục đích duy nhất là giáo dục lòng yêu nước đã biến môn lịch sử thành môn nhồi sọ. Nội dung lịch sử thiếu khách quan và không hấp dẫn, quan trọng hơn nữa là làm mất các giá trị hấp dẫn khác của môn lịch sử.

Chưa nói, ngoài nhận thức sai lệch về sự cần thiết của môn lịch sử và học lịch sử, đã có vị làm quản lý phổ thông đã công khai bày tỏ “quan điểm” trên công luận rằng: học sinh đang chán học môn sử, nếu không “bắt buộc” thì sẽ rất ít học sinh học sử, gây khó khăn cho nhà trường và giáo viên… Kiểu tư duy “cưỡng bức” đó thật tai hại trong giáo dục hiện nay khiến cho ý nghĩa của môn học “bắt buộc” không xuất phát từ triết lý, mục tiêu giáo dục nữa.

Xin được nói thêm, giáo dục thời Pháp cho ra đời những tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu nhưng trước khi trở thành nhà khoa học chuyên sâu thì họ đã được giáo dục hoàn chỉnh những kiến thức cơ bản, đúng nghĩa “uyên bác”, Đông, Tây, Kim, Cổ gì họ biết cả, trong đó môn Lịch sử là môn xuyên suốt.

Vậy, phải hiểu bắt buộc học lịch sử là để đạt tới mục đích giáo dục toàn diện chứ không chỉ riêng giáo dục lòng yêu nước.

3. Giảm tải không có nghĩa là bớt môn học

Giảm tải là một khái niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa khối lượng vừa chất lượng, vừa thời gian vừa dung lượng.

Nguyên lý của sự giảm tải phải đảm bảo không làm cho học sinh bị “khuyết tật tri thức”, nghĩa là không thể cắt bớt bất cứ môn học nào cấu thành tri thức phổ thông.

Tôi cho rằng giảm tải bằng cách bớt đi một số môn học (tự chọn cũng là một cách bớt môn học cho từng đối tượng) là bỏ mất một phần kiến thức làm nên tính toàn diện và tính cơ bản của giáo dục phổ thông và là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng thiếu kiến thức phổ thông. Đó là một hướng giảm tải sai lầm.

Xã hội đang đặt ra câu hỏi: “Có cần học nhiều như thế không?” khi mà các thế hệ cha ông không có thời lượng học nhiều như hiện nay vẫn thành tài, khi mà học sinh phổ thông ở các nước có nền giáo dục tiên tiến biết cân đối thời lượng học với thời lượng rèn luyện kỹ năng sống. Thời lượng học nhiều đã lấy mất thời gian sáng tạo của học sinh, trong khi đó lại là một trong những yếu tố làm nên thành công trong sáng tạo của thế hệ cha ông và học sinh các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, không cần học nhiều không có nghĩa là bỏ bớt môn học vì như vậy sẽ đào tạo ra con người phiến diện, nó không khác gì một xã hội không may khi người này khiếm thị, người kia khiếm thính, người nọ dị tật hệ vận động... Mà học tất tần tật thì thời gian đâu, sức lực đâu và quan trọng là bộ não mới trưởng thành chứa sao cho hết, nên phải giảm tải.

Nhưng hướng giảm tải đúng không phải là đưa kiến thức cấp học này sang cấp kia, không đưa kiến thức cấp học trên ép vào cấp học dưới, không đưa kiến thức ngoài phổ thông vào dạy trong chương trình phổ thông, không đem cái công đoạn nghiên cứu của nhà khoa học nhét vào học sinh, không nhét kiến thức đại học vào cao đẳng, cao đẳng vào THPT, không nhét kiến thức THPT cho tiểu học. Đó là giảm tải nội dung chứ không phải như đề án của Bộ GD ĐT là giảm môn học.

4. Làm gì để có một chương trình hợp lý đối với môn lịch sử trong giáo dục phổ thông?

Tôi đồng thuận với Hội đồng tư vấn trong việc phân đoạn nội dung môn lịch sử cho 2 cấp THCS và THPT, theo đó, THCS trang bị kiến thức phổ quát nhất về dòng chảy lịch sử theo trình tự lịch đại, THPT trang bị những kiến thức chuyên sâu.

Tuy nhiên, cụ thể hóa tính phổ quát và tính chuyên sâu trong những bài giảng lại là một thử thách lớn đối với Hội đồng biên soạn chương trình và giáo viên truyền thụ.

Tôi xin không trao đổi nội dung môn sử ở cấp THCS để tập trung vào nội dung môn sử ở cấp THPT liên quan đến “tự chọn” hay “bắt buộc”.

Ở trên, quan điểm của tôi hướng tới “môn sử phải là môn bắt buộc”, nhưng “bắt buộc” vẫn chưa, thậm chí không quan trọng bằng học gì trong giai đoạn THPT.

Quan điểm xuyên suốt của tôi là “môn sử là môn bắt buộc trong giai đoạn THPT” với điều kiện giảm tải tối đa để không ảnh hưởng sức tiếp thu và thời lượng tiếp thu các môn bắt buộc và tự chọn khác.

Vậy, dạy những kiến thức lịch sử gì cho hệ THPT?

Đây là bài toán khó cho các nhà soạn sách. Bởi, đơn tuyến lịch sử chiến tranh đã chiếm lĩnh bộ não của các nhà sử học rồi. Một sự cách tân tư duy sử học trong thời điểm hiện nay có thể coi là thử thách sống còn.

Lịch sử vốn hình thành từ ba hệ tuyến song song và đan xen. Đó là lịch sử hình thành cộng đồng, lịch sử hình thành nhà nước, sự vận động và phát triển các hình thái kinh tế - xã hội. Chiến tranh để xác lập quyền lực là một kiểu hình thái vận động chứa đựng bên trong cả 3 hệ tuyến lịch sử đó. Thế nhưng, tiếc thay, lịch sử đương đại cứ lấy các cuộc xung đột chính trị và chiến tranh làm trung tâm của lịch sử nên cái nhìn lịch sử không chỉ nghèo đi mà còn bị sai lệch. Vậy liệu có đủ sự can đảm và tầm tri thức để quay về với thuộc tính lịch sử với 3 hệ tuyến ấy để truyền đạt cho con trẻ hay không?

Dạy sử mà tham vọng nạp hết mọi dữ kiện về cả 3 hệ tuyến ấy vào đầu con trẻ là thất bại. Dạy sử là khai thác những điều thú vị từ các sự kiện và biến cố của các dấu mốc đi qua 3 hệ tuyến ấy mà thôi. Có thế mới tạo nên cảm hứng cho người nghe. Phần còn lại, từ thai nghén cho đến sinh đẻ các quá trình lịch sử là giai đoạn tự tiếp nhận thông qua các tài liệu, sách tham khảo tuỳ hứng của người học sử. Không cứ nhất nhất phải mang vào trong bài truyền thụ kiến thức bằng những số liệu không phải là thuộc tính. Như vậy, bài giảng sẽ đem dòng chảy lịch sử gối đầu qua các sự kiện đầy hứng thú mà không buộc học sinh phải nạp vào não những chi tiết vô cảm, con số vô hồn.

Vậy để cách tân một nền sử học, khả dĩ làm cho môn sử thành môn tự thân được yêu thích không cần tranh cãi thì công việc đầu tiên cần làm là thiết kế ngay một bộ lọc để gạn hết những thứ nặng tai người nghe.

Cái gì đã làm nặng tai người nghe? Chính là áp đặt tư duy người lớn vào đầu con trẻ.

Trẻ em bắt đầu cuộc sống bằng duy cảm, người lớn thì duy lý. Nhưng tất tần tật các bài giảng lịch sử đều duy lý. Vậy thì hãy gạt bỏ huyền sử ra khỏi lịch sử. Lịch sử truyền dạy cho trẻ em bắt buộc phải bắt đầu từ lịch sử thành văn.

5. Dạy những nội dung lịch sử gì cho học sinh?

Khuôn khổ một ý kiến nhỏ không thể nói hết những gì cần dạy cho học sinh. Tuy nhiên, qua khảo sát hai bộ sách dành cho cấp THPT đã được phát hành tôi thấy…có nhiều nội dung chưa ổn, thậm chí không chấp nhận được.

Chỉ riêng 2 bộ dành cho lớp 10 đã chứa đựng nhiều vấn đề đủ để dạy cho cả 3 lớp 10, 11, 12.

Những vấn đề chuyên sâu thuộc chương trình đại học như “Lịch sử và sử học”, “Vai trò của sử học”, "Các lĩnh vực sử học" v.v. không thuộc nhóm những kiến thức cần trang bị bởi học sinh là đối tượng tiếp nhận chứ không phải đối tượng nghiên cứu.

Nhiều khái niệm và thuộc tính đang được tranh luận như “các nền văn minh Việt Nam” chưa thể đưa dạy ở lớp đầu THPT.

Một số chuyên đề văn hóa học đưa nhầm vào sử học như “bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…”

Tóm lại, chương trình môn lịch sử đã ban hành, nếu “bắt buộc” thì phải lược bớt rất nhiều.

6. Phải làm gì nếu sử học thành môn bắt buộc?

- Trước hết là cần một hội đồng có chuyên môn tin cậy để làm 2 việc:

+ Chuẩn hóa các nội dung lịch sử trong chương trình (không loại trừ khả năng phải biên soạn lại toàn bộ nội dung các chuyên đề được đưa vào dạy cho THPT bởi phần lớn các chuyên đề đó là kiến thức cấp đại học.)

+ Giảm tải nội dung tối đa để thời lượng và dung lượng môn sử không làm tăng thời lượng và dung lượng chung của tất cả các môn học. Nếu môn sử được coi là môn bắt buộc thì không vì môn sử là môn bắt buộc mà nhồi nhét kiến thức không đúng với tầm nhận thức phổ thông cho học sinh THPT.

- Sách giáo khoa là người thầy thứ hai của học sinh. Vì thế phải đảm bảo cho sách giáo khoa là nguồn tri thức chính quyết định kiến thức lịch sử cho học sinh.

Vì thế:

+ Không cần thiết phải soạn thêm nhiều sách tham khảo bổ sung cho sách giáo khoa lịch sử. Chỉ cần học sinh nhận thức và tiếp thu đầy đủ những nội dung trong sách, đủ sự hấp dẫn để lưu giữ thành vốn kiến thức của cá nhân là đạt yêu cầu môn học.

+ Không thương mại hóa sách giáo khoa để tạo sự tín nhiệm. Một bộ sách giáo khoa phải được sử dụng nhiều thế hệ thì sự truyền cảm và vốn kiến thức mới mạnh mẽ và cơ bản.