Thái Hạo
Thái Hạo

Nhà giáo

Môn Lịch sử, môn lựa chọn, môn tự chọn: vì sao rộ lên 'tranh cãi'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Môn học lựa chọn là gì, môn học tự chọn là gì, môn lịch sử được quy định thuộc nhóm nào? Chương trình GDPT 2018 phân loại môn học đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh về định danh để giúp thống nhất cách hiểu hay không?

Câu chuyện về môn Lịch sử trong Chương trình Phổ thông mới 2018 vẫn chưa yên với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nó, mà trung tâm là vị trí của môn học này thể hiện qua hai cách gọi tên là lựa chọn/tự chọn.

Việc xếp môn Lịch sử vào nhóm không bắt buộc ở cấp THPT chính là lý do chủ yếu đã gây ra cuộc tranh cãi kéo dài này. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc thể hiện sự quan tâm, sự lo lắng và trách nhiệm đối với một môn học có ý nghĩa quan trọng như Lịch sử, thì cũng còn có cả sự không đồng tình lẫn những hiểu lầm, hiểu sai. Đây cũng là một phần lý do làm cho sự tranh cãi mỗi lúc một mạnh hơn.

Trước hết, xin nhắc lại một số điểm cơ bản trong CT2018.

Thứ nhất, về nội dung, chương trình được chia làm 3 nhóm môn: Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia; Môn học lựa chọn: Là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp; Môn học tự chọn: Là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng (1*; trang 37). Môn lịch sử thuộc vào nhóm môn lựa chọn (1*; trang 12).

Thứ hai, “Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12)” (1*; trang 7). Như vậy, môn Lịch sử ở cấp THPT nằm trong giai đoạn thứ 2, tức giai đoạn “định hướng nghề nghiệp”. Và mục tiêu của nó là “nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động” (1*; trang 36).

Cụ thể ở giai đoạn này: “Môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,[…] nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan” [1*; trang 19].

Tóm lại, ở cấp THPT như CT2018 đã nêu rõ, môn Lịch sử là môn lựa chọn, và thuộc giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Hiểu nhầm về "môn lựa chọn" và "môn tự chọn"

Môn Sử, tuy rõ ràng là thế, nhưng không ít tờ báo và các cơ quan trong bộ máy nhà nước lẫn người dân vẫn có sự nhập nhằng, hoặc nhầm lẫn lựa chọn thành tự chọn. Ví dụ, ngày 19/4, báo Chính phủ có bài “Vì sao Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình THPT?" Và chạy dòng sapo “Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lý giải vì sao ngành GD&ĐT lựa chọn Lịch sử là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT”. Từ đây đã gây hiểu lầm một lần nữa, dẫn tới những tranh luận không đáng có.

Mới đây, ngày 28/4/2022, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có công văn số 13/HSH gửi đến những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhằm “phản ánh” những “ý kiến chung” của Hội về môn Lịch sử trong CT2018 với mục đích “Kính mong các đồng chí xem xét và chỉ đạo để kịp thời khắc phục, tránh gây ra hậu quả về sau”.

Ở công văn “phản ánh” này, có 3 lần nhắc lại chi tiết môn Lịch sử là môn “tự chọn”, trong đó lần đầu có mở ngoặc rằng “môn Lịch sử được xếp là môn học lựa chọn (thực chất là môn tự chọn)”. Như vậy, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam chắc là không có sự nhầm lẫn giữa hai tên gọi này, mà chủ ý đánh đồng hai cái tên.

Ngày 29/4/2022, trong giấy mời của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội gửi “Đại diện Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông 2018 (môn Lịch sử)” mời tham gia tọa đàm cũng lại gọi môn Lịch sử là môn “tự chọn”! Chúng tôi không rõ đây là nhầm lẫn hay cũng là một sự chủ ý gọi tên từ lựa chọn thành “tự chọn”?

Sáng ngày 11/5/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh lại "cho hay": "Sơ bộ ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi thấy rằng về tính cần thiết thì môn học Lịch sử này nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc" (báo Thanh niên)."

"Lựa chọn bắt buộc" là thế nào thì chưa thấy ông giải thích, nhưng ít nhất trên mặt câu chữ thì nó rất khó chấp nhận, nó chứa đựng một mâu thuẫn rất gay gắt: đã "lựa chọn" lại còn "bắt buộc"!

Đến đây, xin được nêu ra mấy điểm. CT2018 đã trình bày, xác lập và phân biệt rõ ràng môn Lịch sử là môn học thuộc nhóm lựa chọn, nhưng đến bây giờ vẫn có những cách gọi tên không thống nhất ở những nơi này nơi khác, lý do là gì? Nếu là do nhầm lẫn vì không nắm rõ chương trình giáo dục phổ thông mới thì rất khó chấp nhận, và tất nhiên cần đọc lại; còn nếu vì cho rằng về bản chất thì lựa chọn tự chọn trong trường hợp này là giống nhau, thì cần nêu lý lẽ và đối thoại với Bộ GD&ĐT; hoặc là Bộ GD&ĐT cần giải thích rõ ràng hơn cho các cơ quan cũng như nhân dân hiểu và hiểu đúng; hoặc mở một cuộc trao đổi để đi đến thống nhất.

Một vài đề xuất

Nhận thấy sự lẫn lộn/không thống nhất kéo dài này, đặc biệt là ở ngay cả những cơ quan quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục đang được tiến hành, là rất bất lợi, chúng tôi thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần lên tiếng một lần nữa để làm sáng tỏ hoặc tái khẳng định nội dung mà CT2018 đã nêu để tránh những tranh cãi không cần thiết.

Tóm lại, dù là do chưa hiểu đúng hay do không đồng tình thì ảnh hưởng tiêu cực cũng tai hại như nhau.

Thêm nữa, chính cách định danh lựa chọntự chọn với ngữ nghĩa từ điển khó phân định của hai từ này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới rắc rối này, đó là chưa kể đến cách gọi "môn lựa chọn bắt buộc" khá kỳ dị mà Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Nguyễn Đắc Vinh đã dùng. Trong tình hình này, chúng tôi xin đề xuất một cách định danh khác để tránh nhầm lẫn và hiểu sai:

Ví dụ, nhóm môn lựa chọn thì vẫn giữ nguyên tên gọi, còn tự chọn thì có thể đổi thành tùy chọn với định nghĩa vắn tắt rằng 'lựa chọn là trong 9 môn phải chọn lấy 5'; còn 'tùy chọn là có thể chọn hoặc không chọn bất kỳ môn nào'. Còn nếu trong trường hợp có sự thay đổi lớn nào đó như đưa môn Lịch sử vào nhóm môn bắt buộc thì không nói làm gì nữa!

Riêng đối với quan điểm của CT2018 đã ban hành và chưa có sự sửa đổi nào khi xếp môn Lịch sử cấp THPT vào nhóm lựa chọn và thuộc giai đoạn định hướng nghề nghiệp, bản thân chúng tôi cho rằng phù hợp và tiến bộ.

Giáo dục phổ thông đến cấp THPT cần chuẩn bị cho học sinh bước vào giai đoạn theo đuổi một chuyên ngành hay nghề nghiệp nhất định ở bậc học tiếp theo, đó là bước đệm quan trọng. Hướng nghiệp bằng cách thu hẹp số lượng môn học là xu hướng, quan điểm và cách tổ chức phổ biến trên thế giới hiện nay lẫn trong nền giáo dục quá khứ ở Việt Nam, như giáo dục của VNCH hay giáo dục thời Pháp thuộc.

Môn học nào cũng quan trọng chứ không riêng gì môn Lịch sử, nhưng quan trọng không có nghĩa là cào bằng và bình quân chủ nghĩa, không có nghĩa ai cũng phải chọn học giống ai. Không gì giá trị cho xã hội và đất nước bằng việc mỗi cá nhân được có điều kiện theo đuổi đam mê nghề nghiệp của bản thân để có thể phát huy cao nhất tiềm năng của họ. Ở đâu mà mọi cá nhân đều hạnh phúc với lựa chọn của mình và đóng góp được nhiều nhất từ sự lựa chọn ấy, thì xã hội và đất nước đó mới có thể giàu mạnh, văn minh.

Đó cũng chính là cách tránh lối dạy và học miễn cưỡng, tránh thói giáo điều đạo đức; là cách phát huy nội lực để bảo vệ đất nước một cách bền vững nhất, trong đó có bảo vệ lịch sử và môn Lịch sử.

_____________________

1*: Bộ GD&ĐT, Chương trình tổng thể 2018