Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, ngày thứ Ba (8/9) quân đội Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ các cáo buộc của phía Trung Quốc, nói rằng PLA mới là bên đã nổ súng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Ấn Độ nổ súng ở biên giới kể từ năm 1975. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần có một cuộc đối thoại "rất, rất sâu sắc" về tình hình biên giới hiện nay ở cấp độ chính trị.
Trong một tuyên bố quân đội Ấn Độ nói rằng các binh sĩ PLA đã cố gắng tiếp cận trận địa tiền tiêu của quân đội Ấn Độ ở khu vực Ladakh ở phía tây dãy Himalaya và bắn chỉ thiên để đe dọa. Ngược lại, trong suốt quá trình xảy ra vụ việc, các binh sĩ Ấn Độ không vượt qua ranh giới Tuyến kiểm soát thực tế cũng không hề nổ súng. Quân đội Ấn Độ phê phán, nói Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang đàm phán ở cấp quân sự và ngoại giao, nhưng các binh sĩ PLA đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận và có những hành động mang tính xâm lược.
Tình thế đối đầu hiện nay ở phía Nam Hồ Pangong Tso. Hai bên đã triển khai xe tăng nằm trong tầm pháo của nhau (Ảnh: The Times of India).
|
Theo Trang tin Đa Chiều ngày 8/9, Hãng thông tấn châu Á của Ấn Độ (ANI) cùng ngày dẫn một số nguồn tin tiết lộ, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ súng tại Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh.
Hãng thông tấn Ấn Độ độc lập IANS đã viết trên Twitter: “Trung Quốc ngày 8/9 cáo buộc quân đội Ấn Độ đã nổ súng uy hiếp tại Tuyến kiểm soát thực tế ở Ladakh; để trả đũa, PLA cũng đã ‘thực hiện các biện pháp đối phó để ổn định tình hình tại thực địa’ ”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ra tuyên bố kiên quyết phủ nhận vụ nổ súng; ngược lại, lên án Trung Quốc đã nổ súng khiêu khích. Trong tuyên bố ngắn gọn gồm 4 đoạn có tựa đề “Cập nhật tình hình hiện tại: Tình hình ở Đông Ladakh”, phía Ấn Độ chỉ ra: “Quân đội Ấn Độ trên LAC, ở bất kỳ giai đoạn nào cũng không có việc vượt biên hoặc sử dụng bất kỳ thủ đoạn gây hấn nào, trong đó có bắn súng”.
Tuyên bố cáo buộc: “Chính PLA đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận và sử dụng thủ đoạn xâm lược, mặc dù các tương tác qua các kênh quân đội, ngoại giao và các cấp chính trị vẫn đang tiếp tục diễn ra”.
Tuyên bố của quân đội Ấn Độ trưa 8/9 (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tuyên bố nói: “Hãy lấy sự kiện ngày 7/9/2020 làm ví dụ. Binh lính PLA đã cố gắng bao vây trận địa phía trước ở LAC của chúng ta trong điều kiện cận chiến. Khi hành động đó bị quân đội chúng ta ngăn chặn, PLA đã bắn nhiều phát đạn lên trời nhằm đe dọa quân đội của chúng ta”.
Tuyên bố nêu rõ rằng Ấn Độ đã có các biện pháp đối phó: “Nhưng đối mặt với một hành vi khiêu khích lớn như vậy, quân đội của chúng ta đã thể hiện sự kiềm chế tuyệt vời và hành động với một thái độ chín chắn và có trách nhiệm”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Quân đội Ấn Độ cam kết duy trì hòa bình và yên ổn, nhưng quyết tâm làm mọi thứ có thể để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và chủ quyền đất nước”.
Bản tuyên bố cuối cùng đã lên án: “Tuyên bố của Chiến khu Miền Tây PLA là một nỗ lực đánh lừa người dân trong nước và cộng đồng quốc tế”.
Tuyên bố trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nửa đêm 7 rạng ngày 8/9 (Ảnh; Đa Chiều).
|
Ông Trương Thủy Lợi, người phát ngôn Chiến khu Miền Tây PLA một ngày trước đó đã ra tuyên bố cáo buộc quân đội Ấn Độ đã ngang nhiên nổ súng và đe dọa những binh sĩ Trung Quốc đang trao đổi, buộc phía Trung Quốc phải có các biện pháp đối phó để ổn định tình hình trên thực địa. Ông cũng chỉ trích hành động của Ấn Độ đẩy căng thẳng khu vực lên cao là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng các hiệp định và thỏa thuận liên quan giữa Trung Quốc và Ấn Độ và dễ dẫn đến hiểu lầm và đánh giá sai. Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ dừng ngay các hành động nguy hiểm, rút ngay các quân nhân vượt tuyến về và đảm bảo không để xảy ra các vụ việc tương tự nữa, đồng thời yêu cầu phía Ấn Độ nghiêm khắc kiềm chế quân đội ở tuyến trước và nghiêm túc điều tra, trừng trị những người đã nổ súng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 8/9 dẫn lời ông Tiền Phong, Giám đốc Phòng Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc nói: “Quân đội Ấn Độ nổ súng trước khiêu khích, vi phạm nghiêm trọng hai hiệp định biên giới ký năm 1993 và 1996; từ bỏ một loạt sự đồng thuận mà hai bên đạt được trong các cuộc gặp mặt gần đây, phá vỡ kỷ lục không có tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn trong 45 năm và cũng phá vỡ sự thỏa thuận ngầm lâu đời giữa lực lượng phòng vệ biên giới của hai bên, gây nên ảnh hưởng rất xấu”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong tuần này sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Moscow với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Hai người dự kiến sẽ gặp nhau vào thứ Năm (10/9) để thảo luận về tranh chấp biên giới giữa hai nước. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ hôm thứ Hai (7/9), ông Jaishankar nói rằng tình trạng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ “không thể tách rời” khỏi quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ. 30 năm qua được hưởng lợi từ hòa bình và yên ổn ở khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, quan hệ hai nước cũng đã đạt được nhiều tiến triển trong các lĩnh vực khác. Ông nhấn mạnh, hòa bình và yên tĩnh ở biên giới là nền tảng của quan hệ hai nước.
Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước hôm 4/9 tại Moscow không giải quyết được vấn đề gì (Ảnh: Đa Chiều).
|
Các cơ quan truyền thông trực tuyến Ấn Độ hôm thứ Hai dẫn lời quan chức chính phủ cấp cao nói, để tránh ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về tình hình biên giới. Ấn Độ ngoài việc không mời Australia tham gia cuộc tập trận chung Malabar trên biển năm nay, cũng đã cân nhắc có thể khiến hoãn cuộc tập trận quân sự chung đa quốc gia bởi các lý do xảy ra dịch COVID-19, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đột ngột từ chức.
Ngoài ra, báo chí Ấn Độ còn dẫn lời các sĩ quan quân đội cấp cao nói rằng để chuẩn bị cho việc đối đầu quân sự lâu dài với Trung Quốc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các con đường, Ấn Độ đã “hầu như thi công suốt ngày đêm” để đảm bảo nhanh chóng cơ động trong thời chiến. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ hôm thứ Hai (7/9) cũng đã phóng thử một “vật thể bay thử nghiệm siêu thanh” ở Odisha, đánh dấu việc Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Nga và Trung Quốc phát triển và thử nghiệm thành công công nghệ siêu thanh.