Ấn Độ nói PLA bắt cóc 5 thường dân ở biên giới, Trung Quốc bác bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình biên giới Trung - Ấn tiếp tục căng thẳng, có tin PLA bắt cóc 5 thanh niên Ấn Độ ở khu vực tranh chấp Trung Quốc gọi là “Tạng Nam” còn Ấn Độ gọi là bang Arunachal Pradesh. Một quan chức Ấn Độ hôm Chủ nhật (6/9) nói rằng quân đội Ấn đã liên lạc với phía Trung Quốc về vấn đề này thông qua đường dây nóng quân sự.
Khu vực biên giới bang Arunachan Pradesh, Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là "Tạng Nam". nơi phía Ấn Độ nói PLA đã bắt cóc 5 người dân của họ (Ảnh: Đa Chiều).
Khu vực biên giới bang Arunachan Pradesh, Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là "Tạng Nam". nơi phía Ấn Độ nói PLA đã bắt cóc 5 người dân của họ (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 7/9, ông Kiren Rijiju, Ủy viên Hội đồng bang Arunachal Pradesh kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc gia về các vấn đề dân tộc thiểu số của Ấn Độ, cho biết quân đội Ấn Độ đã gửi một thông điệp tới PLA về vụ bắt cóc bị nghi ngờ này qua đường dây nóng quân sự và đang chờ họ trả lời. Nghị viện bang Arunachal Pradesh đã chất vấn chính phủ Ấn Độ tại sao lại im lặng. Có tin nói 5 người này đang đi săn thì bị bắt đi, không rõ họ bị bắt lúc nào, cũng có tin cho biết 2 người khác cùng nhóm cũng suýt bị bắt nhưng đã trốn thoát êm đẹp.

Cảnh sát địa phương cho biết họ hiện chưa nhận được bất kỳ trình báo chính thức nào từ các thành viên trong gia đình của những người mất tích và cũng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đây là một vụ bắt cóc. Các cáo buộc chỉ do gia đình và bạn bè của những người mất tích đưa ra. Cảnh sát đã cử một đội đặc biệt để điều tra sự việc. Cảnh sát cũng cho biết thêm, trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ người dân biên giới mất tích, có thể người dân vừa bị lạc đường hoặc sẽ tự về nhà trong vài ngày tới.

Khu vực xảy ra vụ việc (Ảnh: Đông Phương).
Khu vực xảy ra vụ việc (Ảnh: Đông Phương).

Được biết, từ những năm 1950, Trung Quốc và Ấn Độ đã có tranh chấp chủ quyền đối với khu vực này. Năm 1961, Trung Quốc nhiều lần đề nghị hòa đàm với Ấn Độ và bị từ chối. Vào tháng 6 năm 1962, quân đội Ấn Độ vượt qua Đường McMahon và tiến vào khu vực Chadong ở phía nam Tây Tạng. Tháng 9 cùng năm, Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ lập tức rút quân khỏi biên giới, nếu không sẽ sử dụng vũ lực. Cuối cùng hai bên nổ ra chiến tranh, khoảng một tháng sau, Trung Quốc đơn phương ngừng bắn và rút quân, nhưng vẫn chiếm đóng khu vực Aksai Chin. Cuộc chiến tranh này đã khiến khoảng hơn 3.700 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.

Đáp lại cáo buộc của phía Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng. Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 7/9, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói: “Chúng tôi chưa bao giờ công nhận cái gọi là ‘bang Arunachal Pradesh’ được thành lập bất hợp pháp trên lãnh thổ Trung Quốc và không nắm được tình hình cụ thể của vụ việc liên quan”.

Trước đó, nghị sĩ Ninong Ering của Nghị viện bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ đã viết trên trang Twitter: “Người Trung Quốc đã vượt qua ranh giới Tuyến kiểm soát thực tế ở biên giới Trung-Ấn”, “người Trung Quốc lại bắt đầu gây rối, giống như ở Ladakh cũng giống như ở khu vực Donglang. Đây đã là vụ bắt cóc thứ hai”.

Ông Ering cũng bày tỏ rằng Trung Quốc hy vọng sẽ chuyển sự chú ý từ khu vực Ladakh sang Arunachal Pradesh, “đây là chiến thuật ‘giương Đông kích Tây’ của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Ering nói thông tin ông nhận được từ gia đình của những người mất tích hiện chưa được cảnh sát địa phương xác nhận.

Theo báo Hindustan Times, cảnh sát trưởng địa phương Taru Gussar cho biết chưa nhận được trình báo chính thức nào từ những người nhà người mất tích nên chưa thể khẳng định có xảy ra vụ bắt cóc hay không.

Ông nói: “Chúng tôi biết được chuyện này từ các báo đài và đã cử một nhóm tìm kiếm đến nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu sự thật. Việc những người dân biên giới mất tích cũng đã xảy ra trước đây. Họ có thể chỉ bị lạc đường. Có thể họ sẽ tự quay trở về nhà sau vài ngày nữa”.

Đa Chiều viết, tình hình ở biên giới Trung-Ấn nóng lên trở lại vào hồi cuối tháng 8 và quân đội Ấn Độ đã chiếm đóng các điểm cao quan trọng ở bờ nam của hồ Pangong Tso. Tối 4/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Moscow.

Ngụy Phượng Hòa nói: “Nguyên nhân và sự thật của tình hình căng thẳng hiện nay ở biên giới Trung-Ấn là rất rõ ràng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ. Lãnh thổ của Trung Quốc không thể bị mất dù chỉ một tấc. Quân đội Trung Quốc hoàn toàn quyết tâm, có đủ năng lực và tự tin để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Quân đội Ấn Độ sáng 7/9 tổ chức trọng thể tang lễ cho Tenzin Nyima, sĩ quan người Tây Tạng thuộc SFF bị tử trận (Ảnh: Getty).
Quân đội Ấn Độ sáng 7/9 tổ chức trọng thể tang lễ cho Tenzin Nyima, sĩ quan người Tây Tạng thuộc SFF bị tử trận (Ảnh: Getty).

Ông Rajnath Singh nói, hai nước cần duy trì các kênh đối thoại thông suốt ở các cấp quân sự và ngoại giao của hai bên, nhanh chóng thực hiện việc cách ly hoàn toàn các lực lượng ở tuyến trước; tránh áp dụng các biện pháp làm leo thang hoặc phức tạp thêm tình hình, không để sự bất đồng trở thành tranh chấp và thúc đẩy quan hệ hai nước và hai quân đội sớm trở lại quỹ đạo đúng.

Tờ Times of India tuyên bố trong bài báo liên quan 5 thường dân mất tích đã bị PLA “bắt cóc”. Tuy nhiên, tờ Lianhe Zaobao của Singapore trích dẫn từ tờ báo địa phương Arunachal Times, gia đình của 5 người mất tích đã không trình báo với các quân nhân Ấn Độ và nói rằng 5 người đã đi săn.

Sáng Thứ Hai (7/9), Ấn Độ cũng đã tổ chức trọng thể tang lễ cho Tenzin Nyima một sĩ quan người Tây Tạng thuộc Lực lượng Đặc nhiệm SFF. Vài ngày trước, người lính này được cho là đã chết khi giẫm phải một quả mìn ở khu vực Ladakh của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, nhưng có nguồn nói anh ta bị phía Trung Quốc bắn tỉa.

Cái chết của người lính này đã làm dấy lên sự chú ý của mọi người đối với một lực lượng đặc biệt ít được biết đến của quân đội Ấn Độ hoạt động ở vùng núi cao, lực lượng chủ yếu gồm những người Tây Tạng lưu vong sống ở Ấn Độ.