Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư

VietTimes – Ung thư không phải là căn bệnh mà y học bó tay, ngược lại, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, cùng các thực phẩm hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả, nên người bệnh có thể lạc quan và hy vọng để vững vàng bước qua nếu mắc phải. Đó là thông điệp mà các chuyên gia gửi đến người dân trong cuộc tọa đàm này.
Cuộc giao lưu trực tuyến "Sống chung, sống khỏe với ung thư do VietTimes phối hợp với Đại học Y tổ chức (ảnh: Đ.K)
Cuộc giao lưu trực tuyến "Sống chung, sống khỏe với ung thư do VietTimes phối hợp với Đại học Y tổ chức (ảnh: Đ.K)
Đúng 9h sáng nay (20/7), cuộc giao lưu “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức đang diễn ra tại Hội trường Khoa học - Trường Đại học Y Hà Nội, được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử VietTimes, livestream trên fanpage VietTimes. 
Cuộc giao lưu trực tuyến (GLTT) có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ung thư, về gen, về Y học cổ truyền ở Trường Đại học Y Hà Nội và BV Bạch Mai, BV Y học cổ truyền Trung ương: 

1. GS. TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nôi.

2. PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu - Trường Đại học Y Hà Nội.

3. PGS. TS. Vũ Hồng Thăng - Phó Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa điều trị nội - Bệnh viện K.

4. PGS. TS Dương Trọng Nghĩa - Trưởng khoa châm cứu dưỡng sinh của BV Y học cổ truyền trung ương, giảng viên thỉnh giảng của khoa YHCT, trường Đại học Y Hà Nội.

5. TS.BS. Vũ Hữu Khiêm - Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai.

Với hàng loạt phương pháp điều trị ung thư hiện đại được ứng dụng, giờ đây, nếu không may mắc bệnh, người bệnh và gia đình họ hoàn toàn có thể lạc quan để hy vọng và vững vàng bước qua.

Xem thêm: Ung thư không phải là "án tử"

Bên cạnh đó, những vấn đề khác được dư luận quan tâm gồm: bệnh ung thư có yếu tố di truyền, có thể phòng ngừa được ung thư bằng vaccine hay bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp không, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư như thế nào… cũng sẽ được các khách mời của chương trình trực tiếp trao đổi, giải đáp.Tại buổi giao lưu trực tuyến, độc giả quan tâm sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về căn bệnh ung thư, những phương pháp điều trị đang có tại các bệnh viện đầu ngành trong điều trị ung thư,...
Đại diện Tạp chí Điện tử VietTimes tặng hoa các Giáo sư, bác sỹ tham gia giao lưu trực tuyến
Đại diện Tạp chí Điện tử VietTimes tặng hoa các Giáo sư, bác sỹ tham gia giao lưu trực tuyến


Cuộc GLTT bắt đầu...

Những năm gần đây, các con số được công bố và thực tế khám chữa, điều trị bệnh ung thư tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. 

Phát biểu chào mừng buổi GLTT “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư”, ông Đinh Văn Hải - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes chia sẻ: Trong tâm thức dân gian Việt Nam trong xã hội có ba nhóm người thầy được xã hội trân trọng là thầy giáo, thầy thuốc và thầy tâm linh. Trong đó, thầy thuốc là một nghề cao quý với sứ mệnh cao cả là cứu sống người bệnh.

Ông Đinh Văn Hải - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes (ảnh: Đ.K)
Ông Đinh Văn Hải - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes (ảnh: Đ.K)

Tạp chí điện tử VietTimes hết sức vui mừng được cùng Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức buổi GLTT “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” để trao đổi, cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích đối với người bệnh về ung thư.

"Thời gian qua, Tạp chí điện tử VietTimes đã ghi dấu ấn trong cuộc vận động đưa luật phòng chống tác hại rượu bia đi vào đời sống. Tạp chí điện tử VietTimes mong muốn tới đây sẽ tiếp tục được phối hợp với Đại học Y Hà Nội để đưa tiếng nói của các giáo sư, thầy thuốc đến với người dân", ông Hải bày tỏ.

GS.TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết ông có mặt tại buổi giao lưu này với tư cách một người làm khoa học nhiều hơn cương vị là hiệu trưởng, vì chuyên ngành của ông rất gần gũi với bệnh ung thư.

"Tôi mong sẽ còn nhiều cuộc phối hợp với VietTimes để giao lưu với độc giả, với người dân. Chúng tôi mong đưa những kiến thức về y học thường thức với người dân cũng như toàn xã hội. Trường Đại học Y Hà Nội dù đã có 117 năm tuổi nhưng chúng tôi còn rất trẻ trung, có các cán bộ trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng đóng góp công sức với ngành y, người dân Việt Nam để chúng ta có một cuộc sống khỏe hơn", GS.TS. Tạ Thành Văn chia sẻ với phát biểu của Chủ nhiệm VietTimes.

GS.TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (ảnh: K.L)
GS.TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (ảnh: K.L)

"Ung thư từng được coi là bệnh nan y. Song, với kiến thức và y học hiện nay, ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, thậm chí một số loại có thể khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới mọi người, rằng người dân nên biết những kiến thức y học thường thức để có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và người thân, cộng đồng", ông nói thêm.

Các khách mời tham dự giao lưu:

PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

GS. TS. Lê Thị Hương

GS. TS. Lê Thị Hương

PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

PGS.TS. Trần Huy Thịnh

PGS.TS. Trần Huy Thịnh

TS BS Vũ Hữu Khiêm

TS BS Vũ Hữu Khiêm

GS. TS. Tạ Thành Văn

GS. TS. Tạ Thành Văn

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu

0914 118 909

Liệu pháp miễn dịch có áp dụng được với ung thư đường mật không vậy đồng nghiệp. Tôi đang rất cần.  
PGS.TS. Trần Huy Thịnh

Tôi xin chia sẻ với trường hợp của bệnh nhân này. Với ung thư đường mặt, mặc dù đã có tiến bộ trong điều trị và can thiệp nhưng điều trị ung thư đường mật vẫn là trở ngại cho các bác sĩ.

Dựa trên nguyên tắc của liệu pháp điều trị miễn dịch, bệnh nhân ung thư đường mật hoàn toàn có thể tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải căn cứ vào thể bệnh và giai đoạn bệnh như thế nào để đề ra biện pháp điều trị, có liệu pháp tối ưu nhất cho người bệnh

Nguyễn Thị Lý - Chí Linh, Hải Dương

Hiện nay, ở Việt Nam, xuất hiện 1 số làng ung thư thuộc các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Quan điểm của các chuyên gia như thế nào về việc ngày càng xuất hiện những 'làng ung thư' ở Việt Nam? Nếu là một người dân sinh sống trong 'làng ung thư' đó thì người dân cần làm gì để tự bảo vệ sức khỏe của mình?
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

Xét về tổng thể, khái niệm “làng ung thư” chỉ là tương đối. Một mặt, trong bối cảnh dân số tăng trong môi trường văn hóa làng xã, nhiều người biết thông tin về người mắc ung thư trong khu vực, gây ra tâm lý hoang mang và nghĩ rằng đây là “làng ung thư”. Mặt khác, có những khu vực bị nhiễm độc do nhà máy hoặc các tác nhân đặc trưng chỉ có ở khu vực đó, gây ra những bệnh đặc trưng, trong đó có ung thư.

Để phòng tránh ung thư, người dân cần chủ động giữ vệ sinh môi trường sống. Đồng thời, các nhà khoa học cần bắt tay tìm hiểu những vùng đột biến với tỉ lệ mắc ung thư cao, từ đó tìm ra các nguyên nhân đặc trưng tại vùng đó cũng như đưa ra những phương pháp phòng tránh ung thư cho người dân tại những vùng này.

Hoàng Anh - Xuân Mai, Hà Nội

Chế độ ăn dành cho bệnh nhân ung thư?
PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết đối với cơ thể. Chúng ta không thể ăn chế độ thiếu dinh dưỡng không đảm bảo cho hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch cần những chất nhất định để hoạt động một cách tốt nhất.

Bệnh nhân ung thư cần có một chế độ ăn thiết yếu. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần thêm một số chất đặc biệt trong chế độ dinh dưỡng. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những thực phẩm làm ung thư phát triển. Không ăn những thức ăn bảo quản lâu trong tủ lạnh.

 

Duy Mạnh - Yên Lạc, Vĩnh Phúc

Xin Bác sỹ cho biết cách khắc phục tình trạng khô khớp, phù nề tay chân?
PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

Thực tế cho thấy đến lứa tuổi nhất định chúng ta sẽ bị giảm dịch trong khớp, có nhiều sản phẩm có thể làm tăng chất bôi trơn trong khớp.

Hiện nay có một số thảo dược dân gian có thể giúp khớp hoat động tốt, cải thiện tình trạng hoạt động của khớp. Cùng với đó, chúng ta có thể khắc phục tình trạng khô khớp bằng cách kê tay cao lên, xoa bóp nhẹ nhàng từ ngọn chi đến gốc chi giúp mạch máu tuần hoàn và giảm phù nề.

Kiều Việt Hưng - kieuviethung70@gmail.com

Tôi bị ung thư tuyến nước bọt gần mang tai phải, đã phẫu thuật và xạ trị 25 lần, từ đó đến nay được 10 năm rồi. Xin hỏi giáo sư, bệnh ung thư tuyến nước bọt có chữa khỏi không và có hay tái phát không? Xin cảm ơn!
TS BS Vũ Hữu Khiêm

Như chúng ta đã biết, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trường hợp của bạn mắc ung thư tuyến nước bọt gần mang tai phải đã điều trị 10 năm và đã đạt được kết quả như vậy là rất tốt. Bởi đại đa số bệnh ung thư chỉ tái phát trong 5 năm đầu sau khi chữa khỏi.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế để phát hiện những trường hợp tái phát, qua đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Theo tôi tỷ lệ tái phát ung thư trong trường hợp của bạn là thấp. Bạn cần củng cố chế độ dinh dưỡng, lối sống, khám định kỳ theo hướng dẫn của các bác sĩ thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Hoàng Anh Nhật - Buôn Mê Thuột

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mắc ung thư, 114.871 người tử vong và hiện đang có trên 300.000 người mắc. Như vậy, có thể thấy, bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Thưa PGS.TS Vũ Hồng Thăng, xin ông cho biết có phải do gần đây bệnh phát triển mạnh, hay do Việt Nam đã có các phương pháp chẩn đoán hiện đại, nên số phát hiện ra nhiều hơn?
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

Số lượng tỉ lệ ung thư mới mắc có tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tỉ lệ mắc ung thư trên toàn thế giới tăng dần từ năm 1975 trong tất cả báo cáo dịch tễ học trên toàn thế giới. Có một số lý do cho sự tăng nhanh này.

Thứ nhất, do dân số tăng, tuổi thọ người dân tăng, nhất là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, công nghiệp hóa, nếp sống, thực phẩm, các chất kích thích như rượu bia, v.v Tỉ lệ ung thư tăng dần theo thời gian. Năm 2018, 18 triệu người mắc mới ung thư trên thế giới. Dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi năm 2040. Đây là gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh.

Thứ hai, nhờ biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, số lượng người phát hiện mắc ung thư cũng tăng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng, nhưng phát hiện ở giai đoạn sớm khiến cho bệnh chữa trị dễ hơn, đồng nghĩa với số người chữa trị thành công tăng lên.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế xã hội, truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, người bệnh có điều kiện tiếp cận gần hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật để chữa bệnh.

Độc giả không nên quá lo, đây là căn bệnh của xã hội, liên quan đến nền kinh tế phát triển của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm ung thư là điều khả quan trong y học hiện nay.

Trần Ngọc - Ninh Bình

Xin ông hãy cho biết: Bệnh ung thư có yếu tố di truyền không? Có thể phòng ngừa được ung thư bằng vaccine hay không?
PGS.TS. Trần Huy Thịnh

Theo các nghiên cứu trên thế giới, có 1 nhóm ung thư được xếp vào nhóm ung thư di truyền, và tùy theo loại hình ung thư thì tỷ lệ di truyền khác nhau, hầu hết rất nhỏ, dưới 10%. Cá biệt có ung thư vú buồng trứng, có tỷ lệ di truyền trong gia đình, song tỷ lệ này cũng chỉ rơi vào 5 - 10%.

Nhiều người đặt ra câu hỏi “Nếu gia đình tôi bị ung thư di truyền thì phải làm sao?” Tôi mong rằng mọi người không nên hoang mang bởi tính di truyền của ung thư không có nghĩa là mọi người trong gia đình sẽ mắc loại ung thư đó từ khi còn tấm bé. Họ sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với các cá thể khác trong hội đồng.

Để xác định gia đình có bị ung thư di truyền hay không, cần căn cứ vào 2 đặc điểm: Mắc ung thư từ rất sớm khoảng dưới 40 tuổi và có ít nhất 2 thành viên trong gia đình cùng mắc một loại ung thư.

Làm gì đối với ung thư có tính chất gia đình? Mọi người hãy chú ý đến chăm sóc sức khỏe, sàng lọc, chăm sóc cơ quan có xác suất cao xảy ra ung thư.

Còn về vaccine, hiện nay vaccine được coi là 1 trong những biện pháp điều trị ung thư, nhưng chưa phải là liệu pháp điều trị ung thư chính. Hiện nay, ta đưa các chất có thành phần tương tự tế bào ung thư, có khả năng nhận diện tốt hơn, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Hiện nay, khoa học đang chế tạo ra những chất kích hoạt hệ thống miễn dịch tốt hơn nữa.

Một lần nữa, tôi khẳng định, vaccine được coi là 1 biện pháp điều trị ung thư với hiệu quả đang tăng dần từng ngày.

Nguyễn Bá Đắc - Hà Nội

Mọi người đều rất sợ bệnh ung thư, nhưng lại không biết có thể tầm soát, phát hiện sớm và điều trị triệt để, vì không biết các triệu chứng chính của ung thư như thế nào?
TS BS Vũ Hữu Khiêm

Đây là một câu hỏi hay và ý nghĩa về phát hiện sớm bệnh ung thư. Để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư, theo tôi, mọi người cần chú ý các điểm sau:

Thứ nhất, người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ, 6 tháng, 1 năm hoặc khám sức khoẻ hàng tháng, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư soát đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Điển hình là người mang virus viêm gan B,…).

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều người mang virus viêm gan B, có tới 10-15% tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Chính vì vậy, người dân cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như: polyp đại tràng, dạ dày,…

Ngoài ra, đối với người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 10 đến 20 lần so với cộng đồng.

Hiện, đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao.

Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Hiện đã có các chương trình giúp người bệnh có thể tự khám bệnh cho bản thân. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám,…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường, người dân cần các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.

Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy có các triệu chứng như: xuất hiện các vết loét ở da, niêm mạc miệng, lưỡi; ho kéo dài, ho ra máu,… cần đến bệnh viện để kiểm tra.

Khi phát hiện các dấu hiệu như: đau hạ sườn phải âm ỉ, khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài ra máu,…. cần phải cảnh giác với bệnh ung thư đại trực tràng.

Khi sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú,… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.

Khi bị ù tai, ho khạc ra máu,… cần cảnh giác với ung thư vòm họng.

Thấy có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường cần đề phòng ung thư cổ tử cung.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.

Chính vì vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, người dân cần quan tâm các khuyến cáo trên: khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường sàng lọc đối tượng có nguy cơ, tự khám khi có biểu hiện bất thường.

Mai Anh - Đống Đa, Hà Nội

Trên mạng xã hội có những ý kiến cho rằng: Phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong? Điều này có đúng không thưa ông? 
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

Người bệnh luôn mong muốn một phương pháp chữa trị nào đó hữu hiệu hơn, không độc hại. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy hoá trị là biện pháp cơ bản để chữa trị ung thư, được áp dụng cả các nước phát triển. Vì thế, nhận định đưa ra là thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến những người bệnh, gia đình người bệnh đang chữa trị bệnh ung thư.

Hóa trị là phương pháp chữa ung thư cơ bản, đã được khoa học chứng minh và áp dụng cả 1 thế kỷ nay. Vì thế, không thể vì 1 thông tin nào đó chưa được kiểm chứng mà chúng ta xoá bỏ đi những thành tựu khoa học này. Người bệnh cứ yên tâm về phác đồ điều trị trong các cơ sở y tế được các bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu, tìm tòi và yên tâm đây là phương pháp điều trị chính để chữa ung thư.

Lê Quang Minh - Thường Tín, Hà Nội

Thưa  PGS.TS. Trần Huy Thịnh độc giả thắc mắc rất nhiều người muốn được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư ở ĐHY Hà Nội. Có phải bất kỳ ai cũng có thể tham gia? 
PGS.TS. Trần Huy Thịnh

Cách thức chính của liệu pháp điều trị miễn dịch là kích thích hệ miễn dịch để chống lại ung thư. Với cơ thể khỏe mạnh, liệu pháp này cũng giúp xác suất bị ung thư giảm đi, cơ hội điều trị sẽ tăng lên.

Khi triển khai biện pháp này, chúng tôi mong muốn cung cấp biện pháp điều trị ung thư với một cách tiếp cận khác. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp liệu pháp điều trị miễn dịch với các biện pháp khác nhau, sau đó điều trị toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Với biện pháp điều trị miễn dịch, chúng tôi đang triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K trên một số loại hình ung thư chính gồm unng thư phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng,… Các bệnh nhân tham gia chủ yếu mắc ung thư ở giai đoạn 3 và 4.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có buổi kiểm tra, đánh giá cụ thể về liệu pháp điều trị miễn dịch, sẽ được hội đồng chuyên môn Bộ Y tế thông qua, từ đó chúng tôi sẽ xác định các trường hợp bệnh nhân cụ thể để điều trị

Tuy nhiên, liệu pháp này cũng rất mở, các bệnh nhân có nguyện vọng, mong muốn tham gia điều trị, có thể đến với chúng tôi. Sau đó, trên các đánh giá chuyên môn, tôi sẽ có đánh giá, lựa chọn tốt nhất dành cho bệnh nhân.

Minh Thuý - Tân Thịnh, Thái Nguyên

Liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư mà GS. Tạ Thành Văn và các cộng sự ở ĐHY Hà Nội tiến hành đang được người bệnh cực kỳ quan tâm vì “không phẫu thuật, không đau, không nằm viện và hiệu quả”. Xin ông cho biết về những ưu điểm của phương pháp này? 
GS. TS. Tạ Thành Văn

Liệu pháp miễn dịch trị liệu mà chúng tôi đưa về thử nghiệm là kế thừa các nhà khoa học trên thế giới. Trong đó, điều trị bằng liệu pháp miễn dịch là hướng điều trị được giới y học quan tâm rất nhiều. Liệu pháp này giống như việc chúng ta tăng cường nội lực của chính bản thân mình và khi mình khỏe mạnh sẽ chống được mọi tác nhân bên ngoài.

GS.TS Tạ Thành Văn
GS.TS Tạ Thành Văn

Với liệu pháp này, chúng tôi thực hiện phân tách tế bào thông qua việc lấy 10 – 30 ml máu có chứa hàng triệu tế bào. Chúng sẽ được nhân lên thành nhiều tỷ tế bào sau 2 tuần. Nếu tế bảo bệnh nhân đủ khỏe, thì tế bào nhân được lên tới 10 tỷ.

Như vậy sức đề kháng của bệnh nhân tăng đáng kể. Sức đề kháng tăng thì ung thư cũng bị tiêu diệt, bệnh khác bị loại trừ. Liệu pháp này giúp cải tiến lâm sàng tốt, chất lượng cuộc sống bệnh nhân tăng đáng kể.

Hiện nay, chúng tôi đang đánh giá tình trạng bệnh nhân trước và sau điều trị để có nhận định lâu dài, trước mắt cuối năm nay kết thúc đánh giá, sau đó xem xét xem có ứng dụng rộng rãi với bệnh nhân hay không.

Lê Quang Minh - Thường Tín, Hà Nội

Ung thư di căn có chữa được không thưa bác sĩ? 
TS BS Vũ Hữu Khiêm
TS BS Vũ Hữu Khiêm

TS BS Vũ Hữu Khiêm

Tôi rất hiểu nỗi băn khoăn, lo lắng của người bệnh. Ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi được quan trọng là có phát hiện sớm và điều trị kịp thời hay không.

Di căn ở ung thư có 2 loại di căn đó là di căn vùng và di căn xa (não, xương, phổi).

Khi ung thư di căn vùng vẫn có khả năng chữa khỏi hơn so với giai đoạn khu trú.

Ung thư di căn xa thì tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn so với di căn vùng.

Hiện nay, nhiều tiến bộ trong khoa học công nghệ và sinh học phân tử, đã tạo ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân điều trị và chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai.. đã triển khai nhiều phương pháp để chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư (đánh giá, điều trị xạ phẫu, xạ trị kỹ thuật cao, tiêu biến liều, tiêu biến thể tích, … các phương pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch.

Để chữa khỏi ung thư đạt hiệu quả cao và chi phí thấp thì cần phòng và phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện bệnh muộn, chi phí điều trị là vô cùng tốn kém và khả năng chữa khỏi sẽ thấp hơn so với phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra, ung thư có yếu tố di truyền nhưng ở tỷ lệ thấp.

Nguyễn Thị Mỵ - Bắc Kạn

Nhiều người tin tưởng nano vàng có thể điều trị khỏi ung thư. Điều này có đúng không thưa ông? Bộ Y tế đã cho phép phương pháp này hay chưa?
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

Bộ Y tế không bao giờ chấp nhận cấp phép cho loại thuốc chưa được kiểm định để điều trị ung thư trên người.

Hiện nay có rất nhiều thông tin về những loại thuốc có thể chữa bách bệnh, tuy nhiên người bệnh cần tỉnh táo. Việc từ bỏ các biện pháp điều trị chính thống sẽ gây ảnh hưởng đến chính bản thân bệnh nhân và gia đình.

Công nghệ nano trong điều trị ung thư hiện đang được nghiên cứu và thí nghiệm ở một số nước trên thế giới. Theo lý thuyết, hạt nano được gắn vào thế bào ung thư và chiếu tia đặc biệt, dưới bức xạ tia sẽ làm tế bào ung thư nóng lên và bị tiêu diệt.

Nghiên cứu này hiện mới thí nghiệm trên động vật, chưa có bằng chứng nào về mặt khoa học và nghiên cứu thực nghiệm có thể chữa được trên người, chưa kể phương pháp này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác vì độc tính.

Những loại thuốc mới đòi hỏi các bước thử nghiệm khắt khe và được chứng minh mới được phép điều trị cho người bệnh. Vì thế không có chuyện một loại thuốc có thể chữa bách bệnh ung thư. Chắc chắn Bộ Y tế không bao giờ chấp nhận cấp phép cho loại thuốc chưa được kiểm định để điều trị ung thư trên người.

Người bệnh không nên tin vào những loại thuốc như vậy, gây lãng phí tiền bạc, sức khỏe của bản thân cũng như lãng phí cơ hội để chữa trị theo phác đồ đã được khoa học chứng minh.

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến (từ trái sang) PGS.TS. Trần Huy Thịnh, PGS.TS. Vũ Hồng Thăng, GS.TS. Lê Thị Hương, PGS.TS Dương Trọng Nghĩa, TS.BS Vũ Hữu Khiêm.
Các  khách mời tham gia giao lưu trực tuyến (từ trái sang) PGS.TS. Trần Huy Thịnh, PGS.TS. Vũ Hồng Thăng, GS.TS. Lê Thị Hương, PGS.TS Dương Trọng Nghĩa, TS.BS Vũ Hữu Khiêm.

Minh Anh – Kim Mã, Hà Nội

Tôi có 5 câu hỏi gửi tới chương trình: 1. Tôi nghe nói ung thư là bệnh có yếu tố gia đình, vậy có phải là bệnh di truyền không, có cách nào để phòng chống không? 2. Lympho có phải gọi là ung thư máu? Lympho nói riêng và ung thư nói chung có thể chữa dứt điểm không? 3. Các dì (em ruột mẹ đẻ) bị ung thư vú và ung thư tử cung thì các cháu gái có dễ mắc không? 4. Nên thế nào về tiêm phòng ung thư tử cung cho bé gái? Tuổi nào tiêm là tốt nhất? 5. Cần làm gì để phòng chống ung thư? Khi đang điều trị, bệnh nhân cần lưu ý những gì? 
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng

1. Có trường hợp mắc ung thư do di truyền nhưng không nhiều, chủ yếu mắc ung thư là do yếu tố ngoại cảnh, điều này đã được khoa học chứng minh.

Một số loại ung thư có thể di truyền do đột biến gen, người bị đột biến có nguy cơ mắc cao hơn so với người không bị đột biến, tuy nhiên không phải cứ đột biến là mắc ung thư.

Tôi khuyên những người bị đột biến nên đến các trung tâm hoặc gặp chuyên gia tư vẫn di truyền ung thư để có kế hoạch phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

3. Một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng v.v... trên thế giới ghi nhận khoảng 10% mắc do đột biến gen. Khi so sánh tỉ lệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người Việt có tỉ lệ đột biến mắc ung thư trong nhóm thấp nhất thế giới.

Đây là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, những người có người thân đang mắc ung thư nên tiến hành các xét nghiệm xem có nguy cơ đột biến hay không, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

4. Đối với ung thư cổ tử cung, độ tuổi tiêm phòng HPV khuyến cáo từ 9-26 tuổi.

Tôi cũng khuyên nữ giới trong độ tuổi này nên chủ động đi tiêm phòng, không nhất thiết phải có người trong gia đình đã mắc bệnh mới tiêm bởi bệnh này phần này phần lớn do các yếu tố xã hội.

Hồng Minh, Lê Bình, Trường Giang, Thuỷ Nguyên

Có những quan niệm cho rằng khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ sẽ làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn? Điều này có đúng không? Hiện có những loại thức ăn riêng biệt nào an toàn dành riêng các bệnh nhân ung thư đang điều trị không thưa bác sĩ?
PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

Người bệnh ung thư nghĩa rằng nếu không ăn thì tế bào ung thư cũng không ăn. Đây là quan niệm sai lầm. Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể (thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác), khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng.

PGS.TS Dương Trọng Nghĩa
PGS.TS Dương Trọng Nghĩa

Vì thế những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư đồng thời tăng cường tập thể dục chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Mặt khác, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất.

PGS. TS Vũ Hồng Thăng bổ sung thêm: Quan điểm của phương Tây là  cân đối dinh dưỡng, hạn chế những nguyên nhân gây ra ung thư, tránh béo phì, tăng cường tập thể dục. Chế độ ăn uống cân đối là điều tuyệt vời nhất.

Nguyễn Thị Mỵ - Bắc Kạn

Xin hỏi bác sĩ tại sao bệnh nhân ưng thư lại được khuyên không nên ăn thịt đỏ nhiều, không ăn các đồ ăn lên men, nảy mầm, trong khi dinh dưỡng thường thức lại cho biết hầu hết các thức ăn đó đều có lợi có sức khoẻ, giúp người bệnh phục hồi nhanh?
GS. TS. Lê Thị Hương

Giải pháp tốt nhất cho người bệnh là  ăn cân đối dinh dưỡng

Đối với người bệnh ung thư, các bác sĩ không khuyên người bệnh bỏ ăn thịt đỏ hoàn toàn nhưng bệnh nhân chỉ được ăn với số lượng ít. Người dân cần phân biệt rõ, thịt đỏ là thịt của con 4 chân, không phải là thịt có màu đỏ.

Vì vậy, thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp người bệnh thèm ăn thì vẫn có thể ăn thịt đỏ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người dân nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sát…

Hạn chế các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng vì chúng rất mặn, không tốt cho cơ thể.

Giải pháp tốt nhất cho người bệnh là ăn cân đối dinh dưỡng, bổ sung tinh bột từ các loại hạt nguyên sẽ tốt hơn là hạt tinh chế.

Trịnh Thị Lan Phương - TX. Bắc Cạn

Nhiều người lan truyền cho nhau phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương liệu có đúng? Bên cạnh đó lại có quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được. Điều này có đúng không thưa bà? 
GS. TS. Lê Thị Hương

Tôi khẳng định thực dưỡng Ohsawa là hết sức sai lầm

Thực dưỡng Ohsawa được người bệnh ung thư bàn tán rất nhiều. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp này tới gần 10 năm nay, khiến họ chỉ còn da bọc xương. Thêm vào đó, chế độ ăn thiếu hụt quá nhiều chất dinh dưỡng này đã khiến bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

Tôi khẳng định thực dưỡng Ohsawa là hết sức sai lầm. Cũng có người tranh luận rằng tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết họ phải ăn nhiều cơm lên, ăn với rau, muối vừng… Rồi các nhà sư phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng môi lưỡi, thiếu vitamin…

Vì vậy, với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng nào cả mà vẫn phải ăn như người bình thường. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư.

Chúng tôi khuyến cáo người bệnh không áp dụng các phương pháp sai lầm mà hãy ăn đủ dinh dưỡng. Vì các vitamin, khoáng chất… mà thực phẩm cung cấp sẽ tham gia vào cơ thể. Chỉ cần thiếu một trong số chất đó, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân được chúng tôi xây dựng rất cẩn thận, đủ chất, ăn đa dạng các thực phẩm gồm thịt cá trứng sữa, không loại bỏ thức ăn nào, tăng cưởng rau và quả để cung cấp vitamin và sức đề kháng cho cơ thể.

Đoàn Thị Thuỷ - TP. Thái Nguyên

Thực phẩm chức năng có tác dụng trong điều trị ung thư hay không? 
PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư chứ không phải là điều trị 

Thực phẩm chức năng xếp vào nhóm thực phẩm chứ không phải là nhóm thuốc. Thực phẩm chức năng không thể điều trị thay thế cho thuốc, các phương pháp chữa bệnh, phẫu thuật,…

Thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ cho một số chức năng của cơ thể trong hoàn cảnh nhất định. Một số thực phẩm chức năng giúp bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết, có tác dụng cải thiện sức khoẻ, có chất chiết xuất từ tự nhiên.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư chứ không có tác dụng chữa bệnh. Trên thực tế, thực phẩm chức năng khá an toàn trong điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Vũ Hồng Loan - Times City, Hà Nội

Mạng xã hội lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư; dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống; không gây đau đớn, thậm chí “không cần chữa bệnh, chỉ cần sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, tự nhiên bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn và mọi người hãy ăn 100% thực phẩm tạo kiểm để máu và nước trong cơ thể PH = 7,4 mọi bệnh dùng đến kháng sinh sẽ không còn , PH = 8,5 ung thư chết”. Các chuyên gia có ý kiến gì về vấn đề này?
TS BS Vũ Hữu Khiêm

Chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định phương pháp kiềm hoá máu có hiệu quả

Thực tế, nhiều người bệnh khi phát hiện mắc ung thư thì rất lo lắng và tìm hiểu nhiều phương pháp để chữa bệnh, trong đó có phương pháp kiềm hoá máu. Tôi khẳng định phương pháp điều trị ung thư bằng kiềm hoá máu chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định phương pháp này có hiệu quả.

Đây không phải là phương pháp điều trị chính thống. Tế bào ung thư thường phát triển trong môi trường axit nên một số tác giả cho rằng có thể kiềm hoá để giết các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ có độ PH là 7,4 khi độ PH lên tới 8,5 sẽ gây ra một loạt các rối loạn chuyển hoá nguy hiểm trong cơ thể.

Phương pháp này không chỉ được lan truyền ở Việt Nam, mà còn lan truyền ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây là phương pháp không chính thống và không có cơ sở khoa học.

Mới đây, tác giả của cuốn sách “The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health” (Sự kỳ diệu của PH: Cân bằng chế độ PH, lấy lại sức khoẻ của bạn) đã bị khởi kiện, vì một bệnh nhân ung thư vú đã từ bỏ điều trị bằng phương pháp chính thống để sử dụng phương pháp kiềm hoá máu, khiến bệnh ngày càng nặng và bệnh nhân rơi vào trạng thái suy kiệt.

Đến nay, có thể khẳng định rằng phương pháp kiềm hoá máu chưa có bằng chứng khoa học, chưa được công nhận. Một phương pháp chữa bệnh sẽ phải trải qua rất nhiều khâu để kiểm tra, kiểm định hiệu quả, độc tính và sự an toàn.

Hiện, các bác sĩ đã và đang cập nhật các thông tin chính thống để tiến hành điều trị cho bệnh nhân theo y học hiện đại từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế,….

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị bệnh kịp thời chứ không nên tin theo những phương pháp điều trị chưa có cơ sở khoa học.

Nguyễn Quốc Hiền – Đường Phan Bội Châu, TP Thái Nguyên; Phạm Minh - minhnhno@yahoo.com.vn

Gia đình tôi có một bệnh nhân mắc ung thư trực tràng, làm sao để nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân này?
GS. TS. Lê Thị Hương

Bệnh nhân ăn quả bơ kèm với sữa chua để tiêu hóa tốt hơn 

Tôi cũng không rõ người bệnh ung thư trực tràng như bạn nói đã điều trị như thế nào và đã phẫu thuật chưa?

Song, các bệnh nhân ung thư trực tràng cần lưu ý đến chế độ ăn, để nâng cao chất lượng sống ví dụ cân đối lượng mỡ, cố gắng tránh chất xơ thô từ măng, rau xanh,…

Ngoài ra, bệnh nhân có thể ăn đầy đủ các chất như thịt, cá, hoa quả, tinh bột.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi thường cho bệnh nhân sử dụng quả bơ ăn kèm với sữa chua để tiêu hóa tốt hơn.

Đối với ung thư đai trực tràng và ung thư dạ đày, nếu chế độ ăn chưa cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì chúng tôi sẽ bổ sung các dưỡng chất để bệnh nhân sống khỏe, tiêu hóa tốt,  đi ngoài tốt hơn.

Trịnh Văn Quyết - Vĩnh Phúc

- Có ý kiến cho rằng: Phẫu thuật và hóa trị, xạ trị nhiều tác dụng phụ, chỉ dùng Đông y điều chỉnh là được. Thưa bác sĩ, Điều trị ung thư bằng thuốc đông y có hiệu quả không?

- Thực phẩm chức năng có tác dụng như thế nào trong điều trị ung thư thưa bác sĩ?

PGS. TS Dương Trọng Nghĩa

Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư hiện nay như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, cũng có mặt trái của nó, nhưng đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thay thế được các phương pháp này.

Các thuốc y dược cổ truyền hiện nay cũng có những loại thuốc giúp ức chế tế bào ung thư, nâng cao sức khoẻ bệnh nhân, cải thiện tình trạng bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị, giúp chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, các loại thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư chứ không thể thay thế các phương pháp y học hiện đại.

Thực phẩm chức năng xếp vào nhóm thực phẩm chứ không phải là nhóm thuốc. Thực phẩm chức năng không điều trị thay thế cho thuốc ,các phương pháp chữa bệnh, phẫu thuật,…

Thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ cho một số chức năng của cơ thể trong hoàn canh nhất định. Một số thực phẩm chức năng giúp bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết, có tác dụng cải thiện sức khoẻ, có chất chiết xuất từ tự nhiên.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư chứ không có tác dụng chữa bệnh. Trên thực tế, thực phẩm chức năng khá an toàn trong điều trị cho bệnh nhân ung thư.