Hà Nội chưa ở đỉnh dịch, số ca mắc mới sẽ tăng gấp đôi
Chỉ tính riêng trong ngày 17/2, Hà Nội đã có thêm 3.893 ca mắc COVID-19, trong đó có 913 ca cộng đồng; 2.980 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 496 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong gồm: Hoàng Mai 240, Nam Từ Liêm 229, Chương Mỹ 192, Bắc Từ Liêm 189, Long Biên 179. Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021), Thủ đô đã có tổng cộng 186.998 ca bệnh.
Tổng quan số bệnh nhân COVID-19 điều trị hiện nay (Ảnh - Minh Thuý, nguồn: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) |
Với số ca COVID-19 liên tục tăng cao như trên, nhiều người lo lắng về việc Hà Nội đã ở đỉnh dịch rồi, hay số mắc vẫn còn tiếp tục tăng và liệu có giống như tình hình dịch tại TP. HCM trong năm 2021?
Trao đổi với PV VietTimes về vấn đề này, BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết: “Khi nhắc đến đỉnh dịch, chúng ta hiểu rằng đó là thời điểm số lượng ca mắc tăng cao nhất và sau đó số lượng ca mắc mới sẽ giảm đi. Mỗi một làn sóng dịch thường sẽ có ít nhất 1 đỉnh dịch. Việc giảm số lượng ca mắc mới sau một đỉnh dịch có thể xảy ra do số người trong quần thể đó đã đạt đủ số lượng có miễn dịch bảo vệ hoặc chúng ta đã áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch (giãn cách xã hội, 5K,…) để phòng chống dịch. Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, tôi cho rằng Hà Nội chưa đạt đến đỉnh dịch và số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới”.
BS. Vũ Quốc Đạt - Bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội |
Trước ý kiến cho rằng Hà Nội sẽ có đỉnh dịch mới của biến chủng Omicron, BS. Đạt cho hay: Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra. Biến chủng Omicron xuất hiện tại Việt Nam vào giữa tháng 12/2021. Sau đó khoảng 1 tháng, nước ta đã phát hiện ca lây nhiễm thứ phát tại cộng đồng. Do đó hiện nay biến chủng Omicron đã lây nhiễm trong cộng đồng và có thể thể khiến số F0 gia tăng trong thời gian ngắn. Một điều nữa cần lưu ý đó là số ca mắc phụ thuộc vào khả năng xét nghiệm. Khi chúng ta sẵn có xét nghiệm test nhanh, số người được xét nghiệm sẽ tăng nhanh và đồng nghĩa với việc phát hiện được nhiều ca bệnh hơn.
Về quan điểm cho rằng không nên coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, BS. Đạt bày tỏ: Việc phân loại bệnh truyền nhiễm theo nhóm A,B,C về bản chất giúp xác định nguồn lực nhằm kiểm soát dịch. Mỗi một quốc gia tuỳ theo nguồn lực sẵn có sẽ xác định bệnh dịch có thực sự nguy hiểm hay không. Mặc dù nước ta đạt được tỉ lệ tiêm vaccine khá cao nhưng đang phải đối mặt với 2 vấn đề chính gồm:
1. Dân số đông nên dù tỉ lệ mắc thấp thì tổng số ca mắc vẫn sẽ cao, dẫn đến gánh nặng y tế lớn.
2. Số ca mắc mới có khả năng tăng vì biến chủng Omicron.
Từ 2 vấn đề trên, BS. Đạt cho rằng vẫn nên coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A để huy động được tối đa nguồn lực kiểm soát dịch.
Theo BS. Đạt, hiện tỉ lệ tiêm vaccine ở Hà Nội đạt trên 75% nên tỉ lệ tử vong ở người nhiễm sẽ thấp. Tuy nhiên, cùng 1 tỉ lệ tử vong là 0.4% thì khi có 10.000 người nhiễm (dẫn đến 400 ca tử vong) sẽ khác với việc có 1.000 người nhiễm (dẫn đến 40 ca tử vong) . Việc đánh giá tình trạng dịch thông qua tỉ lệ tử vong và số ca mắc tuyệt đối sẽ bổ sung cho nhau để có thể đưa ra chính sách chống dịch phù hợp.
Tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tránh quá tải
Trước luồng dư luận xôn xao về việc Hà Nội đã đạt đến đỉnh dịch COVID-19 hay chưa, thông tin với PV, PGS. TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – cho biết: Không thể nói Hà Nội đã đạt đến đỉnh dịch COVID-19. Nếu dịch COVID-19 bùng phát mạnh thì phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tốc độ lây nhiễm. Thời gian tới, số ca mắc COVID-19 mới tại Thủ đô sẽ tiếp tục tăng nhanh bởi nhiều người không khai báo, thậm chí nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng điển hình. Nếu không xét nghiệm thì không thể phát hiện những trường hợp này.
Trong tình huống số ca F0 tăng nhanh, dịch bùng phát đến mức không kiểm soát được, hệ thống y tế quá tải thì số ca mắc bệnh nặng, tử vong sẽ tăng. Hiện nay, hệ thống y tế vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch, chăm sóc, điều trị bệnh nhân, chưa rơi vào tình trạng quá tải.
PGS. TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Ảnh - BYT) |
Để tăng cường công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh mỗi ngày Thủ đô có gần 4.000 ca F0/ngày, ông Phu nhấn mạnh: Ngành y tế Hà Nội cần theo dõi tình hình số ca mắc mới xem có gì bất thường hay không, nhằm đánh giá, dự báo thời điểm nào lượng bệnh nhân tăng nhanh, gây quá tải hệ thống y tế, để ứng phó kịp thời.
Cùng với đó, các bệnh viện cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở trong và ngoài cộng đồng; hướng dẫn các biện pháp cụ thể để người dân tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình, không buông xuôi, thả lỏng tạo điều kiện cho dịch lây lan, bùng phát. Đặc biệt, ngành y tế cần đẩy mạnh việc tiêm vaccine để giảm số ca mắc, nếu mắc bệnh thì không diễn biến nặng và tử vong; nâng cao hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo mọi F0 đều được tư vấn, chăm sóc, điều trị tại nhà.
Bác sĩ dặn dò người nhà bệnh nhân chăm sóc, điều trị cho F0 tại nhà (Ảnh - BYT) |
Thông tin về việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị cho F0 hiện nay, BS. Vũ Quốc Đạt chia sẻ thêm: Trong đại dịch, hệ thống y tế luôn đứng trước nguy cơ quá tải. Đôi khi nhiều F0 mắc bệnh nhẹ tìm kiếm hệ thống y tế sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành Y tế cần tập trung vào các hoạt động sau:
- Phân loại người bệnh chính xác, giúp người dân tự xác định mức độ bệnh và đưa ra quyết định có cần thiết đến bệnh viện hay không. Điều này sẽ giúp người mắc bệnh nhẹ, không có nguy cơ yên tâm điều trị ở nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dành nguồn lực cho người mắc bệnh nặng, có yếu tố nguy cơ cao.
- Thiết lập hệ thống để theo dõi, đánh giá người bệnh, có nhân viên y tế kịp thời tư vấn, xác định sớm trường hợp cần đến bệnh viện.
- Chú ý cung cấp thông tin để người dân tìm kiếm cơ hội được chăm sóc, điều trị khi có nhu cầu. Nếu người dân có biểu hiện mắc bệnh nặng theo khuyến cáo của Bộ Y tế (khó thở, đau tức ngực, tụt huyết áp,…), không liên hệ được với cơ sở y tế thì cần có hướng dẫn để họ trực tiếp đến bệnh viện điều trị.