Số hóa dịch vụ ngân hàng: Cơ hội sống còn

Với công nghệ số, các ngân hàng đã mở rộng cơ sở khách hàng, vươn tới những phân khúc chưa từng tiếp cận, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phát triển. 
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn cho ngành tài chính ngân hàng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn cho ngành tài chính ngân hàng.

Giới chuyên môn đánh giá, sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngân hàng số (digital banking) hay các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang là biểu hiện sinh động cho sự phát triển của công nghệ số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. 

Tìm cơ chế quản lý phù hợp

Hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp FinTech hiện nay đều vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý và quản lý của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Chính điều này đang tạo ra một rào cản to lớn cho việc gia nhập thị trường và sự tồn tại của các doanh nghiệp FinTech, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo FinTech, nhận định.

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của họ. 

Cụ thể là từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. 

Bên cạnh những loại hình FinTech trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep...), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Trust Circle), chuyển tiền (Remit.vn), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (BankGo, Moneylover, Mobivi...), cầm đồ online (F88)... 

Theo ông Kim Anh, khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác. 

Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các thành viên đến từ các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước. 

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất tới Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, cơ chế quản lý phù hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FinTech ở Việt Nam phát triển; đồng thời, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển lĩnh vực FinTech tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Quan sát và tận dụng cơ hội 4.0


Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, có hai giai đoạn can thiệp về kỹ thuật số vào sự phát triển của ngân hàng nói riêng và các ngành kinh doanh nói chung. 

Giai đoạn một là từ năm 2008 – 2015, với sự tham gia của thuật toán đám mây, các phần mềm mã nguồn mở, dữ liệu di động 3G/4G, điện thoại thông minh, phân tích dữ liệu và mạng lưới xã hội. 

Tác động của làn sóng thứ nhất này là hạ rào cản tham gia thị trường đối với những doanh nghiệp startups dẫn tới sự gia tăng của FinTech. 

Làn sóng thứ hai diễn ra trong khoảng 2016 – 2020, với sự can thiệp số, bao gồm: trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học, xu hướng thuê phần mềm, đám mây... 

Ở đây ta sẽ thấy việc gia tăng sử dụng trí thông minh nhân tạo để thay thế cho nhân viên ngân hàng truyền thống.

Blockchain sẽ trở thành một nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc chuyển tài sản. Nhận dạng số trở thành cơ sở nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua các yếu tố sinh trắc học như giọng nói hay dấu vân tay. 

Tới năm 2020, bốn lĩnh vực dự kiến bị ảnh hưởng nhiều nhất của FinTech là ngân hàng tiêu dùng, chuyển khoản và thanh toán, quản lý tài sản và bảo hiểm. 

Bên cạnh đó là xu hướng đơn giản hóa việc thanh toán thông qua sử dụng điện toán đám mây. Với xu hướng này, vai trò của các tổ chức trung gian như một đối tác tin cậy trong thanh toán chuyển khoản sẽ mất dần đi. 

Các tổ chức tài chính cũng đối mặt với những rủi ro cao hơn về uy tín và an toàn cũng như các vấn đề pháp lý khi tham gia vào các phương thức thanh toán mới.

Với cho vay, các nền tảng cho vay mới đang chuyển hóa việc đánh giá tín dụng và nguồn gốc khoản vay khi mở ra những nguồn vốn phi truyền thống. 

Lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống khi cạnh tranh giảm khoảng cách lãi suất giữa huy động và cho vay. Khi người gửi tiền chuyển qua các kênh khác, huy động truyền thống và các sản phẩm đầu tư sẽ giảm xuống. 

Các nhân tố mới tham gia vào thị trường như ngân hàng ảo, ngân hàng di động sẽ khiến các ngân hàng phải nghĩ lại về vai trò của mình. 

Trong bối cảnh đó, để có thể bắt kịp xu hướng phát triển và tận dụng được các cơ hội của thị trường, các ngân hàng nên xây dựng năng lực của chính mình trước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xây dựng các phòng phòng nghiên cứu và phát triển. 

Nếu có thể, các ngân hàng xây dựng quan hệ đối tác với các công ty công nghệ thông tin, các viện nghiên cứu và hỗ trợ các chương trình phát triển trong lĩnh vực liên quan, đầu tư vào các lĩnh vực mới và quan sát tận dụng cơ hội liên quan tới hệ sinh thái 4.0, ông Hải cho biết.

Không nhất thiết phải đầu tư nguồn lực lớn

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, nhận định hầu hết các khách hàng hiện nay đều đã sở hữu ít nhất một thiết bị di động thông minh, điều này cho phép các ngân hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông qua mạng Internet một cách đơn giản.

Dịch vụ nào đưa được đến thiết bị của khách hàng, được khách hàng chấp nhận và sử dụng thì dịch vụ đó sẽ thành công. Đây là sự thuận lợi và cơ hội lớn mà xu hướng công nghệ mới đã tạo ra, không chỉ trong ngành ngân hàng.

Mỗi doanh nghiệp có thể có cách bắt đầu khác nhau để tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ mới ở từng phần, từng việc một, cả trong quản trị nội bộ lẫn trong các giao dịch với đối tác bên ngoài. 

Theo ông Hưng, cũng không nhất thiết đầu tư một nguồn lực lớn, tài chính lớn để làm việc đó, trong khi giá thành các sản phẩm, giải pháp thì đang ngày càng rẻ hơn. 

Cơ hội đang dành cho mọi người, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn và cho mỗi cá nhân trong việc sử dụng big data, machine learning để phân tích hành vi thói quen khách hàng... để có xác định các sản phẩm phù hợp. 

Theo ông Warren Commack, Giám đốc sáng tạo của ngân hàng VIB, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt và có cơ hội tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Ông Commack nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước đi đầu trong làn sóng tiếp theo của cuộc cách mạng công nghiệp này.

Cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đã tập trung vào công nghệ cao và hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tiếp tục phát triển để hỗ trợ loại hình kinh doanh này. 

Ông cho rằng điển hình hiện tại về ứng dụng FinTech thành công sẽ khuyến khích và là động lực để người khác làm theo. 

Việt Nam có cơ hội để vượt lên các nước khác bằng cách học hỏi từ các thực tiễn tốt nhất trên thế giới để thiết lập nền tảng phù hợp trong đó nó có thể đẩy nhanh việc sử dụng Fintech.

Chia sẻ thực tế tại VIB, ông Commack cho biết ngân hàng này tin rằng công nghệ là một trong những động lực chính giúp chúng tôi đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng sáng tạo và tập trung vào khách hàng. 

VIB đã đầu tư nhiều vào nền tảng công nghệ và phát triển những sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng kỹ thuật số một cách tối ưu cho khách hàng. Ông Commack cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ. 

"Chúng tôi cũng nhận thấy có giá trị khi hợp tác với Fintech - những người đã phát triển các dịch vụ cung cấp những thứ mà VIB không thể tự vận hành", ông Commack cho biết.
Theo VnEconomy 
http://vneconomy.vn/ngan-hang/so-hoa-dich-vu-ngan-hang-co-hoi-song-con-20170519090258483.htm