Kinh tế

Sợ hậu quả chiến tranh thương mại, nhiều công ty lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc

VietTimes -- Cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra đã 3 tháng, ảnh hưởng của nó đối với Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ. Một số công ty Trung Quốc và công ty nước ngoài ở nước này đã và đang có kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Sự việc mới nhất đang gây xôn xao giới kinh doanh và truyền thông quốc tế là việc Công ty Goertek Trung Quốc – hãng cung cấp linh, phụ kiện chủ yếu cho Apple đã quyết định chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Theo tạp chí Nhật Nikkei Asian Review, Goertek Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện đầu tiên của Apple xác nhận chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh bị sa lầy vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang.

Goertek cung cấp linh, phụ kiện chủ yếu là tai nghe không dây AirPods. Công ty này đã dự định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất loại phụ kiện này sang Việt Nam. Đồng thời, hai hãng cung ứng phụ kiện điện thoại thông minh cho Apple khác của Đài Loan là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry cũng đang xem xét mở rộng việc sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, nguyên nhân cũng là để tránh mức thuế quan gia tăng bởi chiến tranh thương mại.

Dây chuyền sản xuất tai nghe cho Apple tại Trung Quốc.
 Dây chuyền sản xuất tai nghe cho Apple tại Trung Quốc.

Một nguồn thạo tin trong chuỗi cung ứng cho Nikkei Asian Review biết, Goertek Trung Quốc có trụ sở tại Duy Phường, Sơn Đông đã yêu cầu các nhà sản xuất tham gia vào việc chế tạo AirPods phải xác nhận việc di chuyển tới Việt Nam các vật liệu và thiết bị trước cuối tuần này. Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra vì Goertek Trung Quốc phải thảo luận thêm với Apple, nhưng Apple cũng đã biết về kế hoạch này. Goertek Trung Quốc hy vọng các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng vẫn giữ được giá thành sản xuất như trong hợp đồng và giao hàng đúng thời hạn như đã thỏa thuận trước đây.

Được biết, từ cuối năm 2016 đến năm 2017, Công ty Apple đã tiêu thụ khoảng 20 triệu bộ tai nghe không dây Airpods, người trong giới dự đoán năm nay con số này sẽ tăng lên thành 28 triệu bộ. Theo tiết lộ của giới thạo tin trong nghề, trước cuối năm nay Apple sẽ tung ra loại AirPods mới.

Bắt đầu từ \24.9, chính phủ của ông Donald Trump quyết định tăng thuế 10% đối với 200 tỷ hàng hóa nhập của Trung Quốc. Lúc đầu, AirPods, Apple Watch và thiết bị khuếch âm thông minh HomePod cũng bị liệt vào danh sách sản phẩm bị tăng thuế, nhưng cuối cùng đã được đưa khỏi danh sách. Các nhân sĩ trong giới nói, các nhà cung ứng lo ngại nếu ông Trump tiến hành tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại thì tình hình thuế quan sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Công ty Đài Loan Cheng Uei Precision Industry, nhà cung cấp bộ sạc và dây kết nối cho Iphone và điện thoại thông minh Android cũng cho biết, do cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, họ đang xem xét di chuyển các dây chuyền sản xuất về Đài Loan và tới các nước Đông Nam Á. Ông Quách Đài Cường (T.C. Guo), Chủ tịch Cheng Uei nói: “Chúng tôi đang xem xét tăng thêm năng lực sản xuất của nhà máy đặt ở Tân Bắc (Đài Loan). Việc này không mất nhiều thời gian lắm, có thể hoàn thành sau 2 tháng”.

Tập đoàn này cũng đang xem xét, đánh giá các cơ sở ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines. “So với các thị trường mới nổi, chuỗi cung ứng ở các nơi đó phát triển và giá lao động cũng rẻ” – Ông Quách giải thích.

Pegatron – hãng cung ứng linh phụ kiện  lớn thứ hai cho điện thoại Iphone chỉ sau Foxcon cũng đang xem xét vị trí đặt nhà máy mới ở Đài Loan để tránh giá thành tăng cao do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Sau 3 tháng, chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng rõ rết đến kinh tế Trung Quốc, nhiều công ty của Trung Quốc và nước ngoài đã và đang chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này
Sau 3 tháng, chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng rõ rết đến kinh tế Trung Quốc, nhiều công ty của Trung Quốc và nước ngoài đã và đang chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này

Một nhà cung ứng khác cho Apple là Công ty Compal Electronics, Inc của Đài Loan cách đây ít lâu cũng cho biết, họ đã cho người sang Việt Nam khảo sát xem xét việc đặt dây chuyền sản xuất ở đây. Nếu thành công thì dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất sau từ 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, quyết định chỉ được đưa ra vào quý 4. Cũng có chủ doanh nghiệp Đài Loan lo ngại sau khi chuyển nhà máy sang Việt Nam trong thời gian ngắn sẽ xuất hiện vấn đề thiếu lao động.

Một nhà phân tích Hồng kông nói: “Nếu Trung Quốc định tiến hành trả đũa đối với công ty Mỹ thì Apple sẽ là mục tiêu nổi bật nhất.Với việc chiến tranh thương mại tiếp tục nóng lên, Apple và các hãng cung ứng rõ ràng đứng trước mối nguy hiểm không biết trước về chính trị”.

Người này cho rằng, Goertek quyết định tránh xa ngọn lửa của cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung phản ảnh Apple và các hãng cung ứng của nó đang lâm vào tình thế khó khăn. Ông Trump trước đây đã từng điểm danh Apple, nhắc nhở họ cần chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là căn cứ sản xuất quan trọng nhất của Apple, mà chiếm 20% thu nhập trên thị trường của họ. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng nói thẳng “Apple sẽ trở thành thứ để Trung Quốc mặc cả với Mỹ”. Có nhà phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc lựa chọn Apple là mục tiêu thì họ sẽ là công ty bị thua thiệt lớn nhất trong cuộc chiến mậu dịch. Sau khi ông Trump đe dọa vòng tiếp theo sẽ tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhiều hãng cung ứng lo ngại cuối cùng họ cũng sẽ không thoát.

Ngoài các hãng cung ứng của Apple nêu trên, các công ty SK Hynix Semiconductor Inc của Hàn Quốc, Toshiba và Mitsubishi Electric của Nhật hồi tháng 7 cũng đã lập kế hoạch di chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc.