Singapore đưa ra dự thảo luật chống lại tin tức sai lệch trên internet

VietTimes -- Ngày 1/4 vừa qua, Singapore đã đưa ra một dự thảo luật nhằm chống lại các thông tin giả mạo hoặc sai lệch trên internet. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng các dự luật này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.

Dự luật có tên gọi là “Bảo vệ người dùng trước sự thao túng và sai phạm của mạng trực tuyến”. Một trong những nội dung quan trọng của nó là đưa ra các biện pháp yêu cầu các trang web phải tiến hành sửa chữa những thông tin sai lầm về Hồi giáo, nếu không đảm bảo được điều này, các trang web sẽ bị phạt tiền.

Các nhà báo làm việc trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Singapore vào năm ngoái. Ảnh: NYTimes
Các nhà báo đưa tin về Hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Singapore năm 2018. Ảnh: NYTimes

Dự luật được dự kiến sẽ chính thức được thực thi trong vài tuần tới. Nó được Đảng Nhân dân Hành động do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đứng đầu hậu thuẫn.


Mục đích của dự luật này là nhắm vào sự giả dối, sai lệch trong thông tin mạng chứ không phải tự do ngôn luận”, Bộ Tư pháp Singapore nhấn mạnh. Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền lại cho rằng dự luật này nếu được thông qua sẽ trao cho chính phủ quá nhiều quyền hạn trong việc quyết định thông tin trên mạng là đúng hay sai.

Kirsten Han, một nhà báo đồng thời cũng là một nhà hoạt động nhân quyền đã miêu tả về sự kiện này như là một “dự luật đáng lo ngại”. Han cho rằng dự luật này sẽ cung cấp cho các Bộ trưởng nhiều quyền hành trong việc quyết định và phán xét các thông tin mạng. Bất cứ Bộ trưởng nào cũng có thể chỉ đạo các cá nhân hoặc trang web đăng bài chỉnh sửa các nội dung mà họ đã viết thậm chí yêu cầu gỡ bỏ nội dung hoặc chặn nội dung truy cập ngay trước khi có phán xét của tòa án.

Các nhà dự thảo luật cho biết các điều luật chỉ áp dụng đối với các thông tin sai lệch. Các ý kiến, chỉ trích hay châm biếm không bao gồm trong dự luật này. Theo dự thảo của dự luật, các hình phạt đối với một số hành vi vi phạm có thể bao gồm khoản tiền phạt lên tới 4.000 SGD và án phạt tù tới sáu năm cho các cá nhân, hoặc phạt tiền lên tới khoảng 738.000 SGD trong bất kỳ trường hợp nào khác.

Các nhà phê bình cho rằng dự luật có thể khiến hàng loạt các nhà xuất bản trực tuyến gặp nguy hiểm về mặt pháp lý ở Singapore, bao gồm các tổ chức truyền thông nước ngoài.

Ảnh: The Epoch Times
Các đạo luật chống lại tin tức sai lệch đã được một số quốc gia thực thi. Ảnh: The Epoch Times

Các đạo luật chống lại thông tin sai lệch trên mạng đã được đưa ra ở nhiều nước. Trước đó, Nga và Hàn Quốc cũng đã bổ sung các điều khoản chống lại tin tức giả trong luật pháp của họ. Mới đây việc kiểm duyêt chặt chẽ các nội dung trực tuyến cũng được đưa ra thảo luận ở Úc và New Zealand. EU cũng mới thông qua một dự luật chống lại tin giả, tin xấu độc.

Ngay khi tuyên bố được đưa ra hôm thứ 2, người phát ngôn của Google và Twitter cho biết công ty vẫn đang xem xét nội dung của dự luật. 

Tin giả, tin sai lệch là một trong những thách thức lớn mà chúng tôi đang nỗ lực giải quyết”, phát ngôn viên của Google cho biết.

Trong một động thái liên quan, Jeff Paine - Giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á - có các thành viên bao gồm Amazon, Apple, Facebook, Google, Twitter và các công ty công nghệ khác cho biết nhóm ủng hộ những nỗ lực của Singapore để bảo vệ sự hài hòa, gắn kết xã hội, tính toàn vẹn của thể chế và sự ổn định chính trị của đất nước.

Theo NYTimes