Gần đây, báo chí Mỹ nhấn mạnh những vũ khí trang bị công nghệ cao của quân đội Mỹ bị lệ thuộc vào Trung Quốc, vì vậy sức mạnh quân sự của Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa “đất hiếm”.
Tuy nhiên, trang tin Sina Trung Quốc ngày 18/10 cho rằng quân đội Mỹ đang “giả bộ hồ đồ”, giữ đồ trong nhà nhưng lại bảo là không có, muốn có được đồ của người khác.
Theo Sina, nguyên tố đất hiếm đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như dầu mỏ, hóa chất, luyện kim, dệt may, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu từ tính vĩnh cửu.
Trong lĩnh vực quân sự, đất hiếm có thể nâng cao rất lớn tính năng chiến thuật của vật liệu thép, hợp kim nhôm, hợp kim Ma-giê, hợp kim Ti-tan dùng để chế tạo xe tăng, máy bay, tên lửa.
Hơn nữa, đất hiếm cũng là “chất xúc tác” của rất nhiều ngành khoa học công nghệ cao như điện tử, laser, công nghiệp hạt nhân, siêu dẫn. Sau khi đất hiếm được sử dụng, khoa học công nghệ quân sự đã được nâng lên rất lớn.
Với ý nghĩa nhất định, ưu thế áp đảo của quân đội Mỹ trong một số cuộc chiến tranh cục bộ sau Chiến tranh Lạnh có nguồn gốc từ việc Mỹ “hơn người” trong lĩnh vực khoa học công nghệ đất hiếm.
Trong chiến tranh vùng Vịnh, xe tăng M1 của Mỹ có thể phát hiện địch trước là do đã trang bị máy đo khoảng cách và thiết bị nhìn đêm – những thiết bị này đều sử dụng đất hiếm.
Chức năng tuần tra siêu âm của máy bay chiến đấu F-22 Mỹ là do nó đã được sử dụng rất nhiều vật liệu đặc chủng vào chế tạo động cơ và thân máy bay, dựa vào khoa học công nghệ đất hiếm. Trong đó thân máy bay F-22 sử dụng hợp kim Ma-giê và Ti-tan.
Trong các vũ khí trang bị của hải quân, nguyên tố Re có thể tăng cường rất lớn hợp kim Ti-tan, thứ này dùng để chế tạo tàu ngầm hợp kim có tốc độ rất cao và lặn sâu khá lớn.
Các tàu ngầm lớp Alpha, M và S do Liên Xô chế tạo trong thế kỷ trước đều thuộc tàu ngầm hợp kim Ti-tan. Tốc độ thông thường của những tàu ngầm này đạt 40 hải lý/giờ trở lên, lặn sâu đến 400 - 600 m.
Về hàng không vũ trụ, Disulfide với nguyên tố molybdenum (Mo) là chính có thể thích ứng với phóng xạ mạnh của tia vũ trụ và chân không trong vũ trụ, trở thành chất bôi trơn vòng bi, ổ trục không thể thiếu của các loại trang bị hàng không vũ trụ.
Hiện nay, quân đội Mỹ đang ra sức quán triệt chiến lược “đột phá kỹ thuật lần thứ ba”, trọng điểm chính là phát triển công nghệ quân sự mang tính cách mạng có thể “làm thay đổi cục diện chiến tranh tương lai”, từ đó giành lấy địa vị ưu thế tuyệt đối trong cuộc cạnh tranh quân sự nước lớn mới. Trong các nỗ lực này, đất hiếm đóng vai trò rất quan trọng.
Chính vì vậy, báo chí Mỹ vừa qua đã nhấn mạnh nguyên tố đất hiếm đóng vai trò then chốt không thể thay thế đối với ưu thế quân sự của Mỹ.
Theo Sina, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc đứng đầu thế giới, khi nhiều nhất chiếm 71,1% thế giới. Nhưng xuất phát từ sự cân nhắc về kinh tế, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng lớn trong khoảng thời gian rất dài, dẫn đến tỷ lệ chiếm giữ hiện nay khoảng 23% trở xuống.
Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc tụt 37% trong giai đoạn 1996 - 2009, chỉ còn 27 triệu tấn. Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đã đóng vai trò là nhà cung cấp đất hiếm của thế giới, chiếm 80 - 90% lượng hàng hóa đất hiếm. Trong đó 60 - 70% sản phẩm đất hiếm được xuất khẩu ra nước ngoài, kết quả là phải trả giá cho việc phá hoại môi trường tự nhiên và mất đi tài nguyên quý hiếm.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không xem nhẹ khai thác đất hiếm. Ngay từ thập niên 1950 của thế kỷ trước, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đưa khai thác đất hiếm vào quy hoạch phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Năm 1975, Trung Quốc đã thành lập Ban lãnh đạo về đất hiếm, mặc dù cơ quan Quốc vụ viện đã nhiều lần điều chỉnh, nhưng cơ quan quản lý ngành đất hiếm vẫn được giữ nguyên.
Năm 1991, đất hiếm được xếp vào loại khoáng sản được bảo vệ của quốc gia. Nhìn vào chính sách bảo vệ đất hiếm, các cơ quan chuyên môn, chính sách ngành nghề ổn định, sự kiểm soát tổng thể, nhất quán của nhà nước, thì có thể thấy rằng ngành đất hiếm rất được ưu ái, ngành dầu mỏ của Trung Quốc cũng không được đãi ngộ như vậy. Nhưng thành quả phát triển vài chục năm qua của ngành đất hiếm về cơ bản còn dừng lại ở trình độ bán tài nguyên ở mức thấp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ý nghĩa chiến lược quan trọng của nguyên tố đất hiếm đã thu hút sự coi trọng cao của các bên liên quan. Năm 2005, "quặng thô đất hiếm" được đưa vào danh mục cấm xuất khẩu của Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc, từ đó nước ngoài chỉ có thể mua được nguyên liệu đất hiếm đã được gia công, tinh chế.
Cùng năm, thuế xuất khẩu đất hiếm được điều chỉnh lên rất cao, các nước khác muốn mua giá rẻ đã không còn dễ dàng như trước nữa.
Trong khi đó, Mỹ thực ra là nước lớn thứ hai thế giới về tài nguyên đất hiếm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, để bảo vệ những tài nguyên này, Mỹ đã dừng sản xuất đất hiếm của một mỏ lớn nhất của họ vào năm 1998, việc khai thác chất Mo của Mỹ cũng cơ bản chấm dứt, thay thế vào đó là nhập khẩu lượng lớn sản phẩm đất hiếm giá rẻ từ Trung Quốc, không ngừng gia tăng lượng dự trữ đất hiếm của họ.
Ngoài ra, Mỹ còn chiếm lấy nguyên liệu đất hiếm từ các nước khác thông qua hình thức hợp đồng lâu dài. Vì vậy, Mỹ căn bản không tồn tại vấn đề thiếu tài nguyên đất hiếm. Họ chỉ than phiền giá cả đất hiếm tăng mạnh trên thị trường quốc tế do Trung Quốc quyết nắm giữ "bảo vật" trong nhà.
Điều này làm cho chi phí chế tạo các hệ thống vũ khí của Mỹ tăng mạnh. Nó không chỉ tăng thêm gánh nặng cho chi tiêu quân sự của Lầu Năm Góc, mà còn làm cho lợi ích của các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ bị thiệt hại. Điều này khiến cho Mỹ đứng ngồi không yên.