Đây là một trong những nội dung được ông Lê Quang Tự Do -- Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) trao đổi tại buổi thảo luận về "An toàn Thương hiệu trong Thời đại Kinh tế số", vừa diễn ra hôm qua (30/1), do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT tổ chức.
Trong thời đại số, vẫn đề rủi ro liên quan đến thương hiệu không những khiến các doanh nghiệp "méo mặt" mà Chính phủ cũng đau đầu về vấn đề này. Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều thông tin xấu độc được tung lên mạng. Chúng xuất hiện bên cạnh những bài viết, quảng cáo cho doanh nghiệp, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Điều này khiến nhiều nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk, Vietnam Airlines, các ngân hàng, Ford, Yamaha, các doanh nghiệp nhà nước rất bức xúc, vì với hình thức này không khác gì các tập đoàn, doanh nghiệp đang gián tiếp tài trợ cho các tổ chức phản động.
"Một điều đáng tiếc là đến nay năm 2018 Google vẫn chưa tìm ra giải pháp triệt để do Trí thông minh nhân tạo của Google không thông minh bằng trí tuệ con người", ông Lê Quang Tự Do cho biết. Khi Google tăng cường bộ lọc thì những kẻ đăng video xấu, độc lại tìm ra chiêu ứng phó.
Lập danh sách White List và Black List
Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong tháng 1 này, Cục sẽ tiến hành triển khai lập danh sách kênh sạch (White List) và danh sách kênh xấu độc (Black List) cho YouTube.
Theo đó, Bộ TT&TT khuyến khích những người sản xuất video trên Youtube (các kênh YouTube), hưởng thu nhập từ quảng cáo đăng ký với Bộ. Từ đó, Bộ sẽ đưa ra một danh sách các kênh uy tín trên YouTube. Có thể hiểu rằng đây chính là công tác tiền kiểm thay vì kiểm duyệt sau khi video đã đăng tải như cách mà YouTube đang áp dụng.
Hiện, theo thống kê, cứ 1 phút có 400.000 clip được đăng tải, toàn cầu có 350 triệu kênh YouTube. Việt Nam có 78 nghìn kênh YouTube, mỗi phút có 400 giờ video được tung lên mạng, một tháng họ sản xuất ra 4 tỷ phút video. Theo đặc thù của mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản và đăng bất cứ thứ gì lên. Với đặc điểm này, việc đẩy mạnh công tác “tiền kiểm” sẽ có hiệu quả hơn là là tập trung vào công tác “hậu kiểm” như trước đây.
Bên cạnh giải pháp trên, ông Lê Quang Tự Do cũng nêu ra 3 thiếu sót lớn của hệ thống pháp luật hiện tại. Thứ nhất là việc thẩm định nội dụng quảng cáo trên mạng xã hội. Thứ hai, vị trí hiển thị các quảng cáo chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba, mức chế tài xử phạt quá thấp chưa đủ sức răn đe.
Ông Tự Do bày tỏ mong muốn làm sao để người dân có thể tiếp cận được với các thành tựu của nhân loại như Google, Facebook. Tuy nhiên, ông nói: "Không thể để họ kiếm tiền một cách bất chấp như vậy".
Với Facebook, ông Lê Quang Tự Do cho biết, mạng xã hội này đang quảng cáo bất chấp quy định pháp luật của Việt Nam. Bất cứ nội dung nào từ quảng cáo vũ khí, buôn bán động vật hoang dã, các quảng cáo xúc phạm đến doanh nghiệp, cá nhân… đều được xuất hiện trên Facebook.
Các quảng cáo bất hợp pháp trên Facebook thậm chí còn khó phát hiện hơn YouTube do các chiến dịch quảng cáo chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định và xuất hiện trên bảng tin (News Feed) của một nhóm đối tượng xác định theo thiết lập của bên đăng quảng cáo.
Để tìm tiếng nói chung, vừa qua Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với đại diện Facebook. Theo đó, Cục gửi 400 tài khoản kinh doanh buôn bán, quảng cáo mặt hàng giả, hàng cấm thì Facebook cũng xóa được khoảng 70%.