Sau phán quyết Biển Đông, báo Trung Quốc nói muốn “kiên trì tư duy song song“

VietTimes -- Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/7 cho biết một cuộc hội thảo về vấn đề Biển Đông và hợp tác khu vực đã tổ chức ở Singapore vào ngày 18/7. 
Tuyên bố chủ quyền phi pháp "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự ý vẽ, đòi hỏi với phần lớn diện tích Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực quốc tế bác bỏ ngày 12/7/2016.
Tuyên bố chủ quyền phi pháp "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự ý vẽ, đòi hỏi với phần lớn diện tích Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực quốc tế bác bỏ ngày 12/7/2016.

Tham dự hội thảo có nhiều học giả nổi tiếng Đông Nam Á và học giả Trung Quốc.

Các học giả này đã thảo luận về các vấn đề như "cơ chế giải quyết tranh chấp Biển Đông", "con đường giải quyết tranh chấp Biển Đông" và "hợp tác và phát triển khu vực Biển Đông".

Theo thói quen của truyền thông Trung Quốc, bài báo này tiếp tục ra sức đổ lỗi cho Mỹ và Philippines liên quan đến vụ kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài (thành lập theo Phục lục VII UNCLOS 1982), sau khi tòa án quốc tế này đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7, phủ định hoàn toàn yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhân Dân nhật báo đổ lỗi cho Mỹ đứng sau thao túng vụ kiện, trong khi Philippines tiến hành vụ kiện là có "mục đích xấu xa". 

Bài báo kể lại việc Trung Quốc và Philippines đã đạt được đồng thuận song phương về cách thức quản lý, kiểm soát tranh chấp. 

Từ đó chỉ trích việc Philippines đơn phương đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài, coi hành động hợp pháp này của Philippines là "bội tín", đi ngược lại nguyên tắc "giao hẹn rồi thì phải tuân thủ" mà luật pháp quốc tế nhấn mạnh.

Bài báo dẫn quan điểm của một học giả Thái Lan đưa ra những phát biểu có vẻ thân Bắc Kinh, trong đó có đặt vấn đề "tại sao Philippines không triển khai tham vấn, đàm phán trước với Trung Quốc?". Do đó, mục đích tuyên truyền của bài báo đã quá rõ. 

Tuy nhiên, không rõ báo Trung Quốc viết như vậy có đúng sự thật hay không, bởi vì trên báo chí Trung Quốc có rất nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt đến mức trắng trợn, không hề xấu hổ, nhất là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã tỏ thái độ vô cùng tức giận, lập tức đưa ra một loạt tuyên bố được chuẩn bị sẵn từ trước, thậm chí công bố sách trắng về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. 

Một cuộc họp báo công bố sách trắng do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và phát ngôn viên Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc chủ trì đã đưa ra những phát ngôn được cho là không mang tính ngoại giao, thậm chí có những ngôn từ được dư luận Hồng Kông cho là thiếu “văn hóa”, đặc biệt là những ngôn từ ra sức bôi đen phẩm chất, nhân cách các trọng tài viên của Tòa trọng tài.


Trung Quốc cần phải hiểu và chấp nhận vai trò của Tòa trọng tài, bởi tòa này được thành lập theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nên quyền phân xử của nó là hợp pháp. Phán quyết của Tòa trọng tài là hợp pháp, được cộng đồng quốc tế tôn trọng, các bên tranh chấp cần phải tuân thủ.

Nhân Dân nhật báo còn cho hay Trung Quốc luôn kiên trì lấy "tư duy song song" để xử lý vấn đề Biển Đông, bảo vệ “đại cục” hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Nội dung của cái gọi là "tư duy song song" này bao gồm: Một là các tranh chấp cụ thể ở Biển Đông do các nước đương sự giải quyết hòa bình bằng "đàm phán, hiệp thương" (song phương) trên cơ sở tôn trọng "sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế". 

Hai là hòa bình và ổn định của Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng "bảo vệ".

Trong cái “tư duy song song” này, thực chất là Trung Quốc vẫn muốn đàm phán song phương với từng nước trong tranh chấp Biển Đông. Điều này không phù hợp với một số tranh chấp. Ngoài ra, “sự thực lịch sử” ở đây chính là do Bắc Kinh nhào nặn, chẳng hạn sự thực “đường chín đoạn” vẽ xăng vào thập niên 1940.

Bài báo cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. ASEAN luôn cam kết giữ lập trường “trung lập” trong vấn đề Biển Đông, “không can thiệp vào tranh chấp cụ thể”. Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN đi con đường "hợp tác cùng thắng".