Công nghệ xe tự lái đang là một mảng công nghiệp đầy tiềm năng mà rất nhiều hãng ô tô đang hướng tới. Và Ford nằm trong nhóm dẫn đầu về công nghệ xe tự lái vì hãng Mỹ có những đầu tư đáng kể vào công nghệ này cũng như những khoản đầu tư khác vào những công ty như Civil Maps, SAIPS, Velodyne và Chariot - đều là những công ty đang nghiên cứu trong lĩnh vực xe tự lái.
Ngoài việc đang đầu tư mạnh vào các phương tiện tự lái, Ford còn tự phân chia bộ phận xe tự trị của mình thành một công ty riêng. Khoản tiền 700 triệu USD mà Ford dùng cho nhà máy Flat Rock ở Michigan giúp hãng có những bước chuẩn bị đầu tiên khi khởi động dây chuyền sản xuất xe tự lái cấp độ 4.
Đặc biệt, Ford đã đăng ký hai bằng sáng chế cho một hệ thống xe tự lái, cho phép người dùng điều khiển xe ô tô từ xa bằng cách sử dụng điện thoại thông minh.
Nếu người dùng chọn ứng dụng đầu tiên, Ford sẽ hiển thị một tay lái ảo trên màn hình và người dùng có thể điều khiển bằng ngón tay của mình (như chiếc BMW 'tương lai' của Pierce Brosnan trong Tomorrow Never Dies). Nếu người dùng chọn ứng dụng thứ hai thì có thể xoay bánh xe bằng cách nghiêng bánh xe sang phải hoặc sang trái.
Dù người dùng chọn ứng dụng nào thì chiếc xe vẫn có thể tự di chuyển và phanh. Chủ nhân của chiếc xe có thể điều khiển hướng của xe - điều này có thể thuận tiện cho việc lái xe ở những nơi không đủ ánh sáng.
Trước đó vào năm 2017, Ford cũng đưa công nghệ tự lái vào các xe off-road. Ý tưởng ứng dụng công nghệ tự lái trên các mẫu xe off-road của Ford đã được cấp bằng sáng chế công nhận chính thức.
Trước tiên hệ thống sẽ xác định khả năng vượt qua chướng ngại vật trên các cung đường off-road của phương tiện. Khả năng này được xác định thông qua một cảm biến phát hiện chướng ngại vật và sau đó gửi tín hiệu tới bộ phận xử lý.
Nếu cung đường phía trước đủ an toàn để đi qua, bộ phận xử lý sẽ kiểm soát hệ thống treo chủ động của xe để hoàn thành thử thách. Nó cũng có thể gửi cảnh báo nguy hiểm nếu như xác định phương tiện không thể vượt qua các chướng ngại và nên dừng lại.
Hệ thống tự động cho phép phương tiện nhận diện nhiều loại chướng ngại vật khác nhau. Ví dụ, nếu hệ thống phát hiện các tảng đá lớn, nó sẽ điều chỉnh hệ thống treo để thích hợp với chế độ trườn bò. Một số ví dụ khác như chế độ lái chống trượt và chế độ lái qua mương. Hệ thống thậm chí có thể kết hợp nhiều chế độ lái khác nhau cùng lúc, phụ thuộc vào bề mặt cung đường mà phương tiện phải vượt qua.
Để đảm bảo an toàn, hệ thống sẽ xem xét một loạt các yếu tố rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định độ an toàn của cung đường phía trước, bao gồm trường hợp xe bị lật, bị trượt trên đường hay mất kiểm soát lái.
Nếu các rủi ro tiềm ẩn thấp hơn ngưỡng tối đa cho phép và ở mức trung bình, hệ thống sẽ xác định an toàn khi vượt qua chướng ngại vật để lái xe có thể vượt qua với chế độ tự lái. Hệ thống cũng sẽ yêu cầu hành khách rời khỏi xe trước khi xe vượt qua cung đường hiểm trở.
Trong trường hợp rủi ro cao, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái con đường khác để đi.
Hệ thống có thể sử dụng công nghệ lidar (công nghệ định vị bằng tia laze giúp nhận diện ánh sáng và khoảng cách), ra-đa, camera và cảm biến bằng sóng siêu âm cũng như dữ liệu bản đồ để xác định các trở ngại trên đường.
Ngoài ra, chiếc xe cũng có thể được điều khiển thông qua thiết bị điều khiển từ xa.
Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo
http://www.sohuutritue.net.vn/sang-che-moi-cua-ford-cho-phep-dieu-khien-xe-o-to-bang-dien-thoai-thong-minh-d37291.html