Đây là mục tiêu đầy thách thức đối với Tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu Hàn Quốc vì theo các chuyên gia, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn từ những cam kết khiêm tốn của quốc gia này về chống biến đổi khí hậu.
Tập đoàn Samsung Hàn Quốc là nhà sản xuất chip bộ nhớ máy tính và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là công ty tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai sau Walmart trong số hàng trăm công ty toàn cầu tham gia chiến dịch "RE100" để sử dụng 100% điện năng từ những nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hoặc điện trời.
Ngày 16/9, khi công bố mục tiêu hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch, công ty cho biết đặt mục tiêu đạt được mức phát thải carbon bằng 0 trong sản xuất các bộ phận thiết bị di động, truyền hình và điện tử tiêu dùng vào năm 2030 và trên tất cả các hoạt động kinh doanh, sản xuất toàn cầu, bao gồm cả chất bán dẫn vào năm 2050.
Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 7 nghìn tỷ won (5 tỷ USD) cho đến năm 2030 vào các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ các quy trình công nghiệp, kiểm soát và tái chế chất thải điện tử, bảo tồn nước và giảm thiểu chất ô nhiễm. Tập đoàn cũng có kế hoạch phát triển những công nghệ mới nhằm giảm tiêu thụ điện năng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng và trung tâm dữ liệu, đòi hỏi phải có chip vi xử lý bộ nhớ hiệu quả hơn. Samsung cũng đặt ra các mục tiêu dài hạn nhằm giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng và hậu cần.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Jong-Hee Han, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Samsung khẳng định: "Samsung đang ứng phó với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng một kế hoạch toàn diện bao gồm giảm lượng khí thải, thực hiện các quy trình bền vững mới, phát triển các công nghệ sáng tạo và sản phẩm hiệu quả cao cho hành tinh của chúng ta",.
Kế hoạch của Samsung đã thu hút sự tán thưởng và ủng hộ mạnh mẽ từ một số nhà đầu tư, trong đó có nhà quản lý quỹ hưu trí người Hà Lan APG. Các nhà đầu tư đều cho rằng, công ty có thể có "đóng góp đáng kể" trong việc làm sạch thị trường điện của Hàn Quốc trên cơ sở vị thế, tác động và ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế quốc gia.
Khách tham quan dùng thử điện thoại thông minh Samsung Electronics Galaxy trong Triển lãm CNTT Thế giới 2022 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20/4/2022. Ảnh: AP Photo / Ahn Young-joon, |
Sam Kimmins, giám đốc năng lượng và là lãnh đạo RE100 tại Nhóm Khí hậu có trụ sở tại London, dẫn đầu trong Sáng kiến điện sạch, cho biết cam kết của Samsung gửi một thông điệp đến những doanh nghiệp khác trên thị trường rằng "có thể và rất quan trọng chuyển sang 100 % điện sạch và điện tái tạo. "
Tuy nhiên, APG bày tỏ lo ngại về vấn đề, thông báo của Samsung được đưa ra vào thời điểm Hàn Quốc đang từ bỏ các mục tiêu về biến đổi khí hậu của quốc gia.
Chính phủ bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol, nhậm chức vào tháng 5 tập trung phần lớn chính sách năng lượng vào việc thúc đẩy sản xuất điện từ hạt nhân. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, chính phủ của ông Yoon cũng chỉ ra sự miễn cưỡng trong việc đất nước có kế hoạch giảm mạnh sự phụ thuộc vào than và khí đốt, tạo ra khoảng 65% điện năng của Hàn Quốc.
Hàn Quốc có 7,5% sản lượng điện từ các nguồn tái tạo tính trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 30% của các quốc gia giàu có trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Chính phủ của tổng thống Yoon Suk Yeol gần đây đã điều chỉnh mục tiêu năng lượng tái tạo của đất nước xuống 21% trong tổng năng lượng hỗn hợp năm 2030, giảm 30% mục tiêu mà tổng thống tiền nhiệm Moon Jae-in công bố.
Samsung thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi sang các nguồn điện tái tạo trong nước so với các hoạt động kinh doanh sản xuất ở nước ngoài, nơi công ty đặt mục tiêu đạt được 100% năng lượng sạch vào năm 2027. Hãng cho biết, nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ở Hàn Quốc "bắt đầu mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế", trong khi nhu cầu điện của quốc gia này tiếp tục tăng khi thúc đẩy các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn trong nước hoạt động mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
"Là một nhà đầu tư lâu dài tại Hàn Quốc, chúng tôi rất quan ngại, chính phủ sẽ có kế hoạch nào để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điện sạch của ngành bán dẫn trong tầm nhìn lâu dài?", Yoo-Kyung Park, nhà lãnh đạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương của APG về quản trị và đầu tư có trách nhiệm cho biết trong một tuyên bố.
Samsung, doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng phải làm nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải carbon trong kinh doanh sản xuất vì đang tụt hậu so với một số công ty cùng ngành trong các cam kết về khí hậu. Trong những công ty đó là Apple, khách hàng lớn mua chip của Samsung, tham gia RE100 vào năm 2016 và có kế hoạch trung hòa carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất và kinh doanh của mình vào năm 2030. Kế hoạch của Apple đang gây áp lực nặng nề lên các nhà cung cấp để đáp ứng yêu cầu này.
Samsung là viên ngọc quý của nền kinh tế Hàn Quốc, định hướng vào xuất khẩu trên cơ sở sản xuất các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn, ô tô, màn hình hiển thị các loại, điện thoại di động và tàu thủy, những ngành có xu hướng tiêu thụ năng lượng cao.
Năm 2021, Samsung đã sử dụng đến 25,8 terawatt giờ điện cho các hoạt động kinh doanh sản xuất, gần gấp đôi lượng tiêu thụ của tất cả các hộ gia đình ở thủ đô Seoul và vượt trội hơn những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ toàn cầu như Google, Apple, Meta, Intel và Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan Công ty.
Ông Ousam Jin thuộc tổ chức Quỹ Năng lượng Tái tạo Doanh nghiệp có trụ sở tại Seoul cho biết, việc Samsung đặt mục tiêu hướng tới sử dụng điện sạch có thể tạo ra những tác động lớn trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy các công ty hậu cần tăng cường cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho doanh nghiệp chủ lực này. Ông nói: “Cam kết RE100 của Samsung gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường năng lượng tái tạo và các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện lớn của công ty.”
Theo TechXplore