Sặc hạt điều, bé trai bị tắc thở dẫn đến suy hô hấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi đang nằm chơi với bố mẹ, bé trai 2 tuổi bất ngờ ho sặc sụa, tím tái, khó thở vì sặc hạt điều.
Bác sĩ nội soi, lấy dị vật đường thở cho bé (Ảnh - BVCC)
Bác sĩ nội soi, lấy dị vật đường thở cho bé (Ảnh - BVCC)

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bé T., 2 tuổi vào viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy. Trước đó, khi đang nằm chơi với bố mẹ, bé T. đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Bé được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa, các bác phát hiện trẻ có hội chứng xâm nhập, phổi trái kém thông khí kèm tình trạng ứ Co2. Trên phim chụp X-quang phổi cho thấy bé bị ứ khí phổi trái. Vì thế, các bác sĩ nghĩ đến khả năng trẻ bị dị vật đường thở và đã tiến hành hội chẩn liên khoa điều trị tích cực, nội soi hô hấp để đưa ra hướng xử trí cho bé. Sau đó, bé được nội soi phế quản. Trong quá trình làm thủ thuật các bác sĩ phát hiện miếng hạt điều nhỏ ở cuối phế quản gốc trái và đã gắp ra thành công.

TS.BS. Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa – cho biết: dị vật hạt điều không chỉ gây tắc nghẽn đường thở, giảm thông khí ứ Co2, giảm oxy máu mà còn chứa tinh dầu gây viêm phổi do có hóa chất. “Chúng tôi đã điều trị viêm phổi, nhiễm trùng và chống phù nề đường thở cho cháu bé. 2 ngày sau tình trạng trẻ ổn định, được cai máy thở. Hiện, bé đã hồi phục gần như hoàn toàn” - Bác sĩ Tuấn cho biết.

Từ trường hợp của bé T. các bác sĩ khuyến cáo: Những dị vật với kích thước lớn có thể gây suy hô hấp cấp, thiếu oxy não. Các dị vật kích thước nhỏ khi xâm nhập vào cơ thể và không được phát hiện ra và gắp bỏ có thể gây viêm phổi tái diễn nhiều lần.

Do đó, để đề phòng các tai nạn cho trẻ em trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trẻ bị dị vật đường thở, bên cạnh việc thường xuyên quan sát trẻ, cha mẹ cần chú ý không đeo trên người trẻ các vòng hạt, vật sắc nhọn (kim băng, ghim..), cho trẻ tự ăn các hạt, hoa quả có hạt (cần loại bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn), không cho trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ cầm chơi các đồ chơi hình thù tròn nhỏ vì trẻ có thể đưa vào miệng gây dị vật đường thở.

Với trẻ lớn hơn trong độ tuổi mẫu giáo, gia đình và cô giáo cần giáo dục, hướng dẫn trẻ không chạy nhảy, vận động mạnh trong khi ăn uống để tránh sặc thức ăn vào đường thở có thể gây nguy hiểm tính mạng.