Với sự cố máy bay trinh sát Il-20 bị bắn rơi trên Địa Trung Hải vào ngày 17.9 mà Moscow cho rằng là lỗi của Israel, Nga đã chuyển hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho quân chính phủ Syria vào đầu tháng 10 (theo EDM ngày 27.9 và 9.10). Tuy nhiên, lý do thật sự Nga tặng miễn phí hệ thống phòng không tiên tiến cho quân đội Syria một cách công khai để đáp trả lại sự cố diễn ra vào ngày 17.9 che giấu nhiều vấn đề sâu hơn cũng như động cơ thật sự của Moscow (theo Nezavisimoye Voyennoye Obozreniye ngày 3.10).
Những hệ thống như vậy cùng với vai trò phòng không của nó là một phần trong tổng thể năng lực tấn công của quân đội Nga, gắn với một lớp phòng không và chứa đựng những yếu tố quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận - chống xâm nhập của Nga. Có tầm quan trọng ngày càng cao trong những hệ thống tấn công chính xác trong sự hiện đại hóa quân đội của Nga, chúng cung cấp những lựa chọn và khả năng sử dụng cho các nhà hoạch định của Bộ Tham mưu, từ việc bảo vệ lực lượng như đã được chứng kiến tại Syria tới việc thực hiện các chiến dịch tấn công, hay đe dọa sử dụng chúng để ép buộc đối thủ hoặc để gửi đi những tín hiệu chiến lược (theo EDM ngày 2.10).
Thoạt đầu, Nga có vẻ e ngại việc chuyển giao những hệ thống S-300 cho quân đội Syria. Vào ngày 2.10, theo ý định chuyển giao được tuyên bố trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo cho tổng thống Putin việc triển khai đã hoàn toàn thành công. Nga thông báo đã chuyển 3 tiểu đoàn S-300PM cho quân đội Syria bằng máy bay vận chuyển An-124 vào ngày 1.10 (theo Interfax ngày 8.10).
Mỗi tiểu đoàn S-300PM có 8 thiết bị phóng. Thỏa thuận đầu tiên giữa Moscow và Damascus về việc cung cấp hệ thống S-300 cho quân đội Syria được ký từ năm 2010 nhưng sau đó bị hoãn lại. Nhưng sau sự cố máy bay trinh sát Nga bị quân đội Syria bắn rơi (Nga cho rằng lỗi thuộc về Không quân Israel đang tác chiến trong khu vực), Moscow đã khôi phục lại thỏa thuận và quyết định chuyển giao miễn phí cho Syria hệ thống này.
Những chi tiết của sự kiện rõ nét hơn vào ngày 9.10 khi TASS thông báo các thiết bị đã được chuyển giao từ những trung đoàn tên lửa phòng không đã được tái vũ trang với hệ thống S-400 hiện đại hơn (Theo TASS, RIA Novosti ngày 9.10). Ông Shoigu cũng tuyên bố cho tới 20.10, một hệ thống thống nhất liên hợp phòng không của Syria sẽ vận hành bên cạnh phòng không Nga trong 3 tháng để Nga có thể huấn luyện các sĩ quan của Syria vận hành S-300PM (theo Kommersant ngày 8.10).
Nhưng có rất nhiều kẽ hở trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về những thiết bị được chuyển giao liên quan và trong những chi tiết mà truyền thông Nga đưa tin. Những kẽ hở này làm dấy lên những câu hỏi quan trọng về bước đi gây tranh cãi của Nga và động cơ của nó. Đầu tiên là vì sao chỉ có 4 thiết bị phóng được công khai. Hơn nữa, ông Shoigu đã lưu ý về số lượng tương tự khi tóm lược về việc chuyển giao "49 thành phần thiết bị".
Hệ thống S-300V hiện đại hơn S-300PM.
|
Còn có một loạt những vấn đề liên quan tới việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không cho thấy nó đã được đưa đến một cách vội vã cùng những tuyên bố vô căn cứ nhằm mục đích gây tác động cao. Ví dụ như những nguồn tin khác suy đoán có thể có phiên bản tiên tiến hơn là S-300V của hệ thống này (theo Vpk-news.ru ngày 9.10 và RBC ngày 8.10).
Hình ảnh và video của hệ thống S-300 tại Damascus tiết lộ một trạm radar đa chức năng thuộc về hệ thống S-300PM2 với những nét đặc thù về hình dáng ăng-ten liên lạc và kiểm soát. Tuy nhiên, không có một hình ảnh nào cho thấy thiết bị S-300 chuyển đến liên quan tới S-300PM2. Chúng có vẻ thuộc về hệ thống S-300PM hoặc S-300PS. Theo các chuyên gia phòng không Nga, lý do của sự không nhất quán này là hệ thống thực tế được chuyển giao tới Syria là một hệ thống "lai" (theo Vpk-news.ru ngày 9.10).
Những vấn đề xung quanh hệ thống phòng không được chuyển giao cho quân đội Syria chỉ là một yếu tố nhỏ trong những con bài mà Moscow đưa ra khi quyết định gửi S-300 tới Syria. Về cơ bản, mục đích cung cấp cho quân đội Syria hệ thống S-300 là để bảo vệ không phận Syria trong "hành lang Iran", nơi mà Không lực Israel thường xuyên hoạt động.
Nhưng các chuyên gia phòng không Nga hiểu rõ bản chất khó khăn của nhiệm vụ khi cần phải bảo vệ hàng trăm kilomet lãnh thổ Syria. Tất nhiên, trung đoàn S-300PM đã được tiết lộ là một hệ thống đất đối không mạnh mẽ với lợi thế chính là tính di động cao mà Lực lượng Không quân vũ trụ Nga (Vozdushno Kosmicheskikh Sil—VKS) thường thử nghiệm trong những cuộc tập trận.
Máy bay F-35 của Không lực Israel.
|
Gần đây, lữ đoàn phòng không số 25 của Nga đã được huấn luyện để bảo vệ các vùng lãnh thổ như Khakassia, Krasnoyarsk và các vùng khác tại Siberia. Lữ đoàn này đã diễn tập phòng không trên một vùng rộng lớn khoảng 1.000km. Do vậy, để quân đội Syria có thể dựa vào hệ thống S-300 trên hành lang Iran, đội quân này sẽ phải hành quân và triển khai mất nhiều giờ với việc sắp đặt các vị trí để sắp xếp nhưũng vũ khí hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho độ bao phủ không phận.
Quân đội Syria cũng có vấn đề về việc phát hiệu những mục tiêu tầm xa nhưng vấn đề này có thể được giải quyết bằng thông tin radar của VKS tại căn cứ không quân Latakia và những thiết bị của không quân Nga tại Syria (theo Vpk-news ngày 9.10). Nhưng ngay cả khi 3 tiểu đoàn S-300 được hoàn thiện (có thể là một biến thể khác), quân đội Syria vẫn chưa đủ khả năng để ngăn chặn mọi cuộc tấn công của Không lực Israel.
Thêm một vấn đề nữa Syria phải đối mặt sử dụng hệ thống S-300PM hay S-300PM2 là sự liên kết hệ thống phòng không. Những hệ thống này chưa có khả năng hoạt động bên cạnh hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 - được biết tới tính hiệu quả khi chống lại các vụ tấn công của tên lửa hành trình (theo Vpk-news.ru ngày 9.10). Vấn đề khác là huấn luyện cần thiết để phát triển sự hiểu biết kỹ thuật ở mức độ sĩ quan để có thể vận hành hệ thống. Việc ông Shoigu cho rằng sẽ đạt được mục tiêu này trong vòng 3 tháng là quá lạc quan.
Cho tới khi quân đội Syria có được những kỹ thuật viên được huấn luyện, những hệ thống này sẽ phụ thuộc vào các chuyên gia và cố vấn người Nga để vận hành. Việc S-300 được chuyển cho quân đội Syria không giải quyết được tình thế một cách nhanh chóng cũng không tạo ra vấn đề khiến cho Không lực Israel áp lực phải tránh sang một bên.
Điều gây tò mò nhất trong việc quân đội Nga chuyển S-300 cho chính phủ Syria là việc người ta chỉ được quan sát có 4 thiết bị phóng. Cùng với những vấn đề liên quan khác, có vẻ như Moscow đã sử dụng hệ thống S-300 như một lá bài: việc chuyển hệ thống này cho quân đội Syria sẽ không ngăn chặn được Không lực Israel tổ chức những cuộc tấn công tương lai trên đất Syria, cũng không phải là việc liên hợp hoàn toàn lực lượng phòng không Nga-Syria. Để đạt được mục tiêu sau Nga cần phải chuyển rất nhiều hệ thống phòng không sang Syria.