Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào chiều nay, 9/1, với 386/473 đại biểu biểu quyết tán thành.
Đặc biệt, Luật được thông qua quy định rõ về Hội đồng Y khoa Quốc gia. Cụ thể, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, Hội đồng tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.
Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh
Luật được thông qua quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh gồm: Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quốc hội bấm nút thông qua Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) chiều nay - 9/1/2023. |
Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện kịp thời và tuân thủ đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là: Xâm phạm quyền của người bệnh. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này. Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật này. Không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh. Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi. Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh...
Về điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh, luật quy định: Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực; đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này; đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này; có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế./.