Tại phiên thảo luận ngày 14/12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Hội đồng Y khoa Quốc gia là một trong những nội dung còn vướng mắc, được quan tâm bàn thảo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với quy định trong dự thảo Luật hiện nay, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa Quốc gia không rõ ràng.
Dự thảo Luật chỉ quy định Chính phủ quy định thành lập, nhưng không nêu rõ ai đứng ra thành lập tổ chức này. Để dự thảo Luật đạt yêu cầu về tính chặt chẽ, cần làm rõ vai trò của Hội đồng Y khoa Quốc gia, quy định rõ để sau này quản lý Hội đồng y khoa là của ai, ai chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của quản lý nhà nước sau đó mới chia ra phần nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thành lập mô hình Hội đồng y khoa quốc gia, ông Huệ gợi ý cần đánh giá xem mô hình nào phù hợp với Việt Nam.
Về việc tham gia đánh giá năng lực, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ có thể làm đầu mối chứ không thể làm tất cả các phần công việc. Như vậy, "trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia vào việc đánh giá năng lực này như thế nào" - ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề và lưu ý “tránh trường hợp anh dốt hơn lại đi đánh giá anh giỏi hơn”.
Cũng liên quan đến nội dung về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thế giới chỉ còn vài nước chưa làm, mặc dù mô hình khác nhau, không nước nào giống nước nào.
Ông Vũ Đức Đam cho biết, sau khi nghiên cứu và thảo luận với Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học Việt Nam, cân nhắc trên cơ sở điều kiện thực tế, Việt Nam vẫn cần vẫn phải thành lập tổ chức mới. Trong đó, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là cơ quan phối hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết "mô hình về Hội đồng Y khoa Quốc gia trên thế giới không nước nào giống nước nào" |
Thống nhất với Chủ tịch Quốc hội về hoạt động của Hội đồng, Phó Thủ tướng Đam nhắc lại: “Hội đồng này không thể làm hết mọi việc. Cho nên tổ chức này chỉ làm đầu mối chủ trì và đảm nhiệm một số việc thôi”.
Thống nhất về sự cần thiết phải quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng cần thiết phải quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia trong dự thảo Luật.
Tuy vậy, đây là vấn đề mới và Việt Nam chưa có kinh nghiệm.
Ông Tùng cho rằng, hiện nội dung liên quan Hội đồng Y khoa Quốc gia đang được quy định tại dự thảo Luật còn mang tính khái quát, chỉ xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Các quy định chưa thể hiện rõ về địa vị pháp lý, về cơ quan quản lý và mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước về y tế như. Nếu giao Chính phủ quyết định với những nguyên tắc như vậy thì sẽ rất khó cho Chính phủ.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để quy định cụ thể hơn một bước nữa, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn.
Nêu lý do cần trình Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với ngành y tế rất quan trọng. Khi được đưa vào áp dụng, Luật quy định nội dung, khung nguyên tắc chung liên quan đến công tác khám, chữa bệnh, là hoạt động xương sống của ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã được ban hành từ năm 2009, đến nay đã hơn 13 năm và đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, hiện nay đã có cơ sở là cụ thể hóa những ý kiến, chỉ đạo, chủ trương trong các Nghị quyết của Trung ương, tiếp thu những vấn đề hội nhập quốc tế và giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật này và đã đưa ra nhiều nội dung đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, giải trình và bổ sung thêm. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế có khung năng lực pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau này./.