Nước tới chân… vẫn cãi
25.1 tới là ngày đã được lên lịch sẵn cho cuộc đàm phán hòa bình Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), báo Washington Post đưa tin. Tuy nhiên cho tới giờ phút này, Mỹ và Nga vẫn đang tranh cãi về danh sách khách mời.
Nga, cùng với chính quyền Syria chống lại danh sách Mỹ đưa ra - trong đó bao gồm những lực lượng nổi dậy chống chính quyền Syria - bảo rằng Nga và Syria không thương lượng với “khủng bố”. Mặt khác, Nga muốn Mỹ phải chấp nhận thêm những lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cả lực lượng người Kurd ở Syria.
Ngoại trưởng Nga và Mỹ trong ngày hôm nay 20.1 phải gặp nhau ở Zurich (Thụy Sĩ), cố gắng thu hẹp bất đồng.
Nhưng cho dù họ có làm được điều đó thì một cuộc thương lượng hòa bình vào giờ phút này sẽ không còn mấy ý nghĩa cho Mỹ, theo nhận định của bà Lina Khatib thuộc tổ chức tư vấn chính sách ở Paris (Pháp) mang tên Sáng kiến cải cách Ả Rập.
Chưa thấy dấu hiệu tích cực nào để chiến tranh Syria kết thúc - Ảnh: Reuters |
Đổi giọng
33 tổ chức nổi dậy ở Syria đã bắt tay nhau tuyên bố không tham gia đàm phán nếu Nga và Syria không đáp ứng yêu sách của họ: ngưng không kích, thả tù nhân chính trị và đưa hàng viện trợ tới các thành phố yêu cầu. Các tổ chức này cũng đòi phải làm rõ chương trình nghị sự sẽ thương lượng.
Đến nay, chương trình này được cho là dựa trên một “công thức” mà Ngà và Mỹ cùng “pha” hồi năm 2012. Lúc đó, các lực lượng nổi dậy ở Syria đang trên đà thắng thế. Chương trình nghị sự sau đó đã được “nêm” thêm kha khá “gia vị” để thỏa “gu” của một số nước lớn sau một cuộc họp tại Vienna (Áo) hồi cuối năm vừa qua.
Dưới áp lực của Nga, văn bản của cái công thức kể trên không đề cập rõ ràng về yêu sách mà Mỹ luôn nhấn mạnh: Tổng thống Syria phải từ chức. Tuy nhiên phía Mỹ và lực lượng nổi dậy thân Mỹ trước đây luôn nói đó là mục tiêu của họ khi đàm phán.
Bốn năm sau, với tình hình đã rất khác ở Syria: quân chính phủ, với sự hỗ trợ tích cực của Nga đang thắng lợi liên tục ở các mặt trận miền bắc, miền nam, miền trung, rõ ràng ông Assad thấy áp lực rời chiếc ghế quyền lực ngày càng nhẹ tênh. Ngay cả bản thân Mỹ cũng đã hạ giọng đáng kể, không còn khăng khăng đòi Assad phải ra đi như trước nữa.
Và trong bối cảnh như thế, cả Nga và Syria đều không tỏ bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ, cả trước và trong khi diễn ra đàm phán.
Còn ai mà thương lượng?
Cứ cho là cuộc đàm phán sẽ sẽ có thể bắt đầu, Mỹ mong đợi sẽ thương lượng được điều gì?
Nếu như ở thời điểm 4 năm trước, Mỹ có thể vịn vào sự thắng thế của các lực lượng nổi dậy thân Mỹ mà ép Nga và Syria phải nhượng bộ thì đến nay Mỹ đã không thể làm điều đó.
Các cuộc dội bom của máy bay Nga đã tiêu diệt đáng kể lực lượng thân Mỹ chống đối chính quyền Syria- Ảnh: AFP |
Một mặt khác, theo nhận định của bà Lina Khatib, sự trì hoãn đàm phán hòa bình Syria sẽ có lợi cho Nga, nước đang muốn “câu giờ” để có thêm thời gian tấn công các lực lượng đối lập chống chính phủ Syria. Tới khi các lực lượng này chẳng còn sức nặng nào, ông Putin sẽ trưng cho thế giới thấy ở Syria chẳng còn ai mà thương lượng cùng! Và tất nhiên trong bối cảnh đó, ông Assad hay một chính quyền thân Nga khác sẽ không có lý do gì mà không tiếp tục trụ vững ở đây, dưới sự ủng hộ nhiệt tình của Nga.
Phát ngôn viên Liên hiệp quốc, ông Farhan Haq hồi đầu tuần đã nói rõ rằng đặc sứ Liên hiệp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura sẽ không phát thư mời dự hòa đàm ở Geneva cho tới khi nào Mỹ và Nga chưa thống nhất được những lực lượng đối lập nào sẽ được mời. Và ông cũng tuyên bố không loại trừ khả năng mốc 25.1 là không thể.
Theo Thanh niên