“Làm sao tôi có thể là một gã găngxtơ nếu tôi từng làm việc cho KGB. Điều đó hoàn toàn không phù hợp với thực tế”, ông Putin nói với nhà báo Charlie Rose của kênh CBS. Tổng thống Nga bác bỏ cáo buộc của thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio (bang Florida), một ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Tạp chí chuyên về chính trị Mỹ Politico cho biết ông Rubio đã lớn tiếng buộc tội ông Putin là một gã găngxtơ hồi tháng trước. “Nước Nga ngày nay đang được lãnh đạo bởi một tay găngxtơ. Ông ta là một nhân vật tội phạm có tổ chức, kiểm soát chính phủ và một lãnh thổ rộng lớn. Không có cách nào khác để mô tả Vladimir Putin”, Rubio phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Charleston, South Carolina.
Nói về cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh việc không thể chấp nhận giải quyết các vấn đề tranh chấp ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây bằng cái gọi là các cuộc cách mạng màu, Vladimir Putin nói rằng, ông có thông tin chính xác về sự tham gia của Mỹ vào cuộc đảo chính mà ở Ukraine người ta gọi là “cuộc cách mạng phẩm giá”.
Đáp lại câu hỏi của người phỏng vấn là nhà lãnh đạo Nga biết được điều đó từ đâu, ông Putin trả lời rằng, Nga với người dân Ukraine “có hàng ngàn tiếp xúc chung đủ loại và hàng ngàn liên hệ. Nên chúng tôi biết ai, ở đâu và khi nào đã gặp gỡ, làm việc với những người đã lật đổ Yanukovich, họ đã được ủng hộ ra sao, được trả bao nhiêu tiền, được huấn luyện thế nào, ở các khu vực lãnh thổ nào, ở những nước nào và ai đã là những huấn luyện viên đó”. “Chúng tôi biết hết”, ông Putin nói thêm.
Charlie Rose lập tức đặt câu hỏi về công việc của Putin ở KGB trước đây và nói rằng, theo giới nhà báo thì chẳng có chuyện nhân viên tình báo về hưu. “Ông biết đấy, không một giai đoạn nào trong cuộc đời chúng ta trôi qua mà không để lại dấu vết cả, - ông Putin cảm thán. - Dù chúng ta đã có làm công việc gì, dù chúng ta đã có làm gì, thì những kiến thức ấy, kinh nghiệm ấy, chúng mãi mãi ở lại với chúng ta, và chúng ta tiếp tục mang chúng đi với mình, sử dụng chúng theo cách nào đó. Ở góc độ này thì rõ ràng là họ nói đúng”.
Khi nhà báo Mỹ nói đến chuyện khôi phục vùng ảnh hưởng thời Xô-viết, ông Putin chỉ mỉm cười, rồi nói: “Chúng tôi luôn bị nghi ngờ về những tham vọng nào đó và người ta luôn tìm cách bóp méo cái gì đó. Tôi thực sự đã nói rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa lớn của thế kỷ 20. Ông biết vì sao không? Trước hết là vì chỉ trong phút chốc, 25 người Nga ở lại bên ngoài biên giới Liên bang Nga. Họ đã sống trong một đất nước thống nhất, rồi đột nhiên thành ra ở nước ngoài. Ông có hình dung ra bao nhiêu vấn đề đã nảy sinh không?”.
Ông Putin cũng nói về chuyện ông thích đến Mỹ và thu hút ông là “cách tiếp cận sáng tạo đối với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trước nước Mỹ, sự cởi mở và linh hoạt - điều đó tạo cơ hội phát lộ tiềm năng bên trong của con người ”.
Tổng thống Nga Putin, người liên tiếp gây đau đầu cho Mỹ, từng là một sĩ quan an ninh KGB (cơ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô trước đây) trước khi tham gia chính trường Nga. Ông Putin đang có mặt tại thành phố New York và đã có bài phát biểu lần đầu tiên sau một thập kỷ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và gặp gỡ bên lề với tổng thống Mỹ Barack Obama.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, ông Putin cho hay cuộc gặp với ông Obama "rất hữu ích và thẳng thắn". Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về việc Nga tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. “Trước hết, chúng tôi đang xem xét sẽ làm gì để hỗ trợ những người ở chiến trường, đang kháng cự và chiến đấu chống IS. Đây là một cơ hội để làm việc chung với nhau”, ông Putin nói về cuộc gặp với ông Obama.
Nhưng tổng thống Nga loại trừ việc triển khai bộ binh Nga tại Syria. Cuộc gặp Nga-Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mátxcơva tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, bao gồm điều máy bay chiến đấu và xe tăng hiện đại tới nước này, làm dấy lên lo ngại về những đụng độ giữa các lực lượng, còn Mỹ nghi ngờ về động cơ chính của Nga.
Trước đó, Nga và Mỹ đã bộc lộ xung khắc quan điểm dữ dội Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ông Obama cáo buộc ông Assad như một bạo chúa, là thủ phạm chính đằng sau cuộc nội chiến 4 năm, khiến 200.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải bỏ lại nhà cửa, chạy trốn khỏi quê hương, di tản sang các quốc gia khác.
Ông Putin, ngược lại, đã khẳng định với các nhà lãnh đạo thế giới rằng ngoài giải pháp hợp tác với chính quyền và quân đội Syria, không có con đường nào khác trong nỗ lực đánh bại IS, hiện đang chiếm nhiều phần lãnh thổ của Syria và Iraq.
Theo QPAN