Phương Tây đã sai khi cấm cửa Huawei?

VietTimes – Trang The Conversation đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Quản lý và Đổi mới Howard Yu, thuộc Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD). Theo Giáo sư Yu, cấm cửa Huawei không phải là cách để phương Tây kìm hãm sự phát triển của ngành công nghệ cao Trung Quốc.
Cấm cửa Huawei sẽ làm giảm khả năng giám sát của phương Tây với công nghệ Trung Quốc. Ảnh minh họa: WSJ
Cấm cửa Huawei sẽ làm giảm khả năng giám sát của phương Tây với công nghệ Trung Quốc. Ảnh minh họa: WSJ

Nghi ngờ về việc Huawei thâm nhập vào cơ sở hạ tầng viễn thông của phương Tây để theo dõi và đánh cắp thông tin khiến cho 3 thành viên của Liên minh Tình báo Tín hiệu Five Eyes: Mỹ, Australia và New Zealand đã ngăn Huawei tham gia triển khai 5G. Hai thành viên còn lại của Five Eyes là Anh và Canada cũng được thúc giục để tiến hành các bước đi tương tự.

Tuy nhiên, việc gạt bỏ Huawei khỏi thị trường vể lâu dài có thể phản tác dụng. Nó không chỉ hạn chế quyền tiếp cận của phương Tây đối với công nghệ hiện đại từ Trung Quốc, mà còn chia cắt thế giới công nghệ.

Thời gian qua, Huawei đã bị cáo buộc là gián điệp cho Bắc Kinh. Nhiều báo cáo đề cập tới xuất thân của ông Nhậm Chính Phi, từng là kỹ sư trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà sáng lập 74 tuổi đã nhiều lần khẳng định Huawei là doanh nghiệp tư nhân. Ông Phi chỉ sở hữu khoảng 1,4% cổ phần công ty; còn lại thuộc sở hữu của hơn 80.000 nhân viên.

Nhiều ý kiến cho rằng Huawei đã phạm tội đánh cắp bí mật công nghệ có tổ chức. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường như Nokia hay Ericsson luôn chậm chân hơn công ty Trung Quốc trong việc phát hành các thiết bị viễn thông tiên tiến. Nhà mạng Anh, Bristish Telecom (BT) đã nhận xét rằng Huawei là “nhà cung cấp công nghệ 5G thực sự và duy nhất”.

Hiện nay, Huawei là công ty dẫn đầu về bằng sáng chế dành cho công nghệ 5G. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc chấp nhận chi nhiều tiền hơn đối thủ Cisco, Nokia và Ericsson trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Một nửa doanh thu của Huawei đến từ các nước bên ngoài Đại lục, gấp đôi Cisco và vượt trội so với IBM.

"Giữ bạn bè thật gần, nhưng đối thủ cần phải gần hơn nữa"

Mặc dù chính quyền Trump liên tiếp áp dụng các biện pháp trừng phạt Huawei, cấm các nhà mạng Mỹ sử dụng thiết bị của công ty Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty Mỹ như Qualcomm và Intel cũng bị cấm bán sản phẩm cho Huawei. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, Mỹ khó có thể ngăn cản mọi hoạt động giao thương với Trung Quốc, khi tất cả các nhà cung cấp lớn; bao gồm: Cisco, Ericsson và Nokia; đều sản xuất một phần thiết bị viễn thông tại quốc gia này.

Đối với các nhà mạng phương Tây như BT, Verizon hay AT&T; mua thiết bị từ Huawei không hề đơn giản như đặt hàng một cuốn sách trên Amazon. Để được quyền tham gia triển khai 5G tại Anh cùng nhà mạng BT, Huawei phải vượt qua hàng loạt cuộc kiểm tra nghiêm ngặt.

Huawei phải vượt qua những kiểm nghiệm gắt gao để trở thành đối tác cung cấp thiết bị cho các nhà mạng phương Tây. Ảnh: Telegraph
Huawei phải vượt qua những kiểm nghiệm gắt gao để trở thành đối tác cung cấp thiết bị cho các nhà mạng phương Tây. Ảnh: Telegraph

Cụ thể, nhà mạng Anh đã cử một đội ngũ thanh sát viên tới trụ sở Huawei tại Thâm Quyến để thực hiện cuộc kiểm tra đột xuất. Trong suốt quá trình, BT đã chọn ra một số tên trong danh sách nhân viên Huawei để phỏng vấn qua thông dịch viên riêng.

Ngoài ra, nhà mạng này cũng yêu cầu Huawei thành lập bộ phận hỗ trợ chịu trách nhiệm báo cáo sự cố trực tiếp cho ban lãnh đạo, đồng thời thuê công ty tư vấn Mercer để phát triển cấu trúc quản trị độc lập.

Khác biệt về công nghệ

Theo các nhà chức trách Thâm Quyến, thành phố sẽ sớm số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng và đưa vào vận hành dựa trên công nghệ 5G của Huawei. Thế hệ công nghệ viễn thông thứ 5 hứa hẹn giải quyết vấn đề về tốc độ đường truyền và độ trễ cho các thiết bị nằm trong mạng lưới.

Tuyên bố đó đồng nghĩa các công nghệ hiện đại như xe tự hành sẽ tận dụng dữ liệu từ cơ sở hạ tầng của thành phố, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thuật toán. Đây là tầm nhìn Huawei, hoàn toàn khác với Intel, công ty Mỹ cho rằng xe tự hành là những siêu máy tính chạy 4 bánh, với hệ thông vi mạch phức tạp hơn.

Ý tưởng của Huawei về những chiếc xe luôn kết nối, sử dụng công nghệ tự phát triển và loại bỏ nhu cầu về chip xử lý do bên thứ 3 cung cấp. Điều này sẽ tác động đáng kể tới chiến lược của Intel tại Trung Quốc.

Rủi ro lớn nhất của việc đóng cửa Huawei là làm gia tăng khoảng cách về công nghệ không phải ở Trung Quốc, mà là tại những thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi.

Dễ hiểu, khi một quốc gia gặp khó khăn về vốn đầu tư khi xây dựng mạng lưới dữ liệu, hoặc thiếu tin tưởng vào sự can thiệp của phương Tây, sẽ sẵn sàng đón nhận công nghệ từ bất kỳ nhà cung cấp nào có mức giá tốt nhất.

Do đó, chính sách cấm cửa Huawei sẽ không ngăn Trung Quốc vươn lên trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và 5G, điều mà Washington luôn lo ngại. Cấm cửa Huawei đơn giản sẽ giảm khả năng giám sát của phương Tây đối với khối doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ trước đã cho thấy phương pháp phòng thủ hiệu quả nhất là luôn duy trì chính sách cởi mở đối với chính đối thủ của mình.

Theo The Conversation