Phát biểu tại London ngày 14/5, Chủ tịch Huawei Liang Hua khẳng định Huawei không cố ý theo dõi người tiêu dùng phương Tây. Ông cho rằng mối lo ngại về những quy định trong luật pháp Trung Quốc, yêu cầu công ty hợp tác với các tổ chức tình báo trong nước, đã bị thổi phồng.
“Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận ‘không gián điệp’ với chính phủ Anh”, ông Liang Hua nói. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao của Huawei công khai đưa đề xuất giải pháp “Không cửa hậu, không gián điệp”.
Ông Liang Hua phủ nhận việc chính phủ Trung Quốc yêu cầu Huawei cấp quyền truy cập cửa hậu. Đồng thời, lãnh đạo Huawei cũng bác bỏ ý kiến cho rằng đạo luật tình báo Trung Quốc (ban hành năm 2017), yêu cầu công ty thu thập thông tin tình báo cho chính phủ.
Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Liang Hua
|
Chủ tịch Liang Hua nói thêm: “Không có luật lệ nào [tại Trung Quốc] nói việc từ chối thực thi [yêu cầu của cơ quan tình báo Trung Quốc] là hành vi phạm tội”.
Hiện tại, vấn đề Huawei đang là tâm điểm tranh cãi, liên quan tới quyết định chấp nhận công nghệ 5G của công ty Trung Quốc tại Anh. Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng được đồng minh Mỹ khuyến cáo ban hành lệnh cấm hoàn toàn để tránh rủi ro an ninh và gián điệp.
Tháng trước, tờ The Guardian đã tiết lộ thông tin rò rỉ từ cuộc họp kín của Hội đồng An ninh quốc gia Anh (NSC) về khả năng cho phép Huawei cung cấp thiết bị cho thành phần “không phải cốt lõi” của mạng 5G.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã bị sa thải vì cáo buộc rò rỉ thông tin nói trên.
Mặc dù, Thủ tướng Theresa May đã đồng ý cho Huawei tham gia triển khai 5G giới hạn tại Anh, nhưng quyết định trên vẫn vấp phải phản ứng dữ dội của 5 thành viên nội các, bao gồm Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt.
Phát biểu ngày 14/5, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết chính phủ Anh đang đánh giá mức độ rủi ro, nếu có, khi sử dụng bộ kit Huawei trong mạng 5G. Ông cũng khẳng định Anh sẽ không bao giờ đưa ra quyết định thỏa hiệp chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ hay bất kỳ đồng minh nào khác.
Về phía Huawei, Chủ tịch Liang Hua nói ông sẽ chờ kết luận đánh giá khả năng bảo mật của chính phủ Anh. Ông tin rằng: “Chúng ta không nên dừng lại chỉ vì lo sợ”.
Ngoài ra, ông Hua cũng xác nhận tuyên bố của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, cho biết sẽ đóng cửa Huawei nếu phát hiện bị Bắc Kinh nghe lén cuộc gọi.
Trước đó, Phó Chủ tịch Huawei ở Tây Âu Tim Watkins cho biết: “Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã chia sẻ rằng ông chưa bao giờ nhận được yêu cầu bàn giao dữ liệu hoặc thông tin khách hàng. Ông Phi cũng nói rõ nếu yêu cầu [chia sẻ dữ liệu] được thi hành thì sẽ đóng cửa công ty”.
Huawei đã công khai vận động hành lang tại Anh và nhiều quốc gia khác để được quyền cung cấp công nghệ 5G. Ảnh: Equal Ocean
|
Cơ quan tình báo Anh, trực thuộc Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ), đã thuyết phục Thủ tướng Theresa May rằng có thể hạn chế rủi ro từ Huawei thông qua “The Cell”, cơ quan đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của của công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Sir. Michael Fallon nói Anh nên cân nhắc cảnh báo của Mỹ và ban hành lệnh cấm cửa Huawei. Ông Fallon nói: “Tôi không thấy sự khác biệt giữa thành phần được gọi là ‘cốt lõi’ và ‘ngoại vi’ - đó cũng là quan điểm của Mỹ và Australia. Nếu không thống nhất quan điểm với các đồng minh thì sẽ là một sai lầm lớn”.
Được biết, Chủ tịch luân phiên Liang Hua cùng các giám đốc điều hành cấp cao của Huawei đã đến Anh để tham dự cuộc họp (đã lên kế hoạch từ lâu) với các nhà cung cấp và các đối tác của công ty. Tuy nhiên, ông Hua phủ nhận nỗ lực tiếp cận quan chức chính phủ Anh.
Theo The Guardian