Phó Giám đốc CDC Hà Nội: Thủ đô chưa cần thiết phải cách ly F0, F1 tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) - Thủ đô chưa cần thiết phải cách ly F0, F1 tại nhà.
Bác sĩ trực ở khu vực cách ly phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ trực ở khu vực cách ly phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Hà Nội đủ nguồn lực để cách ly tập trung F1, F0

Trước ý kiến cho rằng Hà Nội nên xem xét áp dụng cách ly tại nhà đối với trường hợp thuộc diện F0, F1, trao đổi với VietTimes, ông Khổng Minh Tuấn - cho rằng: Thời điểm hiện tại có 2 lý do cho thấy việc cách ly tại nhà ở Hà Nội là chưa cần thiết.

"Thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay. Khi số lượng gia tăng đến mức độ nào đó mới tính đến việc cách ly tại nhà. Thứ 2, Hà Nội đặc thù đất chật, người đông, không đảm bảo an toàn khi cách ly tại nhà. F0 nhẹ không triệu chứng cũng vẫn điều trị tập trung" - ông Tuấn nói.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, thành phố đã xác định mở cửa để phát triển kinh tế xã hội và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh. Trong những ngày tới, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch COVID-19 mới, bởi người bệnh có lịch trình di chuyển nhiều nơi, phức tạp, không xác định hết được nguồn lây.

“Quan điểm của TP. Hà Nội từ trước tới nay và kể cả sau này vẫn kiên định giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0, bởi đặc thù của Hà Nội khác các địa phương khác. Tới đây, thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung, mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động” - Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định.

Hiện nay, số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000 -70.000 F1 trở lên. Đến khi toàn thành phố có tới hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên, mới tính đến phương án cách ly tại nhà.

Hà Nội đã lên phương án lập các trạm y tế lưu động để quản lý, điều trị F0. Theo ông Tuấn, các trạm y tế lưu động được định hướng sẽ quản lý, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố chưa đưa ra mốc thời gian dự kiến hoạt động trạm y tế lưu động.

Hiện, 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án lập trạm y tế lưu động. Quận Ba Đình đã diễn tập mô hình này tại phường Giảng Võ.

Thủ đô nên tính phương án cách ly tại nhà sớm

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - Hà Nội nên tính tới phương án cách ly tại nhà sớm, không nên kiên trì cách ly tập trung, rút kinh nghiệm các tỉnh có dịch bùng phát mạnh thời gian vừa qua.

Ông Phu cho hay: TP. Hà Nội đã phát hiện nhiều ổ dịch mới, số ca nhiễm gia tăng trong 1 tuần trở lại đây khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thực tế, F1 tăng nhiều khi số F0 cao, dẫn tới tình trạng cơ sở cách ly tập trung hết chỗ. Không chỉ vậy, việc duy trì cách ly tập trung sẽ khiến các cơ sở y tế bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Việc cách ly F1 tại nhà sẽ giúp người cách ly đỡ tốn kém, không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Nhiều nhà dân tại Hà Nội đã đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly tại nhà, hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố đủ năng lực, có thể giám sát, theo dõi người cách ly.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 5.104 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.017 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly là 3.087 ca.

Chỉ tính riêng trong ngày 8/11, thành phố đã phát hiện thêm 106 ca mắc COVID-19 trong đó: cộng đồng (56 ca), khu cách ly (38 ca), khu phong tỏa (12 ca).