UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Xây dựng về việc triển khai hạ ngầm các đường dây điện lực, thông tin viễn thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao các Sở: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải và UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ ngầm các đường dây điện, viễn thông trên 77 tuyến phố cổ còn lại theo phương thức xã hội hóa để đồng bộ với các khu vực khác, đảm bảo cảnh quan đô thị và theo đúng nội dung Biên bản hợp tác đầu tư UBND Thành phố đã ký với các doanh nghiệp.
Giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thi công hạ ngầm điện lực, viễn thông, đồng thời, tại các tuyến phố cổ còn lại, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực; Thông báo công khai danh mục các tuyến phố, tên nhà đầu tư thực hiện.
Thành phố Hà Nội đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, VNPT Hà Nội, Viettel, Mobifone, FPT khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp thi công đồng bộ; đăng ký triển khai hạ ngầm các tuyến phố cổ còn lại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Trước đó, tại buổi Công bố Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 diễn ra vào sáng 30/8 ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, việc hạ ngầm kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ được xã hội hóa 100% bởi các nhà đầu tư là 5 nhà mạng: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Viettel, Mobifone, FPT và CMC, ngoài ra Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện dự án này. Mỗi doanh nghiệp trên sẽ bỏ ra 500 tỷ để cùng triển khai.
Đặc biệt, trong thời gian tới các nhà mạng khác có nhu cầu sử dụng chung hạ tầng viễn thông phải thuê lại dịch vụ của 5 nhà mạng trên, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đơn giá cụ thể.
Ngoài ra, Quy hoạch của Hà Nội cũng yêu cầu phải tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị, với mục tiêu đạt tỷ lệ dùng chung 30%-35%.
Theo lộ trình từ năm 2017 đến 2020, thành phố Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ việc thực hiện dự án hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị; phấn đấu đến năm 2020 hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây đi nổi trên các tuyến phố chính từ đường vành đai 3 trở vào Trung tâm TP.
Hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai của Thành phố; khu đô thị mới, các khu đô thị vệ tinh; khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới và khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.