Tuần trước, Google xác nhận rằng trình duyệt Chrome – một trong những trình duyệt được sử dụng rộng rãi nhất thế giới – sẽ chặn toàn bộ quảng cáo trong những trang web chứa các nội dung quảng cáo độc hại, bao gồm những đoạn video tự phát, những quảng cáo chiếm quá nhiều diện tích hiển thị của màn hình hay những quảng cáo bắt bạn phải đợi một lúc để xem nội dung mà bạn vừa nhấn vào.
Apple cũng vừa mới thông báo rằng trình duyệt Safari sẽ sớm có tính năng chặn các đoạn video tự động phát mà không được sự đồng ý của người sử dụng trong nhiều website. Bản cập nhật mới của trình duyệt này sẽ cho phép người sử dụng lựa chọn chế độ “Reader” làm chế độ xem mặc định, chế độ này gạt bỏ không chỉ quảng cáo mà còn cả những thành phần của giao diện trang web. Phiên bản tiếp theo sẽ có tính năng chặn hoạt động theo dõi của các bên thứ ba.
Theo tờ Wired, kế hoạch của hai hãng này không chỉ đơn thuần là đem lại trải nghiệm sử dụng web tốt hơn cho người sử dụng, mà bản chất đây là sự chuyển đổi về cách thức hoạt động của trình duyệt web. Thay vì tải xuống và chạy một cách thụ động các đoạn mã và nội dung mà trang web chuyển đến, những trình duyệt này sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong việc định hình lại các nội dung của trang web. Điều đó có nghĩa là những nhà phát hành nội dung trên trang web sẽ buộc phải cân nhắc không chỉ về nội dung quảng cáo mà còn tính đến những gì mà người đọc muốn hoặc không muốn xem khi họ vào một trang web nào đó.
Trong suốt nhiều năm, các trình duyệt chỉ đơn thuần đóng vai trò là cánh cửa mở ra những trang web chứ không phải là công cụ định hình trang web. Chúng nhận lấy các đoạn mã được cung cấp và sau đó “dựng” trang web theo những nội dung được cung cấp một cách trung thành nhất. Tất nhiên, các công cụ chặn quảng cáo và các công cụ cảnh báo nội dung độc hại cũng được phát triển trong một thời gian tương đối dài. Nhưng ngoài việc cho phép người sử dụng thay đổi cỡ chữ, về mặt lý thuyết các trình duyệt không cho phép người sử dụng thay đổi quá nhiều nội dung của một trang web.
“Các trình duyệt thường luôn luôn tuân theo những tiêu chuẩn nhất định và mọi trình duyệt đều đảm bảo sẽ hiển thị cùng nội dung. Đó là cái nhìn trung lập về web”, Nick Nguyễn, Phó Giám đốc phụ trách sản phẩm của Firefox, cho biết.
Vấn đề là ở chỗ, những tiêu chuẩn kiểu này lại dẫn đến tình trạng gia tăng những trang web có nội dung không một chút hấp dẫn. Những nhà phát hành mặc sức trang hoàng trang web của mình với những quảng cáo bao gồm video và âm thanh tự động phát mà không được sự cho phép của người sử dụng. Các đơn vị quảng cáo mặc sức thu thập thông tin cá nhân thông qua các trang web mà họ hiện diện. Và đôi khi, tội phạm công nghệ cao còn lợi dụng quảng cáo để phát tán mã độc.
Nhiều người đã tự giải quyết vấn đề này bằng cách cài đặt những thành phần bổ sung (plugin) với tính năng chặn quảng cáo hoặc những đoạn mã theo dõi thông tin của người sử dụng. Khoảng 26% người sử dụng internet cài đặt hệ thống chặn quảng cáo trên máy tính của mình, theo một cuộc khảo sát của Cục Quảng cáo Tương tác (Interactive Advertising Bureau). Cũng theo cuộc khảo sát này, 10% người sử dụng điện thoại cài đặt hệ thống chặn quảng cáo.
Và giờ đây những hãng phát triển trình duyệt bắt đầu trang bị những tính năng kiểu này cho sản phẩm của mình. Firefox tích hợp hệ thống chặn theo dõi vào chế độ duyệt web ẩn danh của mình vào năm 2015, và Opera thêm tính năng chặn quảng cáo theo tùy chọn vào trình duyệt của mình vào năm ngoái. Trong khi đó, một số tên tuổi mới như Brave và Cliqz đã phát hành những trình duyệt tập trung vào việc đảm bảo tính cá nhân của người sử dụng.
Nhờ vào những tuyên bố và hành động thực tế của Apple và Google, xu hướng này thực sự trở thành xu hướng chính trong lĩnh vực trình duyệt web. Trong tháng 5 vừa qua, trình duyệt Chrome được 54% người sử dụng dùng để lướt web, theo StatCounter, và có 14% người lướt web sử dụng Safari. Nói cách khác, gần như tất cả trình duyệt đều sẽ đảm bảo cho người sử dụng hạn chế những quảng cáo xấu trong những trang web mà họ ghé thăm ở mức độ tối thiểu. Và tất cả các trang web đều buộc phải thay đổi để thích nghi.
Việc Google trang bị tính năng chặn quảng cáo cho một sản phẩm quan trọng dường như có vẻ hơi kỳ lạ đối với hãng này, khi Google là một trong những hãng có lĩnh vực quảng cáo lớn nhất toàn cầu. Nhưng gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm dường như đang thực hiện một bước đi táo bạo và độc đáo. Google chỉ muốn chặn những quảng cáo trong những trang web được liệt vào danh sách những quảng cáo gây bực mình nhất cho người sử dụng được xây dựng bởi nhóm những công ty thuộc ngành công nghiệp quảng cáo. Bằng hành động này, Google muốn người sử dụng bớt đi phần nào việc cài đặt những công cụ chặn quảng cáo mạnh hơn của bên thứ ba – những công cụ này thường chặn luôn quảng cáo của Google lẫn công cụ thu thập dữ liệu của hãng này.
Còn Apple, một công ty không phụ thuộc vào lợi nhuận quảng cáo, lại chọn cách tiếp cận triệt để hơn. Bên cạnh việc chặn các cookie vốn thường được sử dụng để theo dõi người dùng, Apple sẽ còn cho phép người dùng chọn chế độ chỉ hiển thị nội dung chính của một trang web và loại bỏ không chỉ quảng cáo, mà còn những thành phần khác như danh sách “những bài viết có liên quan”, hay những “lời cảnh báo” đề nghị ở lại một trang web cụ thể nào đó. Phông chữ và màu sắc của văn bản cũng bị loại bỏ.
Chế độ “Reader” được trang bị cho Safari từ năm 2010 với tư cách là một tùy chọn hiển thị, nhưng người sử dụng cần phải tải một trang web hoàn chỉnh trước khi bật chế độ này lên. Việc cho phép người sử dụng chọn chế độ này làm mặc định có nghĩa là người sử dụng có thể thoải mái duyệt web mà không cần phải xem phiên bản gốc của những trang web họ ghé qua. Thay đổi lớn này thậm chí còn vượt xa hệ thống chặn quảng cáo – nó yêu cầu các đoạn mã lập trình của một trang web phải gợi ý cách thức hiển thị của trình duyệt, chứ không thuần túy là bản vẽ mà trình duyệt buộc phải tuân theo một cách hoàn chỉnh nhất có thể.
Điều này không chỉ thay đổi cách nghĩ của nhiều công ty về quảng cáo, mà nó còn thay đổi mối quan hệ giữa người đọc nội dung và nhà phát hành nội dung, và giữa nhà phát hành nội dung với nhà phát triển trình duyệt. Ví dụ như Brave – trình duyệt được phát triển bởi Brendan Eich, đồng sáng lập Firefox – hướng tới mục tiêu thay đổi cấu trúc ngành quảng cáo bằng việc cho chính trình duyệt web phát hành quảng cáo thay cho trang web, sau đó chia sẻ lợi nhuận với nhà phát hành nội dung. Đó là một trong những thí dụ điển hình cho những khả năng mà công cuộc đình hình lại web này sớm muộn sẽ tạo ra, dù các nhà phát hành nội dung có muốn hay không.