Phát triển kinh tế số Đà Nẵng: Ý tưởng về mạng blockchain đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dự kiến quý III/2023, Đà Nẵng sẽ có mạng thử nghiệm để mọi người góp ý và hy vọng trong quý IV/2024, Đà Nẵng sẽ ra mắt mạng chính sách DanangChain của riêng mình.

Ông Huy Nguyễn - Giám đốc Công ty CP Kardia Labs trả lời phỏng vấn
Ông Huy Nguyễn - Giám đốc Công ty CP Kardia Labs trả lời phỏng vấn

Tại hội thảo giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số diễn ra chiều 7/7, do Sở TT&TT TP Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam, Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra ý tưởng xây dựng thí điểm mạng blockchain riêng cho Đà Nẵng mang tên Danangchain nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Để rõ hơn nội dung này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Huy - Giám đốc Công ty CP Kardia Labs.

- Nói đến công nghệ blockchain, người ta thường nghĩ đến các ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ blockchain đang được ứng dụng trong công tác quản trị, thúc đẩy bán các loại hàng hoá. Tại cuộc hội thảo giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số ông cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ này trong việc thúc đẩy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản của Đà Nẵng lên thương mại điện tử. Ông có thể chia sẻ về việc công nghệ blockchain sẽ giúp cho các hoạt động này như thế nào?

Ông Huy Nguyễn: Trước đây chúng ta cũng đã nghe nói về blockchain, tuy nhiên chỉ mới dừng ở là tiền số, tiền mã hóa, cũng như các dịch vụ tài chính. Trong vài năm trở lại đây, công nghệ blockchain đã phát triển rất nhiều và đã xây dựng ra được những nền tảng như metaverse, cho phép mọi người mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây được gọi là vật lý số cả thật lẫn ảo.

Nền tảng đó giúp chúng ta có thể mang hàng hóa của Việt Nam ra thế giới, những yếu tố trước đây chúng ta không có. Chẳng hạn như thương hiệu, tính thật giả của thương hiệu, hàng thật, hàng giả… thì với tính chất minh bạch của công nghệ blockchain sẽ giúp giải quyết được vấn đề.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa thấy blockchain được triển khai ở nhiều lĩnh vực ngoài nội dụng tiền mã hóa là bởi chi phí cho ứng dụng này khá đắt đỏ. Nếu chúng ta sử dụng những nền tảng blockchain của nước ngoài, thì chi phí lên đến tới hàng chục USD, thậm chí hàng trăm USD cho mỗi giao dịch. Điều này làm ngăn cản khả năng tiến xa hơn đối với công nghệ này.

Đó chính là lý do những hội thảo như vừa qua sẽ là cơ hội cho những TP như Đà Nẵng và lớn hơn nữa là Việt Nam, có thể là xây dựng nền tảng riêng của mình, từ đó tối ưu chi phí và giúp cho các doanh nghiệp sử dụng được.

Với những bước phát triển gần đây và với tâm huyết của Đà Nẵng để xây dựng Danang Chain, hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm, nhiều ứng dụng khác nhau lên trên blockchain trong thời gian tới.

vt_blockchain 4.png
Hội thảo giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số tại Đà Nẵng

- Với những khó khăn về chi phí phát sinh nếu như dùng các hạ tầng blockchain của nước ngoài, hay trong ứng dụng giao dịch trên nền tảng bên ngoài, thì đó có phải lý do để các chuyên gia đến tham dự hội thảo nhằm đưa ra quyết định triển khai hạ tầng blockchain hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy: Đúng vậy! Bởi chúng ta sẽ không thể có những ứng dụng nếu không có nền tảng, cũng như không kiểm soát được giá cả, an ninh và thông tin.

Điều đó buộc chúng ta phải để cho công nghệ này lan tỏa. Những ứng dụng về blockchain có thể ứng dụng trong nông nghiệp, may mặc, thủ công mỹ nghệ…

Để làm được điều này, chúng ta phải có được công nghệ nền tảng, có công nghệ cốt lõi. Hội thảo vừa qua là một trong chuỗi hội thảo mà Đà Nẵng tổ chức để có thêm nhiều đóng góp từ các chuyên gia, trên quan điểm không đại diện cho một doanh nghiệp nào cả. Bởi đây là quá trình tất cả chúng ta cùng chung tay góp vào và xây dựng một nền tảng Danang Chain dùng chung và cũng là nền tảng blockchain đầu tiên của Việt Nam.

- Theo quan sát của ông, việc đưa công nghệ blockchain vào hoạt động chuyển đổi số ở các địa phương hiện có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Huy: Hiện tại ở Việt Nam, chúng ta chưa thật sự ứng dụng được công nghệ blockchain. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác như: Thái Lan Philippines, Indonesia ... cũng đang gặp vấn đề giống như ở Việt Nam.

Để ứng dụng được công nghệ này nằm ở 3 yếu tố tiên quyết. Công nghệ, con người, và chính sách.

Với yếu tố công nghệ thì chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ, sẵn sàng mang hết những công nghệ mà chúng tôi biết từ bằng sáng chế, các cáo bạch, để đem về Việt Nam.

Về vấn đề con người, chúng tôi cũng rất sẵn lòng tham gia và hỗ trợ Đà Nẵng đào tạo cho lớp kế cận.

Còn về vấn đề chính sách, rất cần được tạo điều kiện để thúc đẩy cho các hoạt động này được mạnh mẽ hơn. Vấn đề này xuất phát từ chính TP Đà Nẵng.

- Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên mà Kardia Labs quyết định hợp tác, triển khai nền tảng blockchain riêng. Vậy điều thuận lợi ở Đà Nẵng trong việc triển khai blockchain là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy: Tôi đánh giá rất cao quyết tâm cũng như tâm huyết của Sở TT&TT TP Đà Nẵng, nơi mà chúng tôi đã có dịp làm việc cùng. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự quan tâm và chịu khó học hỏi của họ trong việc cùng chúng tôi xây dựng.

Chúng tôi chỉ là những chuyên gia và chúng tôi không thể làm được tất cả mọi thứ, chính vì vậy, sự quan tâm, tâm huyết của Sở TT&TT trong việc cùng xây dựng dự án là những yếu tố tiên quyết để đi đến thành công.

vt_huy nguyen 1.png
Ông Nguyễn Huy - Giám đốc Công ty CP Kardia Labs - trình bày dự án xây dựng mạng DanangChain cho riêng Đà Nẵng

- Blockchain có thể không mới đối với các nước trên thế giới, nhưng với Việt Nam thì vấn đề này còn khá mới mẻ. Ông có thể chia sẻ đôi nét về công nghệ này, nhất là khi đưa ra ý tưởng cho việc xây dựng blockchain riêng cho Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Huy: Chúng ta thấy khá nhiều ứng dụng blockchain đơn lẻ của từng cơ quan, sở ban, ngành. Tuy nhiên, ứng dụng blockchain công khai, cho phép mọi người cùng tham gia, đóng góp, chia sẻ… từ người dân, doanh nghiệp, kể cả cơ quan chính phủ, thì chưa có.

Một mạng blockchain mà ở đó có thể đưa chính phủ số, dịch vụ hành chính công, kể cả người dùng cũng có thể vào hệ thống để tương tác… thì Việt Nam chưa có, kể cả khu vực Đông Nam Á.

Tới đây, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp cho TP về công nghệ, đồng thời cố gắng hỗ trợ đào tạo để đóng góp thêm về con người. Còn vấn đề chính sách thì là rất mong sự hợp tác của các bộ, ban ngành TP, để có hành lang pháp lý phù hợp.

- Theo lộ trình, việc triển khai Danang Chain sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy: Dự kiến quý III/2023 chúng ta sẽ có 1 mạng thử nghiệm để mọi người góp ý và hy vọng trong quý IV/2024 Đà Nẵng, sẽ có thể ra mắt được mạng chính sách của Danang Chain của riêng TP.

Về công nghệ thì chúng tôi đã sẵn sàng. Tuy nhiên vấn đề lo lắng là khi triển khai và chuyển giao, việc vận hành có trơn tru hay không. Bên cạnh đó, chính sách có hỗ trợ để tất cả mọi người được tham gia hay không. Bởi Blockchain là dành cho tất cả mọi người.

Cảm ơn ông!