Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tổng kết khối công nghệ số năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tổng kết khối công nghệ số năm 2021.

Kính thưa các đồng chí,

Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam, là năm một núi việc đột ngột đổ xuống khối công nghệ số. Núi việc này tên thì cũ nhưng nội hàm thì mới, tên nó là CNTT nhưng nội hàm là chuyển đổi số (CĐS). Núi việc này lại phải xong trong 1 ngày, 1 tháng, không có 1 năm. Núi việc này yêu cầu lại cao, vì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của toàn dân, ai cũng phải dùng được, phải thuận tiện như dùng Facebook - là phần mềm được phát triển liên tục trong gần 20 năm qua với chi phí hàng chục tỷ đô la. Núi việc này lại phải làm với giá bằng 0!

Khối công nghệ số bị rơi vào nghịch cảnh. Nghịch cảnh thì sẽ sinh ra hoặc nản chí hoặc vươn lên mạnh mẽ. Lịch sử Việt Nam là nghịch cảnh thì vươn lên mạnh mẽ. Nghịch cảnh thì sinh ra những lời giải độc đáo, xuất sắc. Nghịch cảnh thì sinh ra những con người đặc biệt, nhân tài đất nước. Lần đầu tiên, khối công nghệ số có một cơ hội trăm năm, đó chính là nghịch cảnh do đại dịch Covid-19 tạo ra. Năm 2021 là một năm vươn lên mạnh mẽ của khối công nghệ số toàn quốc. Nhiều giải pháp, ứng dụng, nền tảng số đã được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển kịp thời góp phần phòng chống dịch hiệu quả. Công thức phòng chống dịch Việt Nam có 4 cấu thành thì công nghệ là một trong 4 cấu thành đó.

Khi nào thì tận dụng được nghịch cảnh? Đó là khi chúng ta không sợ hãi. Vì sợ hãi sẽ làm triệt tiêu tinh thần. Vì sợ hãi làm con người suy sụp. Mất tinh thần, suy sụp thì con người cũng mất hết mọi sức mạnh. Qui luật muôn đời là trong nguy luôn có cơ. Nguy lớn thì cơ lớn. Nghịch cảnh lớn thì bứt phá lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội trong nghịch cảnh thì tinh thần phải vững, không sợ hãi. Chỉ cần có được cái này và tiếp theo là hành động. Hành động sẽ mở lối.

Khi nào thì con người trong nghịch cảnh mà không sợ hãi? Đó là khi chúng ta không lo cho bản thân mình. Lo cho một cái lớn hơn. Lo cho dân mình, đất nước mình. Lo dùng công nghệ số, lo tìm các lời giải số để giúp dân mình phòng chống dịch. Lỗi lo mà lớn, lỗi lo mà chung thì con người sẽ không còn sợ hãi nữa. Vượt qua sợ hãi luôn là khó khăn lớn nhất khi đối mặt với các khó khăn, thách thức và nguy cơ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Năm 2021, thành công lớn nhất của Bộ ta nói chung, của khối công nghệ số nói riêng là vượt qua nỗi sợ, sợ bị phê bình, sợ bị chỉ trích về các yếu kém của các sản phẩm công nghệ số phòng chống dịch, yếu kém của lĩnh vực CNTT do Bộ quản lý. Và chúng ta cũng vượt qua nỗi sợ cả núi việc mà không biết lấy nguồn lực ở đâu. Và chúng ta cũng vượt qua nỗi sợ cả núi việc mà phải làm rất nhanh, việc 1 năm thì làm 1 tháng. Cứ làm đi rồi các nguồn lực sẽ đến. Cứ làm đi rồi lời giải sẽ đến. Nguồn lực lớn nhất và vô hạn là nguồn lực từ dân, nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Hàng ngàn tỷ thiết bị công nghệ số, hàng ngàn lao động trong ngành đã được các doanh nghiệp Việt Nam tập hợp về và làm việc ngày đêm, không còn của anh của tôi, không còn hoặc anh hoặc tôi, chỉ còn tôi và anh.

Nhiều việc không thể đã thành có thể. Việt Nam thuộc nhóm đi đầu toàn cầu về các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch. Nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Trước đây là chưa từng có. Qua thử thách, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số qui mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc. Đặc biệt là sự tự tin. Tự tin về làm chủ công nghệ, giải pháp, về phát triển sản phẩm và triển khai các nền tảng CĐS quốc gia. Chưa bao giờ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thấy được tình yêu sâu đậm của mình đối với dân tộc mình, đất nước mình và sự hy sinh của mình lớn đến như vậy.

Năm 2021 cho chúng ta trải nghiệm thực tế vô cùng sâu sắc về sự khác biệt giữa ứng dụng CNTT và CĐS, giữa một phần mềm và một nền tảng số. Năm 2021 là Turning Point để chúng ta chuyển dứt khoát từ ứng dụng CNTT sang CĐS. Đại dịch Covid-19 là cú huých trăm năm cho CĐS. Đại dịch Covid-19 tạo ra sự phát triển bứt phá mang tính cách mạng sau 20 năm ứng dụng CNTT. 20 năm qua là âm dưỡng dương, nay là xuống núi trổ tài. 20 năm qua là ứng dụng công nghệ thông tin từng nơi, từng chỗ trong thế giới thực, bộ ngành này có thể làm bộ ngành kia không làm, cục vụ này làm cục vụ kia không làm, địa phương này làm địa phương kia không làm, sở ngành này làm sở ngành kia không làm. Nay sẽ là toàn dân và toàn diện, là mọi ngành và mọi cấp, là trung ương và địa phương. CĐS là tạo ra một phiên bản số của thế giới thực, làm việc thì trên thế giới số nhưng kết quả thì trên thế giới thực. Làm việc trên thế giới số thì nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn, năng suất cao hơn và đặc biệt, đổi mới sáng tạo sẽ dễ dàng hơn và nhiều người làm được.

CNTT thì nói nhiều đến tổ chức, CĐS thì nói đến người dân. CNTT thì nói nhiều đến chi phí, CĐS thì nói đến lợi ích. CNTT thì nói nhiều đến phần mềm, CĐS thì nói đến nền tảng. CNTT thì nói nhiều đến ứng dụng, CĐS thì nói đến chuyển đổi. CNTT thì nói nhiều đến từng phần, CĐS thì nói đến toàn diện. CNTT thì nói nhiều đến giám đốc CNTT, CĐS thì nói đến người đứng đầu. CNTT thì nói nhiều đến máy tính, CĐS thì nói đến Cloud. CNTT thì nói nhiều đến đầu tư, CĐS thì nói đến thuê. CNTT thì nói nhiều đến sản phẩm, CĐS thì nói đến dịch vụ. CNTT thì nói nhiều đến tổ chuyên gia, CĐS thì nói đến tổ công nghệ cộng đồng. CNTT thì nói nhiều đến How, CĐS thì nói đến What. CNTT thì nói nhiều đến người viết phần mềm giỏi, CĐS thì nói đến người dùng giỏi. CNTT thì nói đến hệ thống (hệ thống CNTT), CĐS thì nói đến môi trường (môi trường số). CNTT thì nói nhiều đến tự động hoá, CĐS thì nói đến thông minh hoá. CNTT thì nói nhiều đến qui trình, CĐS thì nói đến dữ liệu. CNTT thì nói nhiều đến dữ liệu của tổ chức, CĐS thì nói đến dữ liệu cá nhân. CNTT thì nói nhiều đến có cấu trúc, CĐS thì nói đến phi cấu trúc. CNTT thì nói nhiều đến CNTT, CĐS thì nói đến cả CNTT, cả công nghệ số, cả CMCN 4.0, cả đổi mới sáng tạo.

Đảng và nhà nước ta đã coi CĐS là động lực phát triển trong các thập kỷ tới. Việt Nam muốn hùng cường thịnh vượng, muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì phải CĐS. Trọng trách dẫn dắt CĐS quốc gia được trao cho Bộ TT&TT. Đây là một sứ mệnh thiêng liêng, trọng trách lớn lao nhưng vinh quang. Trọng trách này được Bộ giao cho Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trao cho khối công nghệ số. Không hoàn thành trọng trách này là có tội với đất nước, với Đảng. Định hướng đã có, con đường đi đã rõ, mục tiêu đã được giao, nghịch cảnh đã xảy ra, âm đã dưỡng dương 20 năm, tổng diễn tập CĐS năm 2021 đã đi qua, bây giờ là tổng tiến công CĐS.

Chúng ta đã có Chương trình CĐS quốc gia, Uỷ ban quốc gia về CĐS, các chiến lược liên quan, các nhiệm vụ cụ thể, các nền tảng số quốc gia phải phát triển trong năm 2025. Hôm nay, tôi không nhắc lại các nhiệm vụ đó mà nói nhiều về nhận thức, về tinh thần CĐS. Một cuộc cách mạng thì nhận thức, niềm tin và sức mạnh tinh thần luôn mang tính quyết định. Các phát biểu của Bộ trưởng tại nhiều diễn đàn đều có chỉ đạo về CĐS, tôi đề nghị các đồng chí đọc, quán triệt và đưa vào các chương trình, kế hoạch hành động.

Năm 2020 là năm tuyên ngôn về CĐS. Năm 2021 là năm tổng diễn tập CĐS. Năm 2022 sẽ là năm tổng tiến công CĐS. Nhận thức về CĐS đã rõ hơn. Lý luận về CĐS đã hình thành. Con đường Việt Nam về CĐS đã định hình. Bây giờ là hành động. Hành động nhiều hơn, nhanh hơn, mạnh hơn để nhận thức, để lý luận, để con đường được sáng hơn. Dẫn lối của Bộ về CĐS chính là nhận thức, lý luận và con đường CĐS Việt Nam. Khối công nghệ số phải liên tục hoàn thiện lý luận về CĐS.

Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch là nội dung lớn của đất nước những năm tới. Muốn làm tốt thì phải có cách tiếp cận mới cho một số vấn đề quan trọng. Một là, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Các đại dịch có thể xuất hiện trong tương lai. Chống chịu cao bằng cách đưa các hoạt động KT-XH lên môi trường số, không tiếp xúc. Hai là, nâng cao năng lực quản lý, quản trị quốc gia. Muốn quản lý diện rộng thì phải thả ra, tức là phân cấp phân quyền, thả ra thì phải nhìn thấy, giám sát được online. Muốn vậy thì cũng phải lên môi trường số, lên một cách toàn diện, mọi hoạt động thể hiện tức thời trên môi trường số, thể hiện qua dữ liệu. Chính phủ có thể nhìn thấy, phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm, điều chỉnh sớm. Bảo vệ được cán bộ, tránh tai nạn lớn. Ba là, vấn đề tăng trưởng. Muốn tăng trưởng thì phải có không gian mới. Lên môi trường số là xuất hiện một không gian mới. Sẽ có sản phẩm mới, thị trường mới, tiêu dùng mới. Đó là, sản phẩm số, thị trường số, tiêu dùng số. Nếu đẩy nhanh thì sẽ có tăng trưởng mới. Bốn là, vấn đề hiệu quả. CĐS thì tạo ra một phiên bản số của thế giới thực. Mọi hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo, sáng tạo, thử giải pháp mới sẽ diễn ra trên môi trường số, sẽ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu thấy tốt rồi thì mới mang ra áp dụng vào thế giới thực. Tóm lai, CĐS tạo ra cách tiếp cận mới để giải quyết tốt hơn, tốt hơn một cách đột phá, cho một số tồn tạo kéo dài, cho một số vấn đề quan trọng của KT-XH. Khối công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm này.

Với mục tiêu rất cao và khối lượng công việc rất lớn của năm 2022 thì có cách nào giúp chúng ta hoàn thành không? Chúng ta vẫn nói, thực thi luôn là khâu yếu. Điều này đúng, vì các nguồn lực của chúng ta rất hạn chế, cả tài lực và nhân lực. Mục tiêu thì mới, nguồn lực thì như cũ, mà cách làm vẫn như cũ thì thực thi đúng sẽ là khâu yếu. Vậy, có cách nào để giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu cao và khả năng hạn chế không? Cách mà chúng ta vẫn làm là cố gắng hơn, là kêu gọi mọi người cố gắng hơn. Nhưng có lẽ là chưa đủ. Vậy nên, khoảng cách giữa mong muốn và kết quả vẫn còn rất lớn. Cũng không thể trách anh em thực thi được. Có trách trăng thì là trách người đứng đầu các cấp, sau khi đặt mục tiêu cao là giao luôn cho cấp dưới. Cách tiếp cận đúng phải là, sau khi đặt mục tiêu cao thì người đứng đầu phải suy nghĩ cách biến việc khó thành khả thi, thành dễ làm. Với cách tiếp cận khác đi thì một việc rất khó có thể trở thành một việc rất dễ. Nếu chưa có cách tiếp cận mới, cách làm mới để biến việc không khả thi thành khả thi thì người đứng đầu không giao việc khó cho cấp dưới. Việc của người đứng đầu luôn là 2: đặt mục tiêu cao và tìm cách tiếp cận khả thi. Và cả 2 cái này đều phải xuất sắc.

Một năm có tới 365 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng tốt hơn hôm qua 1% thì sau một năm chúng ta sẽ có sự phát triển tới 38 lần! Vậy là một năm không ngắn, đủ dài để làm những việc lớn. Vậy là sự bền bỉ vươn lên từng ngay là quan trọng. Lãnh đạo Bộ tin tưởng vào các đồng chí, tin rằng các đơn vị khối công nghệ số của Bộ sẽ dẫn dắt thành công công cuộc CĐS quốc gia.

Xin chúc mừng năm mới Nhâm Dần! Xin chúc sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với từng người và từng nhà! Sau 1 năm nữa, chúng ta phải nhìn thấy một Việt Nam số xuất hiện!

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Vietnamnet