Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 7 bài học từ việc thực hiện thành công đề án Số hóa truyền hình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã chuyển đổi mạng viễn thông từ analog sang số, tiếp theo là số hóa truyền hình và bây giờ là số hóa toàn diện, đưa toàn bộ thế giới thực lên không gian số.
Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa.
Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Tại đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Số hóa truyền hình Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án:

Một là hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai, là công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất, trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất tăng 30 lần so với truyền hình tương tự, vì vậy, đã giải phóng được 112 Mhz thuộc băng tần 700MHz để sẵn sàng phủ sóng dịch vụ 5G toàn quốc trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.

Hai là đã mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình mặt đất từ phủ trung tâm 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 tương đương 50% dân số, đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương toàn quốc tương đương với 80% dân số, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu truyền hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, gồm truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet.

Ba là đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia dùng ngân sách nhà nước. Đến năm 2020, đã có 4 đơn vị trong đó có 3 công ty cổ phần tham gia truyền dẫn phát sóng. Nguồn lực xã hội tham gia số hoá truyền hình đã đạt được trên 50%.

Bốn là năm 2011, 100% các nhà đài vừa làm nội dung vừa truyền dẫn phát sóng thì đến nay 100% các đài PTTH địa phương đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ 5 hoàn thành dừng phát sóng truyền hình tương tự. 4 nước đã hoàn thành trước chúng ta là Brunei (năm 2017), Singapore, Malaysia (năm 2019) và Thái Lan (đầu năm 2020) đều là những nước có quy mô dân số nhỏ hơn và địa hình dễ phủ sóng hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Số hóa truyền hình Việt Nam phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Số hóa truyền hình Việt Nam phát biểu.

"Chúng ta đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN là hoàn thành việc tắt sóng vào năm 2020. Trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm" - Bộ trưởng khẳng định.

Những cách tiếp cận phù hợp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, để có được thành công này, Việt Nam đã có những cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công đề án Số hóa truyền hình.

Thứ nhất, hoàn thành hành lang pháp lý trước. Ban chỉ đạo đề án đã phối hợp cùng với các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Thứ hai, có lộ trình phù hợp, làm thí điểm trước tại Đà Nẵng, tiếp theo là các thành phố lớn, khu vực cao, sau đó là các tỉnh đồng bằng và cuối cùng là các địa phương vùng núi.

Thứ ba, tập trung đi thẳng vào công nghệ hiện đại bằng cách chọn công nghệ DVB-T2 khi mới chỉ có 6 nước chọn công nghệ này nhưng đây là công nghệ tiên tiến, vừa có chất lượng cao, vừa tiết kiệm được băng tần hơn và thực tế chứng minh là chúng ta đúng. Đến nay 90% các nước sử dụng công nghệ này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích trong việc thực hiện đề án Số hóa truyền hình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích trong việc thực hiện đề án Số hóa truyền hình.

Thứ tư, sáng tạo, linh hoạt vận dụng cơ chế tài chính phù hợp. Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, Bộ TT&TT và các Bộ liên quan đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo thiết bị thu kỹ thuật số. Theo đó đã có gần 2 triệu hộ gia đình được hỗ trợ với trên 1.000 tỷ đồng.

Thứ năm, quan tâm và lắng nghe ý kiến của người dân, đặt người dân làm trung tâm. Đối với người dân khi tiếp cận sử dụng công nghệ mới, hiện đại sẽ gặp những khó khăn so với việc quen sử dụng công nghệ cũ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã thiết lập riêng một tổng đài để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ các hộ dân trong việc chuyển đổi. Các khó khăn khi sử dụng công nghệ mới được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Thứ sáu, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Việc tắt sóng truyền hình tương tự liên quan đến trên 20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc nên việc truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dân phải nhận thức được tắt sóng tương tự là để nâng cao chất lượng truyền hình, để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp giúp nâng cao đời sống.

Thứ bảy, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc triển khai đề án. UBND các tỉnh, thành phố đã sát sao triển khai các nhiệm vụ của đề án trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo của địa phương, triển khai thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất để truyền tải chương trình truyền hình địa phương, hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Bộ trưởng khẳng định: "Truyền hình tương tự đã hoàn thành sứ mạng. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số công nghệ số thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình. Trong tương lai, việc chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực sẽ xảy ra. Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải liên tục chuyển đổi. Chuyển đổi để đón nhận những cơ hội mới, chuyển đổi để tiến tới những điều tốt đẹp hơn và công cuộc chuyển đổi lớn nhất của chúng ta là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số, gọi là chuyển đổi số mà Ngành ta được giao lĩnh ấn tiên phong. Kế thừa và mở ra không gian mới sẽ là cách mà chúng ta làm để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia".

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án - cho biết thêm 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước có thể xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đề án Số hóa truyền hình

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đề án Số hóa truyền hình

Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị.

"Đề án đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho gần 1,9 triệu hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một số địa phương còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn địa phương và các hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí của địa phương" - Cục trưởng Nguyễn Đức Trung khẳng định.