PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kháng thuốc kháng sinh đang là thách thức lớn đối với cộng đồng, bởi không ở ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như Việt Nam.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh: Minh Thuý)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh: Minh Thuý)

Đó là nhận định của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - tại hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX với chủ đề phòng, chống kháng kháng sinh do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (26/11).

Kháng thuốc kháng sinh chỉ vì thói quen

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên- Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam - đánh giá: Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác quản lý dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với yêu cầu đổi mới toàn diện ngành Y tế, sự ra đời của nhiều thuốc mới đã mang lại nhiều lợi ích to lớn trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân cùng nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng. Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên- Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên- Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

Tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường mà còn kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí của người bệnh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, sau khi Bộ Y tế có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Bộ Y tế, WHO và các cơ quan liên quan đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện kế hoạch này. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.

Kê đơn, cấp thuốc không hợp lý

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trang tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao ở nước ta, trong đó có việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh không hợp lý.

“Không ở đâu mua kháng sinh dễ như Việt Nam, đây là 1 thách thức lớn của cộng đồng” - ông Khuê nói.

Ngoài ra, việc bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà về sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao ở nước ta.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Minh Thuý)

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Minh Thuý)

Tổng kết những kết quả của 7 năm thực hiện Quyết định của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020, ông Khuê cho biết: Hiện, Ban chỉ đạo, điều hành, đơn vị điều phối về kháng thuốc kháng sinh đã được thiết lập. Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc kháng sinh, giám sát về nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cũng đã được thiết lập, triển khai. Năng lượng, kỹ thuật, năng lực giám sát của các bệnh viện trong hệ thống giám sát được tăng cường. Dữ liệu về kháng thuốc kháng sinh, nhiễm khuẩn khuẩn bệnh viện đã được thu thập định kỳ, tương đối đầy đủ. Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đã được một số BV triển khai hiệu quả. Hợp tác quốc tế cũng được tăng cường, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Khuê cho hay: Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đổi mặt với vấn đề kháng thuốc kháng sinh., Đại Hội đồng Y tế Thế giới vừa thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh. Đến tháng 9/2016, 193 quốc gia trên thế giới đã cùng ký Tuyên bố của Liên hợp quốc hành động về kháng thuốc kháng sinh. Tái khẳng định cam kết xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia về AMR, dựa trên kế hoạch hành động toàn cầu.

Với chủ đề “Phòng chống kháng kháng sinh”, hội nghị khoa học thường niên tổ chức năm nay có 12 báo cáo khoa học của các báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trình bày.

Hội nghị là diễn đàn khoa học để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, các thầy thuốc lâm sàng cập nhật các thông tin y học trong nước và trên thế giới, chia sẻ các nghiên cứu, kinh nghiệm các biện pháp phòng chống kháng thuốc trong cộng đồng và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, sự giảm đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người.