Ông Zelensky tuyên bố lấy lại Crimea, Nga triển khai các biện pháp bảo vệ cây cầu quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi xảy ra các vụ nổ liên tiếp tại các cơ sở quân sự trong ngày thứ Ba (16/8), ông Sergey Aksyonov người đứng đầu cơ quan hành chính Crimea do Nga kiểm soát đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên bán đảo Crimea.
Kho vũ khí của Nga ở ở thị trấn Dzhankoi, miền bắc Crimea phát nổ sáng 16/8 (Ảnh: Thenews).
Kho vũ khí của Nga ở ở thị trấn Dzhankoi, miền bắc Crimea phát nổ sáng 16/8 (Ảnh: Thenews).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, sáng thứ Ba (16/8) sau khi xảy ra vụ nổ tại kho vũ khí và trạm biến áp ở thị trấn Dzhankoi, miền bắc Crimea, khoảng 3.000 dân làng ở khu vực lân cận đã được sơ tán khỏi địa bàn. Đến gần trưa, lại có thêm một căn cứ không quân khác của Nga ở Crimea xảy ra nổ nhiều lần, khói đen bốc lên mù mịt.

Cũng giống như vụ nổ lớn ở sân bay Saky chiều ngày 8/8, phía Ukraine không công khai thừa nhận đã tiến hành các vụ tấn công, nhưng một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine đã tuyên bố các lực lượng đặc biệt Ukraine “đã thâm nhập phía sau chiến tuyến của kẻ thù để thực hiện việc phá hủy các kho vũ khí”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tối 16/8 cũng đã phát biểu qua video, “cảm ơn những người chống quân chiếm đóng” và cảnh báo mọi người “không nên đến gần các cơ sở quân sự của Nga, cũng như các địa điểm cất giữ trang thiết bị và đạn dược của quân đội Nga”.

Tổng thống Ukraine Zelensky: "Tôi đã quyết định thành lập một ủy ban tư vấn về việc lấy lại Crimea và Sevastopol..." (Ảnh: QQ).

Tổng thống Ukraine Zelensky: "Tôi đã quyết định thành lập một ủy ban tư vấn về việc lấy lại Crimea và Sevastopol..." (Ảnh: QQ).

Bán đảo Crimea đã trở thành một phần lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Việc mất Crimea luôn là mối quan tâm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông đã nhiều lần công bố kế hoạch thu hồi vùng lãnh thổ này và tuyên bố ông cho rằng bán đảo Crimea đã “bị chiếm đóng”.

Thời gian gần đây, nguyện vọng lấy lại Crimea của ông Zelensky ngày càng trở nên mạnh mẽ. Vào ngày 15/8, ông Zelensky thông báo trên trang web của tổng thống: "Tôi đã quyết định thành lập một ủy ban tư vấn về việc lấy lại Crimea và Sevastopol với tư cách là một cơ quan tư vấn và cố vấn trực thuộc sự lãnh đạo của Tổng thống Ukraine. Văn phòng Tổng thống trong vòng một tháng phải đưa ra đề xuất cho người đứng đầu Văn phòng về thành phần nhân sự của ủy ban này”. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 15/8.

Đại diện của Ukraine tại Crimea, Tamira Tasheva, cho biết Ukraine sẽ lấy lại khu vực này bằng các biện pháp quân sự. Về vấn đề này, truyền thông Nga cho rằng “ý đồ lấy lại Crimea” của Ukraine sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Ukraine và thậm chí có thể diễn biến thành một cuộc chiến tranh thế giới.

Cầu Crimea nối đất liền Nga với bán đảo Crimea được Nga xây dựng hiện được bảo vệ nghiêm ngặt (Ảnh: QQ).

Cầu Crimea nối đất liền Nga với bán đảo Crimea được Nga xây dựng hiện được bảo vệ nghiêm ngặt (Ảnh: QQ).

Và nếu Ukraine tấn công Crimea, cây cầu Crimea do Nga xây dựng chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu. Tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO họp hồi tháng 6, ông Zelensky đã thảo luận về kế hoạch phá hủy Cầu Crimea với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace.

Để ngăn ngừa cuộc tấn công của quân đội Ukraine, phía Nga đã cho bảo vệ đặc biệt cầu Crimea.

Theo Đại tá về hưu Viktor Baranets, nhà quan sát quân sự Nga, cầu Crimea hiện được bảo vệ bằng đường không, đường biển, mặt đất và các cấu trúc hỗ trợ, trên các cấu trúc đó được lắp đặt các cảm biến đặc biệt để theo dõi và tiêu diệt vật thể. Nếu có ai đó xâm nhập vào khu vực dưới cầu, sẽ bị tiêu diệt.

Ông Viktor Baranets nói: "Cầu Crimea là một công trình chiến lược, được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh và khả năng có thể. Nó được bảo vệ trên không, nhiệm vụ của các máy bay chiến đấu của chúng ta đóng tại Crimea liên tục tuần tra ở đó. Trên bộ, chúng ta có các tổ hợp phòng thủ bờ biển, tên lửa phòng không S-300 và S-400. Trên mặt nước, cây cầu được các tàu chiến và tàu tuần tra của Cục An ninh Liên bang (FSB) của chúng ta bảo vệ. Bản thân cây cầu được bảo vệ bằng một cảm biến đặc biệt. Nếu có ai bò dưới nước, hệ thống sẽ lập tức có phản ứng."

Ông Baranets cũng nói thêm rằng Ukraine không có khả năng phá hủy cầu Crimea. "Không có mục tiêu chiến lược nào trên thế giới được bảo vệ 100%. Lầu Năm Góc không an toàn 100% và Nhà Trắng cũng không an toàn 100%. Kẻ thù xảo quyệt và gian ngoan luôn nghĩ cách chiến thắng những vật thể và người bảo vệ. Chúng ta đã xem xét đến điều này đó và làm mọi thứ có thể để bảo vệ cầu Crimea. Hiện nay liên tục có thông tin về các cuộc tập kích cầu Crimea. Người Ukraine mơ tưởng phá hủy được cầu Crimea. Nhưng tôi muốn nói: ‘Các người, hãy thử xem!’. Họ đang đặt cược vào hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS của Mỹ, nhưng chúng vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Ukraine không có đủ phương tiện để phá hủy cây cầu Crimea".

Nga thông báo sẽ xây dựng thêm hai trạm radar Voronezh cảnh báo sớm tên lửa (Ảnh: QQ).

Nga thông báo sẽ xây dựng thêm hai trạm radar Voronezh cảnh báo sớm tên lửa (Ảnh: QQ).

Để ngăn chặn việc đất liền Nga bị tấn công bằng tên lửa, ngày 16/8, nhà thiết kế chính hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa của Nga, ông Sergei Boyev, thông báo sẽ xây dựng thêm hai trạm radar cảnh báo sớm tên lửa Voronezh.

Ông Boyev nói: "Hai trạm radar cảnh báo sớm sẽ được triển khai ở Viễn Đông và Tây Bắc. Các trạm radar cảnh báo sớm này là cần thiết để dễ dàng phát hiện các vật thể không gian và khí động học, bao gồm cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo".

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã đi trước các đối tác phương Tây hàng chục năm về vũ khí. Nhà lãnh đạo Nga đã lấy ví dụ là các vũ khí chính xác cao, công nghệ robot chiến trường, cũng như các hệ thống chiến đấu.