Ông Nguyễn Tử Quảng: Chat GPT đang lan truyền với tốc độ ánh sáng nhưng luật pháp chưa theo kịp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch tập đoàn BKAV đã tham gia ký tên ủng hộ việc tạm dừng phát triển công cụ hỏi đáp trực tuyến ChatGPT. Để làm rõ vấn đề, VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông.
Ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn BKAV
Ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn BKAV

PV: Xin ông cho biết vì sao ông ủng hộ việc tạm dừng phát triển ChatGPT?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Nói đúng ra thì việc này của tôi xuất phát từ lá thư kêu gọi của một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế là Viện Nghiên cứu Tương lai. Tổ chức này đã từng kêu gọi về việc hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân và rất nhiều công nghệ khác.

Viện Nghiên cứu Tương lai mong muốn tạm dừng phát triển ChatGPT trong thời hạn 6 tháng. Cá nhân tôi đã nghiên cứu rất kỹ về việc này và thấy rằng kết quả của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đột phá rất khủng khiếp. Có thể ChatGPT không hiểu câu nói nhưng những kết quả đưa ra đã giống như con người.

Như vậy, ChatGPT có thể làm đảo lộn nhiều thực tế trong xã hội. Và nếu như chúng ta chưa có những luật lệ để điều chỉnh thì có thể ChatGPT sẽ gây ra những hậu quả không khắc phục được. Nếu như không có những thoả thuận quốc tế cho thực tế này thì có thể dẫn đến những cuộc chạy đua ngoài sức kiểm soát và không cứu vãn được.

PV: Mới đây, Chính phủ Italia đã chính thức chặn ChatGPT trên lãnh thổ của họ. Ông nghĩ gì về việc này?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Theo tôi, đây là quan điểm của mỗi quốc gia. Nguyên nhân vì ChatGPT sẽ có những tác động khó kiểm soát về văn hoá. Tôi muốn lấy ví dụ về rau chân vịt. Có một luận chứng khoa học về hàm lượng sắt trong loại rau này. Và các thông tin này đã từng bị nhầm lẫn khiến có thể đem lại sức mạnh rất lớn. Khi chưa có Internet mà đặc biệt là công cụ ChatGPT thì những thông tin được lan truyền có thể đính chính kịp thời.

Tuy nhiên, với ChatGPT thì tốc độ lan truyền ngang với ánh sáng thì việc đính chính, khắc phục hậu quả là dường như không thực hiện kịp. Sự lan truyền này đúng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Nghĩa đen là ChatGPT được lan truyền qua Internet bằng cáp quang theo tốc độ ánh sáng. Còn nghĩa bóng là đã ghi vào trong suy nghĩ của mọi người rồi và việc đính chính để thay đổi là không thực hiện kịp nên rất nguy hại đến xã hội.

Dù sao, cũng phải thừa nhận ChatGPT là một thành tựu lớn của nhân loại. Và trong đó, có những đóng góp không nhỏ của người Việt Nam chúng ta. Có đến 2/4 model mang tính quyết định của ChatGPT là do người Việt Nam làm ra.

Việc có mở cửa hay không với ChatGPT là theo quan điểm của tuỳ từng nước. Họ có thể chặn ChatGPT một cách tạm thời và sẽ mở lại khi công cụ luật pháp đã đầy đủ. Ở đây, tôi muốn nói đến chiến tranh hạt nhân thì vẫn phải dùng đến tên lửa. Song tên lửa thì không thể bay với tốc độ ánh sáng được. Vì thế, sự lan truyền của ChatGPT không thể là chuyện đùa.

PV: Theo chúng tôi được biết, ChatGPT đã được Microsoft đầu tư rất lớn với số tiền lên tới 13 tỉ USD. Và công cụ hỏi đáp này được thực hiện với cả 100 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt. Tuy nhiên, tiềm lực đầu tư ở Việt Nam khó có thể bì được. Liệu rằng, cơ hội có còn cho các nhà đầu tư ở Việt Nam với các công cụ hỏi đáp thông minh?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Theo tôi, khoản tiền đầu tư 13 tỉ USD của Microsoft vào Open AI với ChatGPT là về sau chứ không phải ngay lúc đầu. Còn xuất phát điểm thì số tiền đầu tư cho ChatGPT của Open AI là 1 tỉ USD vào năm 2019. Những khoản đầu tư của Microsoft là để tạo ra các kết quả tiếp theo.

Và những kết quả đạt được của ChatGPT có thể nói là rất khủng khiếp. Dù sao khoản đầu tư ban đầu 1 tỉ USD đối với Open AI cũng là rất lớn. Song sau đó còn phải tiếp tục khai phá thêm rất nhiều tri thức và khoản đầu tư khổng lồ của Microsoft là để làm việc đó.

Như ở BKAV của chúng tôi từng nghiên cứu, lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa khả thi cho Việt Nam chúng ta. Cá nhân tôi rất kỳ vọng và khuyến khích cho những nghiên cứu về mô hình này. Song dù sao đây cũng là những thành tựu rất là đột phá và chúng ta hiếm khi bắt nhịp được ngay với nó. Vì thế, phải đầu tư để khai thác và bắt nhịp cùng ChatGPT.

Đặc biệt nữa là những đầu tư này giống như sinh ra một con người với đầy đủ tri thức. Chúng ta đã bước đầu cảm nhận việc này và len lỏi vào những dư địa có nhiều lợi thế riêng. Đây là thực tế không chỉ ở riêng Việt Nam mà là với rất nhiều nước với những sự khác biệt về văn hoá. Đó là thực tế mang tính bản sắc với từng quốc gia, dân tộc cần phải khai thác cho các công cụ hỏi đáp thông minh.

Còn nếu như văn hoá bị xoá nhoà thì có thể dẫn đến xã hội bị diệt vong. Nó giống như trong Thuyết Tương đối khi không còn gì để so sánh thì xã hội không còn tồn tại nữa. Thực tế, ChatGPT đã đạt được những mức độ không thua kém con người. Và với tốc độ ánh sáng thì mức độ khủng khiếp lên tới hàm mũ nên hệ luỵ có thể là rất lớn.

PV: Theo ý kiến của không ít chuyên gia, chúng ta nên phát triển các công cụ để khai thác sức mạnh của ChatGPT cho những nhu cầu đặc trưng thay vì phát triển độc lập. Ông nghĩ gì về những ý kiến này?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Thực ra, trên thế giới người ta cũng đang làm như thế. Open AI cũng mở cửa cho các đối tác khác sử dụng và khai thác theo những nhu cầu riêng. Nếu đầu tư độc lập thì sẽ rất tốn kém để chạy máy máy tính lớn và đào tạo mô hình AI. Thêm nữa là phải trả chi phí cho con người để dạy cho máy tính về xử lý tri thức. Đây là những khoản đầu tư rất tốn kém.

Vì thế, nếu như có một hệ thống dùng chung thì là điều quá tốt. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tranh thủ khai thác ChatGPT cho những nhu cầu đặc thù. Tại Việt Nam, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng có thể không đủ tiền để làm riêng các mô hình đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghiên cứu thấu đáo để xem đạt được kết quả như thế nào thì mới nên đầu tư. Và Chính phủ cũng nên có những cân nhắc và khẳng định chắc chắn về kết quả đạt được.

PV: Xin cảm ơn ông!