Tổng thống Trump đồng thời cũng chuẩn bị bãi bỏ khoản viện trợ nước ngoài hàng năm tới 22,7 tỷ USD của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (United States Agency for International Development – USAID). Thế nhưng, nay mọi chuyện đã đột nhiên thay đổi hẳn…
Hôm 5.10 mới đây, chính ông Trump đã ký “Luật vận dụng thúc đẩy đầu tư phát triển tốt hơn” (Better Utilization of Investments Leading to Development, BUILD) tăng cường đầu tư ra nước ngoài, thành lập Công ty Tiền tệ Phát triển Quốc tế Mỹ (United States International Development Finance Corporation, USIDFC), trao cho công ty này quyền cho các công ty muốn tới các nước đang phát triển đầu tư vay 60 tỷ USD và bảo lãnh, bảo hiểm cho vay tiền.
Tất cả những sự thay đổi lớn này nhằm đối phó với kế hoạch “vành đai - con đường” của Trung Quốc, ngăn chặn điều mà Washington gọi là “Kế hoạch thống trị về kinh tế, công nghệ và chính trị của Bắc Kinh” mà Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều tiền vốn đổ vào nhiều dự án lớn ở châu Á, Đông Âu và châu Phi nhằm tạo nên ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
The New York Times ngày 16.10 gọi đó là “Donald Trump muốn dùng lửa để dập lửa”. Ông Ted Yoho, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Florida nói: “Tôi đã thay đổi, ông ấy [Donald Trump] cũng đã thay đổi, hoàn toàn là bởi Trung Quốc”. Ted Yoho đã giúp thông tin, giải thích về kế hoạch này tới nhóm các nghị sỹ Cộng hòa bảo thủ thuộc phái tự do trong Hạ nghị viện, những người này xưa nay luôn phản đối viện trợ nước ngoài.
Yoho nói: “Lúc đầu, toàn bộ động lực tranh cử của tôi là chống viện trợ nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta có thể đề xuất lại và hiện đại hóa nó thì tôi không có ý kiến gì. Có người viện trợ vì lòng nhân đạo, như thế rất tốt - Cũng như những người như tôi làm điều đó vì an ninh quốc gia, cũng rất tốt”.
Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị cấp cao hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh để thúc đẩy thực hiện sáng kiến chiến lược “Vành đai - con đường”.
|
The New York Times cho rằng, những nỗ lực này là một bộ phận trong chính sách của chính phủ của ông Donald Trump nhằm ngăn chặn Trung Quốc mưu cầu có được địa vị chủ đạo về kinh tế và chính trị. Ông Trump đã đánh thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD để trừng phạt hành vi mậu dịch không công bằng của Bắc Kinh. Ông cho rằng hành vi của Trung Quốc khiến Mỹ lâm vào thế yếu.
Vào tuần trước, Nhà Trắng đã đề ra một kế hoạch sử dụng quyền lực được mở rộng để đánh vào các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ. Mục đích chủ yếu của hành vi này là ngăn chặn Trung Quốc có được công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ. Cũng vào tuần trước, chính phủ Mỹ cho biết sẽ hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân dụng cho Trung Quốc.
Nỗ lực của hai đảng thúc đẩy gia tăng viện trợ cho nước ngoài bắt đầu bởi chính phủ Obama. Hiện nay, được khởi động lại với tư cách là biện pháp cạnh tranh với sáng kiến “vành đai - con đường” của Trung Quốc. Mục tiêu của “vành đai - con đường” là phân phát 1.000 tỷ USD viện trợ và đầu tư cho hơn 100 quốc gia.
Đầu tư lớn nhất của Trung Quốc là hướng vào các nước Pakistan và Nigeria nhằm mở rộng thế lực địa chính trị, giành được nhiều hơn các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và dầu khí. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang chưa đủ mạnh để đổ tiền đầu tư lớn vào các nước mang lại lợi ích về tài chính và chính trị cho họ. Vào tháng trước, ông Tập Cận Bình bày tỏ Trung Quốc sẽ cung cấp cho châu Phi 60 tỷ USD viện trợ về tài chính, bao gồm các khoản cho vay và đầu tư.
Một công trình nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc tại Sri Lanka đang được xây dựng
|
Những đầu tư đó đã khiến bên ngoài lo ngại. Ví dụ các nước nghèo thuộc thị trường mới nổi như Djibouti và Sri Lanka có thể bị Trung Quốc khống chế. Nếu những nước này vi phạm trong việc trả nợ, Trung Quốc có thể lấy đi tài sản ở đó.
“Hoạt động chủ yếu của Trung Quốc là làm những thứ người khác không muốn làm như những tuyến đường sắt ở các nước châu Phi đang có thù hận lẫn nhau, những tuyến đường bộ ở các khu vực tình hình bi đát, các nhà máy điện không thể có lãi” – Ông Derek M. Scissors, nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) nói. Ông bổ sung thêm: “Nếu nước nào đó không thể hoàn tiền, Trung Quốc sẽ lấy đi thứ tài sản họ muốn. Nhưng họ không thiết lập bẫy nợ. Việc này liên quan đến vấn đề mở rộng ảnh hưởng và thi triển lực lượng”.
Hành động của Mỹ không được hoành tráng như thế nhưng “ít nhất giúp chúng ta có thể cạnh tranh” – Tom Hart, giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của ONE - một tổ chức phi lợi nhuận do nhà hoạt động âm nhạc Bono sáng lập cho biết.
USIDFC sẽ thay thế OPIC được thành lập từ 1971 trong việc khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào các nước đang phát triển với năng lực lớn gấp đôi. Hạng mục viện trợ 60 tỷ USD mới được ủy quyền cho Cục Quản lý Hàng không liên bang (Federal Aviation Administration) trong 5 năm, nhờ nỗ lực của cả hai đảng. Tham gia vào nỗ lực này có ONE, Quỹ Brookings Institution và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Chủ tịch Hội đồng quản trị OPIC Ray Washburne và lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng hòa ở bang Texas.
Giống như đại đa số các cơ quan phát triển nước ngoài khác, OPIC đã bị cánh Hữu phê phán mạnh mẽ. Những người phản đối cho rằng sự viện trợ đó là lãng phí tài nguyên. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, Hạ nghị viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã do dự không thông qua việc tái lập tổ chức này. Còn ông Donald Trump trong thời gian tranh cử cũng thề “sẽ chấm dứt viện trợ cho các quốc gia thù địch với nước Mỹ”.
Năm ngoái, sau khi được bổ nhiệm làm người chủ quản về dự toán ngân sách, ông Mick Mulvaney đã đề nghị cắt giảm 1/3 dự toán viện trợ nước ngoài của chính phủ, kế hoạch này đã lấy đi ngân sách của OPIC.
Nhận xét về những thay đổi quan trọng trong chính sách viện trợ nước ngoài của chính phủ Donald Trump, Thượng nghị sỹ Bob Corker - Chủ tịch Ủy ban quan hệ ngoại giao Thượng nghị viện (Senate Foreign Relations Committee) nhấn mạnh: "hành động này thể hiện sự thay đổi có tính chiến lược". Ông nói, trong việc cạnh tranh với Trung Quốc, ông Donald Trump có lẽ đã hiểu rõ nếu chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự thì không đủ.
Bob Corker nói: “Chúng ta đã thấy cách làm của Trung Quốc tại các nơi ở châu Phi và Nam Mỹ, nhất là Venezuela. Mọi người bắt đầu biết rõ chúng ta cần phải tham gia vào công việc của các quốc gia này, không chỉ vì kết quả đầu tư, mà cũng là phương thức để hướng dẫn họ theo kinh tế thị trường”. Ông cho rằng: “Hiện giờ, mọi chính sách ngoại giao của chúng ta đều tập trung vào việc chế ngự Trung Quốc, nhất là các hành vi xấu xa của họ”.
Hành khách trên tuyến đường sắt ở Kenya do Trung Quốc đầu tư xây dựng
|
Về động cơ gia tăng đầu tư vào châu Phi của chính phủ Donald Trump,ông Todd Moss - chuyên gia phân tích của Trung tâm phát triển toàn cầu (Center for Global Development) nói: “Một phần nguyên nhân là đến từ Trung Quốc bởi họ hoạt động rất sôi động tại nhiều thị trường”. Todd Moss cho rằng, đạo luật BUILD là công cụ để hiện đại hóa chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Chính phủ Mỹ từng bày tỏ lo ngại về lãnh đạo các nước châu Phi và nhận thấy họ đã không nhìn rõ ý đồ thực sự của chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.
Ông Ray Washburne, người đứng đầu OPIC dự kiến vẫn sẽ ở lại lãnh đạo USIDFC mới thành lập, đã nói với các nhà báo: “Trung Quốc không giúp đỡ các nước khác thông qua cho vay và đầu tư quy mô lớn, mà là nhằm chiếm đoạt tài sản của họ”. Ông nói: “Họ hứng thú với công nghiệp và các mỏ khoáng sản của các quốc gia khác. Còn chúng ta thì hứng thú với việc tạo ra việc làm để giúp những thực thể kinh tế đó phát triển ổn định”.
Ray Washburne nói, USIDFC sẽ sử dụng quỹ 60 tỷ USD này như phương thức thực tế chứ không phải thủ đoạn viện trợ, để giúp các quốc gia, bao gồm các nước châu Á và Nam Mỹ phát triển.