Theo trang tin Đa Chiều (DWNews), ngày 11.10 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua “ngày Thứ Năm đen tối”. Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải xuống đến mức thấp nhất chỉ còn 2.583,46 điểm, giảm tới 5,22% trong vòng 1 ngày, tương đương mức sụt giảm lớn nhất hồi tháng 1.2016 và xuống tới mức thấp nhất kể từ tháng 11.2014 tới nay. Chỉ số Shenzhen Composite của sàn Thâm Quyến kết thúc phiên giao dịch ở mức 7.753,3 điểm, giảm tới 6,07%, xuống đến mức hồi tháng 9.2014. Trên cả hai sàn có tới 1.100 mã giảm và ngừng giao dịch, màn hình rực sắc xanh – thể hiện các mã bị giảm điểm theo cách của Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ở vào tình trạng sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2014.
|
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng bi đát không kém. Ngày 10.10, chỉ số Dow Jones tụt mất 832 điểm.mức độ giảm tới 3,15%, lập kỷ lục mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng 2 tới nay; chỉ số S&P 500 cũng mất 94,66 điểm (3,29%) còn 2.785,68 điểm, giảm 5 phiên liên tiếp – sự sụt giảm liên tục dài nhất kể từ tháng 11.2016; chỉ số Nasdaq cũng giảm 315,97 điểm (4,08%) xuống 7.422,05 điểm, lập kỷ lục thấp nhất trong 3 tháng qua, đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số Nasdaq kể từ ngày 24.6.2016.
Các hãng truyền thông lớn như “The New York Times”, BBC, CNN đều cho rằng, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ đã kéo theo sự tụt dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Reuters cho rằng, trước đây khi chứng khoán Mỹ tăng điểm thì thị trường chứng khoán Trung Quốc không tăng theo, nhưng nay khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm thì lại tụt dốc theo, cho thấy trạng thái tinh thần của các nhà đầu tư Trung Quốc hiện rất bi quan, thiếu tin tưởng.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới. Theo cách nói thị trường tiền tệ có chu kỳ khủng hoảng 10 năm, đối với Trung Quốc thì 10 năm trước chỉ số Shanghai Index của sàn Thượng Hải đã từng giảm tới 72% vì khủng hoảng tiền tệ. Hãng Bloomberg phát hiện trong 12 tháng qua, chỉ số Shanghai Index của sàn Thượng Hải đã giảm tổng cộng 24%, trở thành sàn chứng khoán yếu nhất thế giới. Nếu không có sự hồi phục, e rằng sẽ làm gia tăng thêm nỗi lo ngại của các nhà đầu tư về một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới.
Nhiều hãng truyền thông lớn, bao gồm Reuters, “The New York Times”, “Financial Times” đều cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc là do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các nhà đầu tư nhìn rõ xu thế phát triển của các nền kinh tế, cảm thấy không lạc quan về viễn cảnh kinh doanh của các công ty nên tới tấp bán tháo cổ phiếu, dẫn tới việc thị trường chứng khoán lao dốc.
Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dị Cương cho rằng thị trường chứng khoán sụt giảm chỉ là tạm thời...
|
Đối với Trung Quốc, áp lực khiến kinh tế suy giảm càng trở nên rõ hơn. Sau khi chỉ số Shanghai Index của sàn Thượng Hải phá vỡ mốc 3000 điểm. ông Dị Cương (Yi Gang), Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng, về tổng thể kinh tế Trung Quốc vẫn rất tốt, việc thị trường chứng khoán sụt giảm chỉ là tạm thời. Nhưng khi Chiến tranh thương mại khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tiêu dùng bị sụt giảm thì áp lực do thị trường chứng khoán mang lại đã trở nên rõ nét hơn. Nếu vấn đề này không được giải quyết sẽ khiến lòng tin của dân chúng đối với chính phủ suy giảm. Đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thì giá cổ phiếu không tăng theo, khi chiến tranh thương mại khiến tốc độ phát triển kinh tế giảm đi, cộng thêm thị trường chứng khoán ảm đạm lại khiến tâm trạng bi quan lan rộng.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ đã dẫn đầu trong việc sụt giảm cả sàn chứng khoán. Hãng Bloomberg phát hiện thấy ở Trung Quốc giá cổ phiếu của các công ty ZTE (Trung Hưng), 360 Total Security bị giảm tới 9%. Còn ở Mỹ, cổ phiếu của Apple giảm mất 4,63%, Microsoft mất 5,43%, Amazon mất 6,15% và Google mất 4,63%.
Đối với cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc, mục tiêu chủ yếu mà ông Donald Trump nhằm tới trong cuộc chiến mậu dịch lần này là các công ty liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025”. Công ty ZTE chịu thiệt hại lớn sau khi bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt đã cho thấy rõ các công ty công nghệ Trung Quốc thiếu năng lực tự chủ sáng tạo khi đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại, bộc lộ những mặt yếu kém khi đối mặt với môi trường kinh tế bên ngoài. Vì vậy, cũng không khó hiểu vì sao cổ phiếu các công ty công nghệ lại trở thành những mã đi “tiên phong” khi thị trường chứng khoán bị sụt giảm toàn sàn.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ lại bày tỏ lạc quan trước biến động nói trên trên thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho rằng, kinh tế Mỹ hiện nay đang rất mạnh, thị trường chứng khoán sụt giảm chỉ là sự điều chỉnh tạm thời, về lâu dài mà xét thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tốt. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders phát biểu sau khi kết thúc phiên giao dịch, những mặt cơ bản hiện nay và viễn cảnh kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 55 năm qua, các công ty và gia đình được hưởng lợi qua biện pháp giảm thuế của chính phủ. Bà cho rằng, nguyên nhân giành được thành tựu lịch sử đó là do chính sách kinh tế của ông Donald Trump và những chính sách đó sẽ tiếp tục tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng tiếp theo.
Ông Donald Trump cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng chứng khoán sụt giảm là do FED tăng lãi suất
|
Tuy nhiên, những thành tựu đó không che đậy được những áp lực mà ông Trump và Đảng Cộng hòa đang phải đối mặt. Việc bùng phát sụt giảm chứng khoán lần này sẽ trùm bóng mây lên cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Trước đây, ông Trump tuyên bố: thị trường chứng khoán Mỹ tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm là phúc lợi do chính sách “America First” (Ưu tiên nước Mỹ) của ông mang lại. Nhưng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, thị trường chứng khoán lại sụt giảm đến mức lớn như thế, rõ ràng là một đòn mạnh giáng vào cuộc chiến tranh cử của ông.
Ông Donald Trump không thừa nhận Chiến tranh thương mại với Trung Quốc chính là nguyên nhân căn bản khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, mà cho rằng nguyên nhân gây nên việc này là chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua hai phiên giao dịch tồi tệ, ông đã liên tục chỉ trích FED về việc tăng lãi suất, cho rằng FED là “thủ phạm” phía sau cú sụt chóng mặt ở Phố Wall.
Theo hãng tin CNBC, xuất hiện trên kênh Fox News, Donald Trump nói ông “không vui” với FED và không thể hiểu nổi vì sao FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông nói: “Tôi đang có vấn đề với FED, FED thật điên rồ. Ý tôi là tôi không hiểu vì sao họ lại nâng lãi suất. Việc đó thật nực cười…Theo quan điểm của tôi, lý do khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nằm ở lãi suất trái phiếu kho bạc và FED. Chẳng có lý do gì để FED nâng lãi suất cả. Tôi không vui vì họ làm như thế”. Quan điểm này của ông Trump cũng giống với CNN khi họ cho rằng FED tăng lãi suất khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu dẫn đến thị trường chứng khoán sụt giảm.
Chủ tịch FED Jerome Powell: chính ông Donald Trump mới phải chịu trách nhiệm về việc thị trường chứng khoán sụt giảm
|
Trước những ý kiến chỉ trích này, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang đã đáp trả mạnh mẽ, cho rằng chính ông Donald Trump mới phải chịu trách nhiệm về việc thị trường chứng khoán sụt giảm và nói, trong tình hình kinh tế đang ở vào thế mạnh hiện nay, việc duy trì lãi suất cao có lợi cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Mỹ.
Đa Chiều cho rằng, qua đây có thể thấy rõ, việc thị trường chứng khoán sụt giảm bộc lộ giữa Nhà Trắng và FED có bức tường ngăn cách rất lớn và đang gia tăng. Và, ông Trump trong tình hình bất lực không thay đổi được việc thị trường chứng khoán lao dốc, đành phải trút bỏ trách nhiệm sang FED để tránh bị mất thêm nhiều phiếu bầu.
Báo này kết luận, tóm lại, thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc sụt giảm chính là sự phản ánh hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Trung Quốc phải đương đầu với sức ép kinh tế sụt giảm. Còn phía Mỹ, ông Donald Trump vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đã trút trách nhiệm lên Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED.