Việt Lâm
Việt Lâm

Đại học Fulbright Việt Nam.

“Nút thắt cổ chai” của giáo dục Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Hai mươi năm đã đi qua, tôi vẫn còn nhớ mãi cô giáo dạy Toán năm lớp 6, người đã luôn khuyến khích học trò tự tìm tòi các cách giải toán khác nhau, thay vì cố gắng thuộc lòng và sao chép một cách giải có sẵn trong sách giáo khoa.

Mỗi giờ học với cô luôn tràn đầy niềm vui khi lũ học trò chúng tôi say mê tìm kiếm các lời giải khác nhau theo những cách ngắn nhất hay bất ngờ nhất. Rồi thầy giáo dạy Văn năm lớp 9 luôn động viên chúng tôi hãy viết ra những gì chúng tôi thực sự cảm nhận và suy nghĩ, không chấp nhận bất kì một “khuôn mẫu” nào.

Còn thầy dạy Sử, người không bắt chúng tôi phải ghi nhớ ngày/ tháng/ năm nào hay “ta bắn chết bao nhiêu tên địch”, mà yêu cầu chúng tôi đi tìm câu trả lời “Vì sao sự kiện này lại diễn ra?; bài học lịch sử nào mà chúng tôi thấy thực sự ý nghĩa cho hôm nay?”…

Sau này, khi đã trưởng thành và có thêm nhiều trải nghiệm sống, tôi mới nhận ra: Thôi thúc trí tò mò; khát khao tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh; khả năng tư duy phản biện, không chấp nhận một đáp án duy nhất – những giá trị mà các nhà cải cách giáo dục thời nay đang cổ xúy – đã được ươm mầm từ những ngày xa xưa hơn hai chục năm trước, bởi những thầy cô giáo ở một ngôi trường tỉnh lẻ.

Trong cuộc phỏng vấn 100 nhân vật thành công nhất ở nước Mỹ, khi được hỏi rằng điều gì ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của họ trong sự nghiệp sau khi rời ghế nhà trường, có hai câu trả lời nhận được sự chia sẻ nhất: “Tôi đã có một người thầy thực sự quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của tôi”, và “Tôi đã có một người hướng dẫn đã đồng hành cùng tôi trong suốt bốn năm đại học”.

Không ai trả lời rằng “Tôi được học tại trường danh tiếng hàng đầu” hay có “cơ sở vật chất không đâu sánh bằng” hay “được học bộ sách giáo khoa và chương trình tiên tiến nhất”.

Dù thời đại có thay đổi, dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, nhưng không gì có thể thay thế được vai trò người thầy, những người mang đến cảm xúc, sự đam mê và tin tưởng cho học sinh.

Áp lực thành tích đang ghì cương tự do sáng tạo

Điều đáng buồn, là không có nhiều học trò ngày nay có may mắn gặp được những người thầy thực sự truyền cảm hứng cho học sinh như thế hệ chúng tôi khi xưa.

Là người mẹ có con đã trải nghiệm cả hai mô hình trường công lập lẫn trường tư thục, tôi vẫn không quên được nỗi “ám ảnh” của hai mẹ con khi luôn phải dành cả cuối tuần để làm cho hết khối lượng bài tập đồ sộ mà thầy cô giao, bất kể thực tế con mới bắt đầu những năm tiểu học và ngành giáo dục thì luôn hô hào giảm tải.

Khi trao đổi với giáo viên, các cô phân trần rằng: “Không giao bài tập, không yêu cầu các con học thuộc lòng công thức, thì đến kì thi cuối năm, điểm không cao, thành tích của lớp, của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng”.

Áp lực thành tích đã khiến người giáo viên chọn con đường dễ dàng và an toàn hơn cả.

Không biết từ bao giờ, giáo dục đã trở thành một cuộc ganh đua thành tích giữa các thầy cô, giữa các trường, các địa phương, nơi điểm số và giải thưởng đã trở thành đích đến của giáo dục, chứ không phải sự thay đổi tích cực, dài hạn và có chiều sâu của học sinh.

Cũng không biết từ khi nào, nghề giáo viên, cách đây chưa lâu còn được xem là nghề cao quý, sinh viên giỏi mới được nhận vào sư phạm, giờ đã trở thành lựa chọn bất đắc dĩ của lớp sinh viên trẻ sau này

Tuy nhiên, thật không công bằng khi đòi hỏi những người thầy, người cô phải dành thời gian nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn khi hàng ngày họ vẫn phải vật vã trong cuộc mưu sinh, với mức lương vài triệu đồng mỗi tháng, thua xa lương của người công nhân kiếm được trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Vấn đề là ngay cả ở những trường tư, nơi bố mẹ sẵn sàng đóng học phí cao ngất ngưỡng cho con và nghề giáo được trả lương tương xứng, chất lượng giáo viên vẫn không được chú trọng đúng mức bởi các trường này chỉ chăm lo dịch vụ.

70% thời gian của nhiều giáo viên chỉ để làm sổ sách, báo cáo, phản hồi thông tin với phụ huynh.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tư vấn đào tạo từng làm việc với hàng ngàn giáo viên phổ thông mấy năm qua cho rằng số giáo viên có tài và có tâm không được đến 50%. Con số ước tính này của TS. Hiếu có vẻ còn lạc quan hơn nhiều so với số liệu khảo sát thực trạng năng lực giáo viên của Đại học Sư phạm Hà Nội, theo đó, số giáo viên có năng lực vững chắc để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông chỉ đạt trên dưới 20%.

“Nói ra có vẻ khó tin nhưng nhiều trường sẵn sàng đầu tư 2-3 tỷ đồng làm truyền thông nhưng đề nghị bỏ 200-300 triệu bồi dưỡng cho hàng trăm giáo viên trong một năm thì họ chê đắt", Tiến sĩ Hiếu kể.

"Vấn đề của giáo dục Việt nam là chất lượng giáo viên chứ không phải chủ trương, chiến lược không bắt kịp thế giới. Giáo viên không theo kịp được cải cách dẫn đến nhiều cải cách giáo dục thất bại", Tiến sĩ Giáp Văn Dương, đồng sáng lập Vietschool thừa nhận.

Trong rất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên, từ kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, cho tới cải thiện mức thu nhập của nghề giáo, các chuyên gia giáo dục cho rằng, mấu chốt nằm ở triết lý giáo dục và bộ giá trị cốt lõi của hệ thống giáo dục.

“Chúng ta nhìn nhà trường, nhìn học sinh như thế nào, sẽ ra giải pháp tương ứng. Nếu nhìn học sinh như một con người đang trưởng thành, như tương lai của đất nước mà chúng ta đang chung tay gây dựng, giải pháp sẽ đi theo hướng đó. Và quan trọng nhất là chuyển hóa giáo viên từ một con người công cụ thành một con người tự do.

Khi đó, họ mới thể hiện được hết tài năng, sự sáng tạo, tính nhân văn của họ. Khi đó, họ mới nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho học sinh”, Tiến sĩ Giáp Văn Dương kết luận./.