Nóng: Vaccine COVID-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất sẽ thử nghiệm trên người vào cuối tháng 1/2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế sản xuất sẽ tiêm thử cho 125 người trong giai đoạn I vào cuối tháng 1 này.
Vaccine phòng COVID-19 Covivac do IVAC sản xuất (Ảnh: IVAC)
Vaccine phòng COVID-19 Covivac do IVAC sản xuất (Ảnh: IVAC)

Thử nghiệm vaccine sớm hơn gần 2 tháng

Trao đổi với PV VietTimes vào chiều nay (3/1), TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) - cho biết vaccine phòng COVID-19 của IVAC có tên Covivac đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ,… IVAC còn gửi mẫu sang Ấn Độ và Mỹ để họ thử nghiệm trên chuột rat và chuột hamster - những động vật được cho phép sử dụng trong nghiên cứu vaccine. Qua quá trình thử nghiêm, kết quả cho thấy vaccine Covivac tạo được miễn dịch cao trên động vật.

“Vaccine Covivac đã được đánh giá có tính an toàn, khả năng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ trên động vật. Vì vậy, IVAC đã trình Bộ Y tế thử nghiệm vaccine Covivac trên người vào cuối tháng 1 năm nay” - ông Thái nói.

TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) (Ảnh: FB Dương Hữu Thái)

TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) (Ảnh: FB Dương Hữu Thái)

Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Có thể thấy, tiến độ nghiên cứu vaccine của IVAC đã nhanh hơn dự kiến gần 2 tháng.

Dự kiến trong 2 ngày 21-22/1, sau khi được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế thông qua kế hoạch thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, IVAC sẽ tiêm thử nghiệm vaccine Covivac cho 125 người đầu tiên ở giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2, khoảng 250 người sẽ được tiêm vaccine. Đến giai đoạn thử nghiệm thứ 3, IVAC đã lên nhiều phương án tuỳ thuộc vào kết quả thử nghiệm của 2 giai đoạn trước để tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine.

Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac. Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng được tiêm 2 mũi cách nhau tổng cộng 28 ngày.

Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vaccine

Những ngày gần đây, đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mới đây, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tên VOC 202012/01. Đây chính là chủng mới được ghi nhận ở Anh qua trường hợp của bệnh nhân 1435 sống ở Trà Vinh.

Việc virus SARS-CoV-2 có biến chủng mới đã khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng. Do đó, việc sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu vì vaccine là vũ khí hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch.

Virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thuý)

Virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thuý)

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 2 nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 thử nghiệm vaccine trên người gồm: Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược (NANOGEN) và IVAC.

NANOGEN là nhà sản xuất vaccine đầu tiên thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người trong giai đoạn 1. Hiện, NANOGEN đã tiêm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax cho tổng cộng 31 người. Trong số 31 người đã tiêm thử, có khoảng 60 - 70% xuất hiện các phản ứng phụ nhẹ như sốt nhẹ hoặc đau nhẹ chỗ tiêm.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax cho tình nguyện viên đầu tiên (Ảnh: Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax cho tình nguyện viên đầu tiên (Ảnh: Minh Thuý)

Đối với IVAC – nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 thứ 2 chuẩn bị thử nghiệm trên người vào cuối tháng này, TS. Dương Hữu Thái cho hay: Mục tiêu chính của IVAC là sản xuất được vaccine phòng COVID-19 có số lượng lớn lên tới hàng chục triệu liều với giá thành hợp lý. Vaccine phòng COVID-19 được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự sản xuất vaccine cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập, có thể sử dụng nhà máy sản xuất vaccine cúm đại dịch hiện có của IVAC.

Chủng NDV-LaSota-S được dùng làm vector biểu hiện protein S của virus SARS-CoV-2 có ưu điểm an toàn trên động vật, tạo được miễn dịch trên động vật thí nghiệm. Đặc biệt, chủng NDV-LaSota-S được nuôi cấy trên trứng gà cho hiệu giá cao, sản xuất được hàng triệu liều vaccine.

Chiều mai, 4/1, tại Trường Đại học Y Hà Nội sẽ có cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị cho việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine COVIVAC do IVAC sản xuất.

Cuộc họp sẽ có đại diện lãnh đạo của Bộ Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương (NIHE), Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và Tương đương Sinh học Đại học Y Hà Nội, Tổ chức PATH tại Việt Nam (PATH).

Cuộc họp sẽ cập nhật tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 tại IVAC và một số kết quả tiền lâm sàng, đồng thời, nhận chỉ đạo của Bộ Y tế về kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine COVIVAC.

Tại đây, đại diện của PATH VN sẽ giới thiệu tắt đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2 cũng như vai trò, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ của các bên có liên quan.

Sau đó các đơn vị sẽ cùng thảo luận: về phương án hợp tác và trách nhiệm các bên theo chỉ đạo của Bộ Y tế; thống nhất phương án ký kết hợp đồng chuẩn bị và triển khai thử nghiệm lâm sàng giữa các bên vv...

(Dạ Miên)