Nông dân dùng smartphone tính toán lượng nước, lượng đạm, điều khiển chăm bón

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi mỗi người dân, kể cả nông dân ở vùng xa, có smartphone thì đây chính là yếu tố hỗ trợ đắc lực để họ sáng tạo và chuyển đổi số.

Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thì nông dân sẽ thường xuyên phải ra vườn, ra ruộng để đo đạc, tính toán nhưng giờ chỉ cần ngồi một chỗ để điều chỉnh. Ảnh minh hoạ.
Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thì nông dân sẽ thường xuyên phải ra vườn, ra ruộng để đo đạc, tính toán nhưng giờ chỉ cần ngồi một chỗ để điều chỉnh. Ảnh minh hoạ.

Người bảo thủ nhất trước công nghệ mới

Ông Nadav Eshcar – Đại sứ Israel tại Việt Nam – đề cập việc thúc đẩy nông dân chuyển đổi số trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam diễn ra mới đây.

Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, quê hương ông không được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam. Israel hầu như không có nước, không có sông, rất ít có mưa và thời tiết rất khô.

“Chúng tôi ghen tị với Việt Nam vì có tài nguyên phong phú nhưng vì không có tài nguyên nên chúng tôi phải sống sót với những sáng tạo đổi mới. Chúng tôi không có lựa chọn chứ không hẳn là chúng tôi thông minh nên công nghệ của chúng tôi bắt đầu phát triển từ một vài năm trước” – ông Nadav Eshcar nói.

Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam (thứ tư, phải sang) - tham gia phiên thảo luận tại

Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam (thứ tư, phải sang) - tham gia phiên thảo luận tại

Theo ông phân tích, khi phải tiếp xúc với máy tính, nông dân vốn quen với đồng ruộng sẽ không cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi tất cả chúng ta đều dùng smart phone, mọi thứ thay đổi. Mỗi người, mỗi nông dân kể cả ở vùng xa cũng đều có smartphone. Vì thế, việc sử dụng smartphone để tiếp cận, tìm hiểu và khai thác thông tin, khoa học công nghệ là rất quan trọng.

Nông dân tại Israel cũng vậy, họ đã học cách sử dụng smartphone để bón phân cho đồng ruộng. Họ có thể chụp ảnh các mảnh ruộng đang có vấn đề cần xử lý rồi dùng công nghệ AI để tìm hiểu và điều chỉnh cách chăm sóc cho thật phù hợp.

Hay như một công nghệ khác liên quan kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ trứng, ông Nadav Eshcar cho biết Israel đã có thiết bị kiểm tra giới tính của gà từ khi còn trong trứng. Không những thế, các nhà khoa học của Israel còn đang nghiên cứu công nghệ sử dụng âm thanh để thay đổi giới tính gà từ khi ấp nở.

Tại phiên thảo luận, ông Nadav Eshcar một lần nữa nhấn mạnh quan điểm: “Công nghệ không phải là vấn đề mà là giải pháp. Tôi có smartphone, tôi không biết nó chạy như thế nào nhưng tôi biết sử dụng nó. Vì vậy, tôi thấy công nghệ cần dễ sử dụng cho nông dân”.

Ông cũng cho rằng, nông dân có thể là người bảo thủ nhất trong việc chấp nhận và sử dụng công nghệ mới. Điều đó chính là thử thách. Tuy nhiên, Chính phủ có thể thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc quyết định đưa công nghệ cụ thể nào đó vào áp dụng mỗi địa phương.

Con đường phải đi của ngành nông nghiệp

Tâm đắc với những ví dụ cụ thể của ứng dụng công nghệ vào hoạt động nông nghiệp mà Đại sứ Israel tại Việt Nam nêu ra, ông Nguyễn Trường Hiệp – Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số Tập đoàn FPT cho rằng: “Chuyển đổi số cũng giống như bất cứ sự chuyển đổi nào khác, là sẽ phải đi từ điểm A đến điểm B. Chúng ta muốn đi đến đâu thì chúng ta cần biết chúng ta đang ở đâu”.

Ông Nguyễn Trường Hiệp: "Chuyển đổi số nông nghiệp là một việc lớn, nên không làm một mình. Chỉ có sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp thì mới có thể làm đúng, làm nhanh".

Ông Nguyễn Trường Hiệp: "Chuyển đổi số nông nghiệp là một việc lớn, nên không làm một mình. Chỉ có sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp thì mới có thể làm đúng, làm nhanh".

Riêng về ngành nông nghiệp của Việt Nam, hiện kim ngạch xuất khấu rất lớn, khoảng 41 tỉ USD. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp ở mức 2,4% và phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực thủ công.

Ông Hiệp cho rằng các hộ nông dân đều đã được tiếp nhận công nghệ nhưng họ còn gặp khó khăn về tài chính mặc dù giá cả của đầu tư công nghệ đã tốt rất nhiều so với cách đây khoảng 10 năm trước. Câu chuyện đưa công nghệ tới nhiều người hơn chứ không phải câu chuyện đưa công nghệ về Việt Nam nữa.

Ở Việt Nam, hiện đã hình thành mối quan tâm về truy xuất nguồn gốc, tăng thông tin minh bạch, tăng giá trị sản phẩm. Ngay ở Long An, Sóc Trăng, nôn dân đã sử dụng máy bay không người lái giúp tiết kiệm chi phí nhận lực, chi phí vận hành cũng như tiết kiệm 30-60% lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Chúng ta từng nghe việc kết hợp của một số ngành công nghệ như FinTech, MartTech,… và ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chúng ta cần hướng đến công nghệ nông nghiệp cao như AriculTech” – ông Hiệp nêu quan điểm.

Nông dân luôn quan tâm và cố gắng áp dụng kinh nghiệm để tính toán bao nhiêu nước, bao nhiêu thuốc, bao nhiêu giống cho diện tích đồng ruộng cụ thể. Dự đoán này có thể chính xác đến 95% nhưng sẽ không thể chính xác nếu tính cho diện tích ruộng lớn. Trong khi đó, nông nghiệp chính xác là điều mọi nông dân hướng tới.

“Để phát triển công nghệ nông nghiệp, chúng ta không thể thiếu sự thúc đẩy từ chính phủ, công ty công nghệ, tổ chức tài chính, người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm chất lượng,... Các bên liên quan đều góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp” – ông Hiệp nói thêm.